Thòi lòi biển: Xấu mà ngon bất ngờ

Thứ Tư, 21/10/2009 10:10

1,013 xem

0 Bình luận

(0)

2175


Cá thòi lòi biển tuy xấu nhưng làm được nhiều món ngon chân phương

Cá thòi lòi có khả năng lặn lâu, phóng như bay trên mặt nước và trèo giỏi. Theo tự điển Wikipedia, cá thòi lòi có tên khoa học là Periophthalmodon schlosseri, thuộc họ cá bống trắng (Gobiidae), được tìm thấy tại các khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển ở Úc, Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Seychelles, Thái Lan và Việt Nam.

Đa Nghi

Với dân phố thị, con thòi lòi còn quá xa lạ và mới nhìn hơi... ớn cảm. Bởi hai con mắt nó lồi gần hẳn ra ngoài như đèn xe hơi đời cũ. Nhờ vậy nó có khả năng quan sát tứ bề. Ngay cả khi lội thong thả dưới nước, nó luôn ngóc đầu lên và thường xuyên đảo mắt quan sát, nghe động là nó lủi trốn mất dạng. Do vậy nó còn có biệt danh là “Tào Tháo”.

Riêng ở nước ta, dựa vào môi trường sống, tạm chia thòi lòi thành hai loại: ở biển và sông, rạch. Loại ở biển, cỡ cá lớn nhất gần bằng cổ tay người lớn, thịt ngon đến độ “quên mời… em vợ”! Loại này sống theo các vùng nước lợ và mặn như Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công, Bạc Liêu, Cà Mau... Cá biệt, một số người dân vùng Nhơn Trạch, Đồng Nai gọi thòi lòi biển bằng một tên dễ mến khác là bống thùng. Song người viết vẫn chưa tìm ra lý giải hợp lý về tên phát sinh này.

Đặc biệt, giống thòi lòi biển rất hung dữ. Nếu được nhốt chung, chúng sẽ cắn lộn đến te tua tơi tả. Do vậy, những chủ vựa phải may miệng chúng lại hoặc làm mù mắt để giúp chúng giữ nguyên “vóc ngọc”. Và chúng có thể nhịn đói bốn, năm ngày vẫn tươi tỉnh. Chưa hết, chúng rất mạnh mẽ. Có chuyện một số cô gái phố thị về Cần Giờ, TP.HCM làm dâu. Buổi đầu các cô không dám làm thịt con cá xấu xí này. Nhưng khi các cô bạo gan làm cá xong, nó vẫn còn có thể gây sửng sốt. Cụ thể, khi các cô mang thân cá ra cầu ao rửa. Cá liền  vùng mạnh, vuột khỏi tay người rửa, bơi lúc lắc xuống tận đáy ao sâu.

Được biết, cách bắt cá thòi lòi hiệu quả và thông dụng là đặt “chà di”. Trước người ta dùng lá dừa nước kết lại thành “chà di”, nay họ chế  lại  dụng cụ này bằng chai nhựa. Dụng cụ này được cấu tạo tựa như cái lợp, khiến cá vào được nhưng không thoát được. Đầu tiên người đi bẫy cá sẽ đuổi cá vào hang hoặc đoán biết cá đang ở hang, trong những lùm  gai dại như ô rô hay những hốc, kẹt rễ cây đước, mắm... Kế đến, họ ém chặt các hang phụ (ngách) bằng đất cứng, rồi chụp “chà di” lên miệng hang chính và ém chặt bằng đất dẻo. Đợi khi nước lớn “bò” vào, cá bị ngộp thở sẽ phóng mạnh vào rọ.  Riêng đám thòi lòi ở sông, rạch chỉ lớn bằng ngón tay trỏ người lớn, thường sống ở những vùng nước ngọt như vùng Q.7, Bình Triệu, TP.HCM hay ở Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ… Đám cá này rất tanh, có khi gà vịt còn chê.

Chỉ có nhóm thòi lòi sông còn nhiều tiềm ẩn thú vị. Tiếc thay, đến nay đạo diễn những chương trình ẩm thực khẩn hoang “hoành tráng” ở TP.HCM vẫn chưa cảm được điều này.

Ngon quên mời...

Hơn bảy năm trước, dân nghèo Gò Công và Cần Giờ dùng loại cá này chế ra món “thịt bò nhà nghèo”: làm sạch, bỏ da rồi kho tiêu. Họ hâm lại ba, bốn lửa khứa cá sẽ ửng màu hổ phách. Cắn miếng cá, dân sành ăn phải líu lưỡi bởi độ ngọt, bùi, thơm cứ tranh nhau quyến rũ, nấn ná. Đặc biệt, thịt cá này để nguội vẫn không tanh. Do vậy, món này thường được ưu ái dành cho bà đẻ. Bởi thịt nó “hiền”, nhiều nạc, rẻ hơn cá lóc đồng. Và trong mâm cỗ cúng Thần Nông, sau mùa gặt, không ít bà nội trợ đảm đang xứ biển Gò Công bày thêm món thòi lòi kho tiêu, bên cạnh con cua, con lóc nướng trui.

Nay con thòi lòi biển thêm danh giá nhờ các món: nấu cháo Tiều, chiên hoặc nướng một nắng. Cha đẻ của món cháo Tiều thòi lòi là bếp trưởng nhà hàng Duyên Hải, gần bến xe buýt Cần Thạnh, Cần Giờ. Những dịp cuối tuần, không ít doanh nhân và văn nghệ sĩ lặn lội xuống đây thưởng lại món này. “Muỗng cháo ở đây được gia chế tài tình nên tôi nghe “phê” như bản nhạc hay”, anh bạn văn sĩ ở TP.HCM bình. Thật vậy, những tinh chất của thịt cá “rỉa” nhỏ giao hòa cùng ít thịt nạc heo, tép bạc cũng bằm nhuyễn. Cháo nhừ mịn, bốc khói, thơm điếc mũi. Xen kẻ và kết nối là ít nấm tuyết giòn sừn sựt. Gặp mưa rừng bỡn cợt, cháo càng mau cạn nồi.


Cá thòi lòi biển

Và anh Nguyễn Hải từng làm chủ một quán ăn nhỏ xinh ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, còn chế ra món thòi lòi biển một nắng. Cách chế món này như sau: cá tươi mang làm sạch, để ráo, ướp ít sả tươi bằm, ớt giã, muối, bột ngọt, đợi ngấm khoảng hai tiếng, phơi nắng gắt khoảng ba, bốn tiếng. Từ dạng cá “dốt dốt” này, đầu bếp đem chiên hoặc nướng thì cung bậc hương vị món ngon đã khác nhau. Tựu chung, dân sành điệu kết luận rằng những món này còn ngon hơn cá lóc đồng một nắng.

Nếu có dịp nghỉ đêm trong Khu du lịch sinh thái Vàm Sát, ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM, có thể bạn sẽ được nghe thòi lòi biển hát gọi bạn tình, vào mùa mưa. Tiếng hát nghe “èo... ẹo” ngân vang, thúc giục, hồ hởi… như tiếng mời gọi “bắt cặp” của đám nhái đồng mùa sa mưa. Và đấy cũng là điệu nhạc hồi sinh của giống sinh vật lưỡng cư xấu xí này, “nhờ ơn” Khu dự trữ sinh quyển thế giới! Bởi ngoài khu này, họ hàng chúng thường bị dân địa phương đuổi bắt “từ lớn đến nhỏ”.

Cũng tại nhà hàng trong khu du lịch vừa kể có hai món đặc sản từ thòi lòi biển: nướng trui và trộn gỏi lìm kìm. Dây lìm kìm mọc hoang dại rất nhiều ở rừng Cần Giờ. Mùa mưa lá lìm kìm xanh non, tựa lá sâm nhưng nhỏ hơn. Vị lá này chua chua, chát chát, mằn mặn, dường như có “duyên nợ” với thịt thòi lòi biển tự ngàn xưa. Gấp một miếng thịt cá này, cặp thêm vài miếng lá lìm kìm nhai chậm, bạn sẽ nghe từng cung bậc hương vị lâng lâng hòa quyện. Không khí rừng thật trong lành, có tiếng chim bìm bịp vang vang giục con nước.

Một số bà nội trợ đảm đang vùng Phước Khánh, Nhơn Trạch, Đồng Nai thường đãi khách quý món bống thùng hấp bia, cuốn bánh tráng rau sống. Hay có dịp thẳng về Đất Mũi, bạn nên dùng thử miếng khô  thòi lòi nướng mặn mòi, rồi hớp ly trà “quạo” (đậm), góp chuyện tiếu lâm. Có người đồn rằng, thòi lòi là chắt, chít của khủng long, em ghẻ cá sấu.

Tấn Tới (Thanh niên)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading