Dễ nghiện, khó cai

Thứ Hai, 09/06/2008 11:42

781 xem

0 Bình luận

(0)

1092

Đối với trẻ em, BS Trương Trọng Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe TP.HCM (TTGDSK) cho biết: “Trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc thì tỷ lệ mắc bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi...) cao hơn nhiều so với trẻ trong gia đình không hút thuốc. Trẻ bị suyễn sẽ lên cơn nhiều hơn. Nguy hiểm nhất là khói thuốc lá có thể gây ra tình trạng đột tử (chết đột ngột) ở trẻ dưới 1 tuổi”.

Hiện nay, điều khiến các nhà chuyên môn lo lắng không còn là hút thuốc thụ động mà là chủ động ở phái nữ. Nghiên cứu của TTGDSK cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới đang gia tăng! Nữ công nhân có tỷ lệ hút thuốc là 8,9%, cao hơn so với nữ học sinh - sinh viên (3,9%). Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân hút thuốc lá là do chán (50,8%) và buồn (46,2%). Đặc biệt, có đến 20% cho là sẽ hút khi việc hút thuốc ở phụ nữ trở nên phổ biến. Chính cái mà bạn nữ cho là “cứu cánh” làm vơi nỗi buồn chán lại là nguyên nhân mang lại nỗi buồn về sau.

Theo các nghiên cứu khoa học, chất nicotine có trong thuốc lá có tác dụng ngăn cản hình thành lớp bảo vệ trứng (lớp này đóng vai trò làm rào cản, chỉ cho một tinh trùng “kết hôn” với trứng). Vì vậy, nhiều tinh trùng sẽ xâm nhập được vào trứng, dễ gây ra sẩy thai. Một số chất trong thuốc lá còn làm thay đổi nồng độ nội tiết tố, ảnh hưởng đến sự chín và rụng trứng, gây vô sinh. Tần suất có thai ngoài tử cung ở những người hút thuốc cao gấp 2,2 - 4 lần so với người không hút thuốc. Ở thai phụ, chất nicotine trong thuốc lá làm giảm máu và oxy đến thai nhi. Theo Hội Sản phụ khoa Mỹ, ở những thai phụ hút một bao thuốc lá/ngày, tỷ lệ đẻ non cao hơn 20% so với phụ nữ không hút thuốc

Thạc sĩ Lê Khắc Bảo - ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: người hút thuốc sẽ trông già hơn người cùng tuổi không hút thuốc. Khói thuốc “kích thích” phân hủy lớp collagen dưới da làm da mất tính đàn hồi, chảy sệ, nám và hình thành các nếp nhăn. Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh răng miệng, làm răng ngã màu trước tuổi, hôi miệng.

Cũng theo thạc sĩ Lê Khắc Bảo - phụ nữ dễ nghiện và khó cai thuốc lá hơn nam giới do phụ nữ thường tìm đến thuốc lá khi gặp một vấn đề tâm lý phức tạp chứ không đơn giản là bắt chước hay hút cho vui như nam giới. Một trong những rào cản khiến việc cai thuốc ở nữ không thành công là nỗi lo tăng cân sau khi cai thuốc lá. Tuy nhiên, sự tăng cân này chỉ là lấy lại trọng lượng lẽ ra phải có của cơ thể đã bị thuốc lá ức chế.

Để không tăng cân trong cai thuốc lá, các bác sĩ đề ra 4 biện pháp: ăn uống ít mỡ, ít ngọt, nhiều trái cây, dùng thuốc (theo hướng dẫn của bác sĩ), kiểm soát hành vi ăn uống và tập thể dục.

Phương Nam

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading