Trời lạnh bệnh hô hấp tăng

Thứ Sáu, 23/05/2008 05:03

1,295 xem

0 Bình luận

(0)

2568



Nhiệt độ những ngày đầu năm mới thất thường, khi hạ thấp khoảng 19 - 21 độ, buổi trưa lên đến 29 – 30 độ, thỉnh thoảng có những cơn mưa nhỏ bất chợt, nên số lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng nhiều. Khoa tai mũi họng (TMH) BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận mỗi ngày 140 - 150 bệnh nhi, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái chỉ 100 bệnh nhi. Khoa TMH BV Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhi/ ngày (so với 220 bệnh nhi ngày thường). Phòng khám Nhi khoa Nancy tăng 20% bệnh nhi (từ 8.000 lên trên 10.000 bệnh nhi/tháng).


Theo bác sĩ (BS) Lê Huỳnh Mai - BV Tai Mũi Họng TP.HCM:

Mỗi năm, thời điểm sau tết Tây, các bệnh thường giảm từ 20% - 30%. Tuy nhiên năm nay do thời tiết khắc nghiệt, nóng, lạnh bất thường nên số người đến khám bệnh về hô hấp khoảng 1.000 người/ngày so với 800 người cùng kỳ năm ngoái. Bệnh hay mắc nhất là viêm hô hấp trên, viêm mũi họng, suyễn...

Cảnh báo từ nhân viên y tế

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhi, các BS nhận thấy có trên 40% phụ huynh tự dùng thuốc để điều trị cho con và chỉ đưa đi khám bác sĩ khi bệnh trở nặng. BS Nguyễn Thanh Hải - Phòng khám Nhi khoa Nancy cho biết: “Bé bệnh nhẹ không cần dùng kháng sinh phụ huynh lại cho con uống kháng sinh, ngược lại những bé bệnh nặng cần điều trị thuốc đặc hiệu lại dùng thuốc ho cảm thông thường, bệnh nhẹ thành bệnh nặng khiến việc điều trị trở nên khó khăn”. Khoa TMH BV Nhi Đồng 2 TP.HCM đã và đang điều trị nhiều trường hợp bị viêm phế quản, viêm phổi nặng do tự mua thuốc điều trị ở nhà từ 3-5 ngày thấy không bớt mới đưa đi bệnh viện (không loại trừ uống thuốc theo “toa” của nhà thuốc!).

BS Trần Anh Tuấn – BV Nhi Đồng 1, cảnh báo:

“Thời gian gần đây, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM còn tiếp nhận nhiều trường hợp ngay từ lần đầu lên cơn suyễn đã rất nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng”.

Như trường hợp bé N.T.Đ. 11 tháng, cư ngụ ở Q.1 TP.HCM, nhập viện trong tình trạng người tím tái, nhịp tim tăng 210 lần vì thiếu oxy. Bé được cấp cứu tích cực, thở oxy 4 ngày mới tạm ổn. Bé L.Đ.H., mới 6 tháng tuổi, bị suyễn nhưng gia đình không biết, thấy con thở khò khè đã tự mua thuốc cho bé uống.

Bệnh không hết, bé thở co kéo, quấy khóc dữ dội. Gia đình đưa bé đi cấp cứu, khi vào viện, lượng oxy trong máu đã giảm, phải thở oxy song song điều trị thuốc cắt cơn suyễn bé mới hồi sức.

Có khoảng 30% phụ huynh cho con đi BS điều trị, nhưng tự ngưng không cho con tiếp tục uống thuốc khi thấy bệnh tình thuyên giảm. Theo các bác sĩ: sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cần uống đúng và đủ liều theo toa. Tự điều trị rất nguy hiểm, vì phụ huynh không thể biết được tác dụng phụ của thuốc cũng như diễn biến bệnh nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng bệnh nhi. Chẳng hạn, bệnh viêm họng nếu không uống kháng sinh theo đúng hướng dẫn của BS sẽ có nguy cơ cao bị thấp tim, thấp khớp...

Những điều cần lưu ý

Ở thời điểm khí hậu lạnh nhất trong năm, cần lưu ý những trẻ có bệnh suyễn (lạnh là yếu tố kích phát cơn suyễn). Trẻ dưới 2 tuổi có các dấu hiệu thở mệt nhọc (co kéo da chung quanh xương sườn và cổ), cánh mũi phập phồng, môi tím tái thì phải cảnh giác đó là suyễn, nên đưa đi BS để được điều trị cắt cơn, hướng dẫn chăm sóc, vừa ít tốn kém vừa không nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản cũng dễ xuất hiện trong mùa này, do đó phụ huynh cần giữ ấm, lau khô mồ hôi cho bé, không nằm quạt, tránh tiếp xúc với người bệnh (người lớn khi bị bệnh cần cách ly với trẻ em). Tăng cường vệ sinh cá nhân, làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý, hút hết đàm nhớt vướng trong mũi bé (dụng cụ hútmũi có bán tại cửa hàng dụng cụ y khoa hoặc quầy đồ dùng trẻ em trong các siêu thị). Chế độ ăn cho trẻ bệnh cần đủ dinh dưỡng, ấm nóng, chia ra làm nhiều bữa, mỗi bữa một ít, cho ăn quá nhiều trong một bữa dễ khiến bé bị ói, mất sức. Phòng chống bệnh về lâu về dài, tốt nhất là chích ngừa đầy đủ, cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng không để trẻ thiếu máu, thiếu sắt, thiếu sinh tố A (một trong những yếu tố nguy cơ làm nhiễm trùng tái phát nhiều lần do giảm sức đề kháng, viêm đường hô hấp...). Cải thiện môi trường sống: giữ vệ sinh nhà cửa, không để gió lùa (lạnh đột ngột, bé còn nhỏ không biết hỉ mũi, nước mũi đậm đặc gây bội nhiễm), khi trời lạnh cần mặc ấm ngực và mang vớ cho bé.

PHƯƠNG NAM

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading