Bánh tro Đắc Sở - Thêm hương vị cho ngày Tết Đoan Ngọ

Thứ Năm, 17/06/2010 11:46

2,163 xem

0 Bình luận

(0)

3675

Những ngày cuối tháng tư âm lịch khi ngày Tết Đoan Ngọ cận kề, khắp các thôn của xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại nhộn nhịp với các công đoạn làm bánh tro. Người đốt tro, kẻ gói bánh, có người đi bán bánh rong nhưng cũng nhiều hộ đổ bánh cho hàng buôn…
 
alt 

Cả ngõ trên, xóm dưới đều tấp nập một công việc làm bánh mưu sinh – làm bánh để góp thêm hương vị cho ngày Tết Đoan Ngọ sắp tới…

Những ngày tháng trước, xã Đắc Sở chỉ có lác đác người theo gói bánh tro bán rong trên phố phường Hà Nội. Đợt này, nhiều hộ ít làm bánh cũng rục rịch gói và đổ buôn bánh cho hàng xa. Đôi khi cũng nhiều người các tỉnh trong vùng về đặt bánh biếu, bánh cúng lễ Tết sắp tới.

“Người dân ở đây thường làm bánh một ngày, ngày hôm sau mới đem mẻ bánh đó đi bán” – ông Tạ Văn Thông (xóm Hồ, thôn Chùa Ngụ, xã Đắc Sở), một người có kinh nghiệm làm bánh tro mấy chục năm chia sẻ.

Ông Thông còn cho biết thêm, xã Đắc Sở nay chỉ còn chừng 40% hộ thường xuyên làm bánh tro. Người dân Đắc Sở coi nghề bánh là một nghề phụ và thường chỉ làm bán trong những lúc nông nhàn.

Ngày nay, không riêng gì thời điểm Tết Đoan Ngọ, người ta có thể mua bánh tro bất kỳ lúc nào. Trên con phố Hà thành đông đúc vẫn thấy những người mẹ, người vợ xứ Đoài mưu sinh bằng những chiếc bánh nuột nà, thanh mát, ngọt nhẹ ấy.

Mỗi chiếc bánh tro ngày thường được bán với giá 3-4 ngàn. Số tiền ít ỏi nên có lẽ không mấy ai hiểu rằng để làm được một mẻ bánh phải mất khá nhiều thời gian, công sức và nguyên liệu lại chỉ có thể từ thứ gạo nếp mới tươi ngon nhất của người dân miền quê Đắc Sở.

Thông thường để được một mẻ bánh phải mất cả ngày với khoảng năm công đoạn chính:

Công đoạn đầu tiên là luộc và rửa lá dong. Thông thường, người dân ở đây dùng lá dong tẻ. Lá dong phải được luộc hoặc hấp, tước hết phần xơ của lá trước khi gói cho mềm, dai và dễ gói hơn

Công đoạn thứ hai: Nước tro được đánh kỹ (tro đốt vỏ bưởi, cây dền gai hoặc những hương liệu đặc trưng của vùng) với nước vôi trong. Dung dịch nước vôi và tro phải có màu trong, ngả vàng mới đạt yêu cầu. Sau đó, ngâm gạo nếp với nước tro ấy khoảng ba tiếng. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên hương vị của loại bánh này: thanh mát và phảng phất vị nước vôi (có phần giống bánh đúc)

Tiếp đến, góii bánh tro phải khéo léo tránh để gạo lọt ra ngoài, gói ít gạo và gọn trong lòng lá để chiếc bánh được nuột nà và có hình dáng đặc trưng. Người dân Đắc Sở thường gói bánh theo hai hình dáng: hình trụ (giống bánh giò) và hình thanh (giống bánh tẻ, bánh răng bừa)

Công đoạn 4: Những chiếc bánh mới được gói có hình lăng trụ. Sau đó sẽ buộc chặt bởi lạt bên ngoài. Sau đó, người ta sẽ phân chia ra từng mẻ bánh, mỗi mẻ bánh được luộc kỹ với thời gian chừng năm tiếng là được

Cuối cùng, bánh tro được người dân Đăc Sở đặt trên những chiếc rổ hay sàng bằng tre khiến món bánh càng ấn tượng bởi vẻ đơn sơ, bình dị
 
alt

Chiếc bánh tro nuột nà, có vị thanh mát là món không thể thiếu trong ngày “giết sâu bọ” - Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm

Khi đến tay thực khách, người dân Đắc Sở khéo léo cắt bánh thành từng miếng và rưới đều mật mía. Mật ngọt tự nhiên kết hợp với miếng bánh thanh mát làm nao lòng bất kỳ ai từng thưởng thức...

24H.COM.VN (Theo Món ngon Hà Nội)

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading