Cơm mới của Hà Nội

Thứ Hai, 18/10/2010 10:08

1,378 xem

0 Bình luận

(0)

1083

TTCT - Quãng hơn 4g sáng là ông từ Na thức giấc. Sửa soạn tinh tươm cho mình rồi, ông từ 67 tuổi đi thay nước cho các ban thờ, lại gióng lên một hồi chuông sau đó. Hương trầm thơm lựng gian đình, bốn lễ, ba lạy, ông từ bắt đầu công việc phụng thánh của đình Vòng (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Nghi thức dâng lễ cơm mới lên thánh hoàng đình Vòng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) - Ảnh: Vũ Đạt

Sáng 9-10, từ giữa khuya ông từ Na đã lục tục trở dậy. Không chỉ vì mừng Hà Nội nghìn năm, mà còn vì hôm nay là một ngày lễ của ngôi làng cổ này.

Nói Hà Nội là mảnh đất nghìn năm xem ra còn là “ăn bớt” tuổi của vùng văn hiến ấy. Những dải đất cổ nhất của Hà Nội không phải là khu 36 phố buôn bán mới do những người thợ thủ công và thương nhân từ nơi khác kéo về lập nên vài trăm năm lại đây, mà là những làng khoa bảng có từ cả nghìn năm trước đó của kinh thành sông hồ này. Kẻ Mơ, Kẻ Mọc, Kẻ Bưởi, Kẻ Láng, Kẻ Noi, Kẻ Cót... nơi là đất vua ban cho các khanh tướng lập thái ấp, nơi là hành cung và đền thờ của họ.

“Cao mà bằng phẳng”, hiếm nơi nào sản sinh ra nhiều hiền tài như chốn này. Chu Văn An, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Đặng Trần Côn, Phan Phu Tiên... đều là những danh nho sinh ra từ những ngôi làng cổ của Hà Nội. Các nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan cũng sinh ra từ những ngôi làng ấy. Vốn là đất “trọng sĩ khinh thương”, các danh sĩ không xuất thân từ khu buôn bán phục vụ kinh thành.

Đình Vòng của làng Mọc Hạ Đình nằm bên bờ nam sông Tô, thuộc Kẻ Mọc cổ bao gồm những làng Mọc xưa, nơi “lắm lúa Kẻ Giàn, lắm quan Kẻ Mọc”, mỗi năm ngoài lễ giỗ nhị vị thánh hoàng (*) làng còn làm giỗ cho chín người làng là các tiến sĩ và quan lại triều đình. Hôm nay, ngày 2-9 âm lịch, không phải ngày giỗ mà là lễ cơm mới.

Lạy thánh hoàng xong, ông từ Na ra quét tước sân trước phương đình. Ba lượt chổi rơm đều khắp cho tới khi cái sân sạch như lau như ly. Rồi lau mình cho hai ông hạc chầu, hàng câu đối, ông từ đứng ngắm nghía thành quả của mình. “Mát mắt lắm rồi”, ông từ già bảo rồi đi tắm gội tinh tươm như thủ tục tất yếu mỗi đầu ngày của người trông coi nơi thờ phụng thánh hoàng.

Quãng 8g thì đoàn lễ đến. Nhà cửa giờ đã đan xen, người cư ngụ nơi này giờ phần lớn là người mới đến, theo lệ làng mà nấu cơm mới dựng bàn thờ, trải chiếu ngay ngắn đón đám lễ qua nhà mình. Nếu người trải chiếu thiếu cẩn trọng mà trải chiếu cũ lệch, đoàn lễ tránh không bước qua là nhà ấy năm đó ít được no đủ. Chiếu mới đoàn lễ đã bước qua, gia chủ đem vào nhà dùng sẽ được người khang vật thịnh.

Các tráng đinh khiêng lễ phải bịt mặt để tránh thụ nhận lễ trước thánh hoàng làng - Ảnh: Vũ Đạt

Đồng ruộng tít tắp giờ thành nhà cửa, đường sá, người làng không còn ai trồng cấy. Nhưng mâm cúng lễ cơm mới vẫn phải kén hạng nếp cái ngon nhất của vụ mùa. Xưa có bốn giáp, nay có tám cụm dân cư, mỗi nơi chọn một nhà biện mâm lễ. Gia đình được chọn làm lễ phải là gia đình thành đạt, thuận hòa, con cái hiếu đễ. Lễ không cần nhiều mà chỉ kén tinh. Các tráng đinh khiêng lễ phải bịt khăn che mặt, tránh thụ nhận lễ vật trước thánh hoàng làng.

Đoàn lễ tới sân đình, trước khi dâng lễ, người chủ tế và gia đình được chọn làm lễ lần lượt lạy cảm tạ thánh hoàng làng đã cho người làng và gia đình một vụ mùa no đủ. Rồi bên nam dâng rượu, bên nữ dâng hương, đăng, hoa, trà, quả, thực; những thức ấy lần lượt được dâng lên thánh hoàng làng giữa những hồi chiêng trống và tiếng hô của người chủ tế.

Ngôi đình cổ từ thế kỉ 16 nay không còn giữ được nhiều bảo vật. Năm 1945, vào những ngày tiêu thổ kháng chiến, người ta đã hủy rất nhiều đồ thờ tự của nơi này, đắp ụ rơm từ đình vắt qua đường tới con sông Tô ngay trước mặt để chặn đường quân địch. Nhưng khi châm lửa đốt đình thì lửa rơm lần nào cũng tắt, người làng kể lại. Kinh sợ, không ai dám đốt nữa. Nhờ thế một phần đình với những hàng cột lim vững chãi nay vẫn còn.

Chiến tranh loạn lạc không chỉ phá hủy một ngôi đình mà còn với hầu hết những ngôi nhà uy nghi trong làng có nhiều gian đầy câu đối, hoành phi và đồ thờ tự cổ mà “mỗi lần sửa sang, cụ nhà tôi lại mướn phường thợ từ nơi khác về làm trong nhiều tháng trời mới xong”, theo lời kể của một người già trong làng.

Loạn lạc đã qua và cơm mới vẫn dẻo thơm từ những cánh đồng trĩu hạt quanh đây. Thành phố mở hội nghìn năm, nghĩa là hơn nghìn năm những lễ cơm mới của mảnh đất ấy. Cho dù không có bất cứ nghi lễ nào thì linh khí vẫn toát ra từ vùng đất sinh trái ngọt người hoa này.

“Mừng ngày cơm mới nhé, Hà Nội!”.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading