Xe chè Sài Gòn

Thứ Tư, 07/07/2010 08:00

1,728 xem

0 Bình luận

(0)

3297

Sài Gòn có quá nhiều đặc sản, cả cao cấp lẫn bình dân. Nhưng “đặc sản” đâu chỉ là món ngon, đó còn là người bán “lạ”. Đàn ông bán chè mát tay mát ruột, bạn có muốn thử?
 
alt 

Ăn chè buổi trưa giữa cái nóng 40 độ hay dưới cơn mưa lướt thướt không phải là chuyện hiếm hoi ở Sài Gòn. Nhưng ăn chè trên vỉa hè ngay góc đường khói bụi, giữa cái nắng đổ lửa cũng như hứng những tia nước bắn vào người do xe chạy nhanh trong mưa lùng bùng thì hẳn người bán chè phải có sức hấp dẫn gì đó ngoài chuyện quán đó nổi tiếng chè ngon.

Chè “chảnh”

Cứ mỗi lần dẫn bạn hay giới thiệu người quen đi ăn chè ở góc đường Nguyễn Hữu Cầu – Nguyễn Phi Khanh, gần chợ Tân Định thì đều bị nhận phản hồi kiểu “địa điểm quá ghê, chủ quán quá chảnh, nhưng chè thì quá ngon”. Quán chỉ bán từ giữa trưa đến xế chiều. Đến trước 11 giờ sáng hay sau 5 giờ chiều thì chỉ thấy một chiếc xe sơn màu đỏ nằm chỏng chơ trên lề, nép sát tường. Khoảng 11 giờ 30, ông chủ chè mới đến, nhích cái xe ra, bày ra mặt xe bọc inox các hũ thuỷ tinh đựng đầy các loại đậu: xanh, đỏ, đen, sương sa, hột lựu… Bao nhiêu năm rồi mà “đồng hồ sinh học” của ông chủ và cái xe chè vẫn không thay đổi.

Khách ăn chè không biết nhà ông chủ ở đâu, gần hay xa cái xe chè. Không ai hỏi hay vì mỗi khi bày hàng bán, khách đông nườm nượp, thấy ông làm luôn tay, nên không ai có thể chờ ông rảnh tay mà hỏi. Khách đông hay thưa thì ông chủ cũng múc chè một kiểu một: từ từ, dứt khoát, không nói không rằng, chẳng hỏi cũng không ừ hử… Có lẽ vì vậy mà chủ quán bị người ta cho là “chảnh”. Không gì thú vị bằng việc tìm chút vị mát lạnh của đá bào nằm trên ly chè đậu xanh, khi thì tận hưởng vị béo ngậy của nước cốt dừa trong ly chè đậu đen, ngày nóng thì làm một ly sương sa hột lựu đỏ hồng lẫn trong thạch, buổi se se thì tìm vị bùi ngây ngậy của hạt đậu đỏ. Ngày nào không biết mình thích gì thì gọi rõ to “cho một ly ba màu”. Nhưng nếu bữa nào có đậu đỏ thì dứt khoát phải ăn chè đậu đỏ.

Có trăm ngàn lời để diễn tả cảm giác hoặc vị giác khi ăn một miếng ngon. Nhưng có đôi khi ăn một miếng ngon mà chỉ có thể nói vỏn vẹn một từ “ngon”. Không thể (chứ không phải khó thể) lý giải tại sao “ngon” hay diễn giải ra sự khác biệt về cách đánh giá tiêu chuẩn “ngon” giữa ly chè đậu đỏ ở đây với nơi khác. Nhưng người viết sẵn sàng bỏ phiếu ngon cho ly đậu đỏ của xe chè góc đường này.

Chè Tàu đêm

Cũng như khu chợ Lớn, “khu chú Hoả” cũng ồn ào vào buổi ban ngày nhưng về đêm thì yên tĩnh và đáng yêu lạ thường. Trong đoạn đường Nguyễn Thái Bình (khúc nằm giữa Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Phó Đức Chính), giữa những căn nhà phố cũ kỹ, có một quán chè Tàu vẫn sáng đèn đến lúc khuya lơ khuya lắc.

Mỗi lần đến đây là một câu chuyện khác, một góc nhìn khác về quán, cũng như về người chủ. Gọi là quán nhưng thật ra chỉ là một xe chè (bằng tuổi đời của ba thế hệ gia đình chủ quán gộp lại) với vài chiếc ghế đẩu đặt quanh chiếc xe. Ông chủ hiện nay đã ngoài 50, là đời thứ ba tiếp quản “cơ nghiệp” xe chè gia đình này.

Tuy vậy, những hình vẽ màu mè trên gương xe vẫn còn nét sắc sảo, từ hình cô gái bên hông phải quảng cáo cho “Tư Trực đóng xe ở cầu kinh Bình Quới”, đến cô gái bên hông trái quảng cáo cho “Tân Huê vẽ kiếng gần chợ Thiếc”, đến cả cái tên Lâm Vinh Mậu – tên của ông chủ đầu tiên, chú của người chủ hiện nay.

Quán bán đủ loại chè Tàu: chè hột gà, nhãn nhục, hạt sen, củ sen, đậu xanh phổ tai, bạch quả... Món nào cũng có thể gọi là “ngon dách lầu”. Tuỳ sở thích, thời tiết mà khách chọn loại “hạt” rồi kết hợp với nước chè là nước đường, nước chè của chính loại đó hay... nước trà đặc. Có khoảng 6 – 8 loại nước chè được phân riêng trong bốn nồi to cỡ cái thùng đặt sâu trong chiếc xe... Nguyên tắc kết hợp là nước đường có thể ăn với bất kỳ loại hạt, đậu, củ, lá nào. Nhưng nước trà thì không thể ăn chung với đậu. Khoái khẩu nhất là chè hột sen (hoặc củ năn) ăn với nước trà đặc. Vừa có vị gắt của trà, vừa có vị thơm bùi của sen, vừa có độ ngọt thanh của nước đường, sự mát lạnh của đá bào. Mùa hè ăn món này thích hơn cả ăn kem.

Có lần, người ăn hỏi: “Sau đời của chú thì ai sẽ bán tiếp?” Trả lời: “Hông biết nữa. Bây giờ trong gia đình chưa thấy đứa nào thích cái nghề này hết. Tụi nhỏ nó chê cực, chê hổng có tự do. Mà phải thích thì tui mới truyền nghề được. Bán chè đâu chỉ có chuyện chọn đậu, nấu đậu, nấu nước... Phải thích thì nó mới biết giữ cái ly, cái muỗng, cái tô, cái nồi, cái xe... sạch sẽ đẹp đẽ như cô đang nhìn thấy chớ. Tui hổng ép đứa nào hết. Đứa nào thích thì tui dạy. Hổng thích thì chắc bỏ luôn chớ biết sao…”

Nghe buồn buồn làm sao, bởi vậy, mỗi lần đến đây nhâm nhi các món chè, tôi lại hy vọng lần sau, lần sau tiếp, lần sau nữa… khi tôi trở lại, quán chè vẫn cứ ở yên đấy.

(Đoàn Loan, SGTT)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading