Bánh gio quê nhà

Thứ Bảy, 24/04/2010 10:55

1,344 xem

0 Bình luận

(0)

4148

Từ thuở bé, anh em tôi đã được ăn món bánh gio thơm ngon do mẹ làm vào những dịp lễ Tết. Nay chúng tôi mỗi người làm việc một nơi, nhưng mỗi khi cả gia đình sum họp đông đủ, mẹ vẫn lại làm món bánh gio để mọi người cùng thưởng thức món ăn đậm đà chất quê này.

Bánh gio được làm từ gạo nếp, nước gio (tro) và lá cây ỏng. Nước gio là thành phần chủ yếu quyết định hương vị và màu sắc của bánh nên bánh mới gọi là bánh gio, một cách gọi vừa dễ nhớ, vừa dân dã. Để làm nước gio, người ta lấy cây thạp nhạp (là loại cây mọc trên rừng, rất phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc) cùng với quả của cây xoan mang về đốt thành tàn tro. Sau đó, lọc lấy phần nước.

Gạo làm bánh là thứ gạo nếp của vụ mùa mới, hạt trắng tinh và không được chọn gạo có lẫn tẻ. Chỉ cần gợn hạt gạo tẻ, bánh sẽ mất vị dẻo thơm. Lấy chút vôi, hòa với nước sạch, lọc hết phần vôi cặn để lấy nước trong, rồi đem hòa cùng nước tro. Đổ gạo nếp vào nước đó, ngâm khoảng từ 4 đến 6 giờ để tạo màu sắc và hương vị cho bánh. Sau khi ngâm, đổ gạo ra cho ráo nước, xóc với chút muối trắng cho bánh thêm đậm đà.

Lá dùng để gói bánh gio là lá ỏng hoặc lá dong. Lá có chiều dài chừng 40cm, chiều ngang 15cm. Loại lá này mềm và dễ gói, phù hợp với kích thước của loại bánh này. Mỗi chiếc bánh gio dài khoảng 10-12cm, dầy 2cm. Khi gói bánh, người gói phải khéo léo, tỉ mỉ, sao cho lá vừa kín chiếc bánh, khi luộc gạo không bị tràn ra ngoài lá. Bánh gói xong xếp vào nồi, đổ nước vào luộc khoảng 5-6 giờ là được.

Bánh gio có dáng tròn, thuôn dài hoặc hình tam giác, bóc ra có màu vàng óng, trong suốt. Khi ăn bánh có độ dẻo, dai, thơm và mát, có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Bánh gio thường được chấm với mật ong, có thêm nước gừng sẽ rất ngon.

Nguyễn Văn Hưởng

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading