Hương Vị Bánh Mỳ Việt Trên Đất Mỹ

Thứ Năm, 01/01/1970 08:00

2,455 xem

0 Bình luận

(0)

1739

Người Việt ở Mỹ tài tình sáng tạo ra những chiếc bánh mỳ có hương vị đặc trưng: vị đậm đà của miếng thịt quay, vị tươi mát của rau xà lách, cái giòn tan của vỏ bánh...

Có thể dễ dàng tìm thấy các thương hiệu Sáu Voi Corp., Bánh mỳ Sài Gòn Bakery, Silent H, Thanh Đa, Ba Xuyên... tại các quận Chinatowns, Manhattan, Brooklyn và Queens của thành phố New York. Theo anh Nguyễn Vinh, chủ cửa hàng bánh mỳ Silent H, những người Việt đã không quản vất vả để tìm ra một hương vị vừa phù hợp với người Mỹ, vừa giữ được nét ẩm thực truyền thống.

“Mẹ tôi làm việc thật vất vả để sáng tạo ra hương vị Việt Nam trên đất Mỹ. Ngày nay, chúng tôi tiếp tục công việc của mẹ, giữ gìn nét văn hóa ẩm thực Việt tại đây”, anh Vinh nói.

Người Việt ở Mỹ sáng tạo trong cách chế biến nhân bánh mì.

Luôn nghiên cứu và sáng tạo

Để làm ra một chiếc bành mỳ “rất Việt Nam” nhưng hợp với khẩu vị của người Mỹ, thế hệ những người Việt trẻ gốc Mỹ không ngừng tìm tòi và sáng tạo. Anh Nguyễn Vinh đã tạo dựng được một loại bánh mỳ khá bổ dưỡng với tên gọi Greenpoint. Thay vì món chả lụa hay pate lợn, anh Vinh sử dụng bơ và nhân xúc xích hun khói của Ba Lan. “Chiếc bánh mỳ chỉ toàn vị xúc xích hun khói và vị cay của hạt tiêu mang lại cho khách hàng cảm giác mới lạ”, anh Vinh chia sẻ.

Bánh mì Việt ở Mỹ có hương vị đặc trưng...

Một đầu bếp của nhà hàng Silent H cũng tiết lộ bí quyết khiến bánh mỳ ở đây thu hút cả những thực khách khó tính: “Tại New York, các đầu bếp luôn nghĩ cách làm sao để chiếc bánh sandwich được nhồi thật đầy bơ, chất béo và gia vị. Tôi nghĩ khách hàng sẽ thấy sợ những chiếc bánh như vậy. Chúng tôi hút khách đến với cửa hàng bằng cách sử dụng cả bơ và mayonnaise vào quá trình nướng bánh. Chúng tôi nướng bánh mỳ với bơ tỏi trước để bề mặt ngoài giòn, nhưng bên trong mềm”. Trong khi đó, tại nhà hàng Ăn Chơi, ông chủ trẻ Bùi Tuấn lại giới thiệu đến thực khách món bánh mỳ kẹp thịt lợn ba chỉ quay và miếng da lợn giòn tan.

... và màu sắc, mùi vị hấp dẫn.

Hai mươi phút một mẻ bánh

Tiêu chí kinh doanh của các cửa hàng bánh mỳ Việt là mang đến những chiếc bánh “luôn tươi ngon và tuyệt hảo”. Một điều tối kỵ với những ông chủ trong nghề là sử dụng lại bánh cũ. Các cửa hàng chỉ bán những chiếc bánh vừa mới ra lò và còn nóng hổi. Anh Huỳnh, chủ cửa hàng bánh mỳ Baoguette ở Gramercy Park, cho biết: “Cứ 20 phút cửa hàng lại có một mẻ bánh mới để phục vụ khách. Chúng tôi phải làm ra những chiếc bánh thực sự có chất lượng cao”.

Chị Thảo Nguyên, vợ của anh Huỳnh, lớn lên trong một gia đình có truyền thống về nấu ăn tại Đà Nẵng. Chị là một trong những người tạo ra những chiếc bánh mỳ ngon nổi tiếng ở đất New York, trong đó có chiếc bánh đặc biệt Sloppy Bao. Sloppy Bao thực sự trở thành món ăn khoái khẩu của những người thích đồ cay do chính vị cay đặc trưng của nó.


Người dân New York thực sự “hâm mộ” món bánh mỳ Việt Nam.


Chiếc bánh quê hương

Người Việt Nam chỉ mới biết đến bánh mỳ vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, lúc đó, chiếc bánh chỉ có bơ hay phết thêm chút pate. Sau đó, người Việt tài tình sáng tạo ra những chiếc bánh mỳ có hương vị đặc trưng: vị đậm đà của miếng thịt quay, vị tươi mát của rau xà lách, cái giòn tan của vỏ bánh... Nếu muốn, thực khách có thể đề nghị cho thêm một chút pate gan lợn thơm phức, một vài nhánh rau mùi tươi và chút gia vị ớt vừa cay vừa ngọt.

Các doanh nhân “bánh mỳ Việt” mất rất nhiều thời gian và công sức mới khẳng định được thương hiệu của mình. Nhờ có chiếc bánh ấy, anh Vinh, anh Tuấn, chị Nguyên cùng những người Việt trẻ khác ... đã tạo dựng được sự nghiệp và danh tiếng của mình trên đất New York nói riêng và đất Mỹ nói chung.


Theo Báo Đất Việt
Nguồn: Thugian.com.vn

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading