Dẻo thơm cốm Mễ Trì, Hà Nội

Thứ Hai, 14/06/2010 11:42

3,031 xem

0 Bình luận

(0)

2553

Cốm  là một trong vô số món ăn đặc sản nổi tiếng của đất Hà thành. Tuy không nổi tiếng bằng cốm Làng Vòng nhưng hưong thơm của cốm quyện với lá sen, cốm Mễ Trì đã làm say lòng biết bao người từng thưởng thức, để rồi nhớ mãi không quên.

alt
Cốm thường gắn liền với mùa thu và hương thơm của cốm trong tiết trời xanh mát những ngày thu đã trở thành một hình tượng đep và quen thuộc trong văn thơ Việt Nam.  

"Rồi hương cốm thu cứ nhè nhẹ bay
Từ đôi tay của cô nàng bán cốm
Hương cốm ấy đến giờ càng gợi nhớ
Cứ gợi thầm, nỗi nhớ Hà Nội thương"
(Nhớ mùa thu Hà Nôi - Nguyễn Duy)

Nhưng ở làng Mễ Trì những ngày đầu hạ nắng chói chang này, hương cốm đã ngào ngạt làm nức lòng bước chân  người du khách .

Cốm được làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng trong cả hai mùa lúa chiêm và lúa mùa. Thông thường, người ta thường hay chọn lúa mùa (từ khoảng rằm tháng 7 âm lịch đến hết tháng 9 âm lịch) để làm cốm. Nhưng vào tháng 4 tháng năm âm lịch, cánh đồng Gôi ở Dich Vọng - Từ Liêm đã gặt  lúa sớm nên Mễ Trì có thêm mùa cốm nữa vào những ngày đầu hạ.

Từng gánh lúa mới gặt còn thơm mùi sữa được chở về làng Mễ Trì. Những hạt lúa tròn mẩy, sóng đều và thơm phức sau khi tuốt hạt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép thì đem đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong không bị cháy, vẫn mềm dẻo và thơm.

Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay khi thấy có trấu thì xúc ra xẩy bỏ trấu rồi lại giã tiếp. Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng bảy lần giã là hoàn tất.

Bây giờ người làm cốm ở Mễ trì không còn vất vả như xưa, đặc biệt là khâu giã cốm đã được thay thế bằng máy. Thế nhưng làm cốm vốn không là nghề nhàn hạ chút nào, bởi người làm cốm thường phải thức khuya dậy sớm cho từng mẻ cốm ra lò.

Cốm thành phẩm sẽ được gói trong hai lớp lá và buộc bằng những sợi rơm vàng. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc. Lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng.  Mùi thơm của hương cốm dịu dàng thoảng qua. Rón tay bốc một nhúm từ từ đưa vào miệng. Hạt cốm chạm nơi đầu lưỡi, dẻo, thơm và ngọt bùi.

Cốm là món ăn dân dã nhưng cũng rất sang trọng, nồng nàn mà cũng thật tinh khiết.  Bởi đó là quà của đất trời, là phần tinh nguyên của những hạt nếp ngậm đồng mỡ màng, thơm mát. Cốm gói trong lá sen hé mở một mùi hương dịu dàng thoảng qua. Những hạt cốm xanh ngọc, rời tung từng hạt nhưng vẫn giữ đuợc độ dẻo mềm. Ăn cốm phải biết cách ăn thì mới cảm nhận được hết độ thơm ngon của hạt cốm.

Có người nói rằng, cốm Mễ Trì không ngon bằng cốm Vòng vì làm bằng lúa chiêm nên hạt cốm mỏng chứ không dày dặn như cốm Vòng. Nhưng có lẽ chính điểm khác biệt đó đã tạo nên đặc trưng riêng của cốm Mễ Trì. Hạt cốm mỏng nhưng dẻo và rất thơm. Cốm ngày nay không đơn thuần là món ăn chơi, nó được kết hợp ngày càng phổ biến hơn trong các món sang trọng, tạo hương vị mới lạ như chả cốm… hay món chè cốm giải khát mùa hè.

Từng hạt cốm thơm dẻo chất chứa bao nỗi niềm của người làm cốm gửi gắm vào đó. Và ai đã một lần được thưởng thức vị thơm ngon của cốm Mễ trì trong những ngày hè oi ả này có lẽ khó có thể quên được vị thơm ngọt thanh mát của cốm. Sợi rơm vàng như nắng đang gói ghém, ấp ủ những hạt mầm xanh non, kết đọng những tinh tuý nhất của đất trời để rồi làm lòng người ngây ngất.

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading