Những món ngon hấp dẫn vùng Yên Đồng, Vĩnh Phúc

Thứ Tư, 08/09/2010 12:49

1,898 xem

0 Bình luận

(0)

1078

Khi Lý Thái Tổ từ đất Hoa Lư dời đô ra Thăng Long, tới địa bàn có thế rồng chầu hổ phục, thì cũng là lúc Nguyễn Tướng Công huý Văn Trường đưa một phần họ Nguyễn lên định cư, ngược triền sông Hồng, đến đất Vĩnh Phúc, lập nên xã Đồng Tâm, tổng thư xá, chia các chi họ Nguyễn thành Nguyễn Văn, Nguyễn Duy, Nguyễn Khắc, Nguyễn Hữu Sau các trận lụt khủng khiếp, sông Hồng vùng Thư Xá bị đổi dòng, để lại cho xã Đồng Tâm một dãy đầm hồ vài trăm mẫu bát ngát mênh mông.

alt
Món lươn bung
 
Từ những đầm hồ này, nhiều món ăn đậm đà hương vị Yên Đồng, để lại cho du khách đã một lần tới nơi đây, khó quên được đặc sản mang bản sắc vùng đồng quê, rất nông thôn, nhưng cũng rất giá trị.

Món Ba Ba

Những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, Ba ba ở Yên Đồng sinh sản tự nhiên, có nhiều con lớn tới 5 - 6 kg. Loại ba ba này chắc và thơm thịt, vì không thả nuôi kiểu công nghiệp như bây giờ. Chợ sớm ở Đình Răm, lúc nào cũng có bán ba ba.

Người ta treo ngược ba ba lên, dùng chiếc đũa dứ cho ba ba đớp, rồi tóm chặt lấy đầu nó kéo ra, kề dao sắc cứa cổ. Tiết ba ba hứng vào bát rượu, có đập gừng, Người ta khuấy đều lên và uống tại chỗ. Dân gian cho rằng uống như thế, cơ thể rất khoẻ mạnh, có thể lặn lội ngoài đầm ao liên tục ngày đêm mà không biết mệt, không biết lạnh.

Ba ba được dội nước nóng, kỳ cọ cho sạch màng nhầy, để ráo nước, treo lên, rồi mới mổ. Trước hết, dùng dao bóc tách mai ra, đoạn rạch bụng, kéo hết ruột gan xuống. Cốt nhất phải làm khéo cho khỏi vỡ ruột, tránh dội nước rửa, như thế, ăn thịt ba ba mới bổ, không bị tháo dạ.

Người ta chặt thịt ba ba thành từng miếng to bằng bao diêm. Chung quanh mai ba ba có 1 lớp sụn, gọi là cùi dừa, ăn rất ngon và bổ dưỡng. Ba ba nấu với đậu phụ, thịt ba chỉ, bóp với nước nghệ và mẻ. Khi sắp bắc ra, cho thêm lá xương sông, tía tô thái chỉ.

Nhiều nơi, độn thêm ốc nhồi móng giò lợn và chuối tiêu xanh cho đầy nồi. Nhưng Yên Đồng thì không, món ăn múc ra bát, chủ yếu là thịt ba ba, không phải món giả ba ba như ở Hà Nội
Món ba ba rất bổ dưỡng, tăng cường thể lực cho những người tráng kiện.

Món Gỏi Thờ

Thông thường người Yên Đồng dùng loại cá chép từ 3 đến 5kg một con để làm gỏi thờ. Người ta chọn cá chép trắng, lưng xanh nhạt. Con cá không ăn tạp, không rúc trong hang hốc tối tăm, bẩn thỉu, không mang sắc xanh đen, hoặc ăn theo đàn, ăn những vật trôi nổi, có màu đỏ hoặc da cam.

Cá đánh hết vẩy bạc, cạo bỏ sạch nhớt, chặt tất cả vây, để ráo nước, mổ bỏ ruột, dùng giấy bản lau khô bên trong.

Người ta lấy dao con nhọn đầu, mài sắc, tách hai bên vây trên lưng cá lớp da bọc, rồi dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ mà bóc, y như bóc cùi bưởi dính trên múi bưởi. Bóc sạch hết da cá, rồi mới dùng dao bài, lạng hai bên mình cá, lấy 2 lườn cá nạc, không mắc một tí xương nào. Phần đầu, đuôi, xương sống và bụng cá để nấu canh dấm khế chua.


Lườn cá thái vát theo chiều ngang thành từng miếng, to bằng quân tam cúc, được ướp nước chanh quả và bóp thính đậu tương rang xay nhỏ. Lúc ăn, kẹp với miếng cá là lá đinh lăng, lá ổi xanh, lá xung, lá mơ tam thể, lát chuối xanh, lát khế chua chấm với nước lòng cá băm nhỏ, nấu với dấm bỗng (bã rượu) và một chút mật, pha muối vừa đậm.

Món ăn không ngấy, ăn tới 4 lạng cá vẫn không chán. Ở Yên Đồng làm món ăn này vào ngày lễ tết, gọi là món gỏi thờ.

Món lươn bung

Lươn ở Yên Đồng dài khoảng 60 - 70cm, tiết diện bằng cái nút lọ mực Queen, được dùng làm món lươn bung. Lươn màu vàng nâu, lưng xám đen, da trơn nhầy, là lươn ngon. Còn nếu lươn có màu đen hoặc vàng nhợt, đầu tam giác, cổ khoang trắng, thì cần xem xét cẩn thận, kẻo dùng nhầm phải rắn.

Người ta chọn lươn còn tươi sống vào chậu, úp rổ thưa đậy chặt lại, rồi dội nước nóng (gần sôi) lên mặt rổ. Nước nóng chảy qua mặt rổ xuống, có độ nhiệt vừa đủ, làm lươn không bị chết ngay mà giãy giụa một hồi, tuột hết nhớt. Sau đó, xả nước lạnh rửa lại, để lươn khô ráo, rồi mới mổ. Người ta cắt đầu lươn, dốc tiết vào bát, lấy giấy bản lau khô chỗ cắt. Đoạn, dùng dao lá lúa lách bên trong, rạch tuột xuống đuôi như làm lòng gà. Cắt đuôi để lẫn với đầu. Thân lươn lại được thấm khô bằng giấy bản. úp bụng lươn xuống thớt, dùng mặt phẳng của dao phay hoặc dao thái phở mà đập mạnh xuống. Lươn không bị vằm nát, mà xương sống bong ra, lấy dao lá lúa để lột tách xương sống lươn ra ngoài.

Đầu, đuôi, xương sống lươn vằm nát với lá tía tô và một chút ớt, gói từng viên bằng lá lốt, rồi rán lên.

Mình lươn hoàn toàn nạc như cái thắt lưng da, có thể cuốn tròn rồi buộc lạt lại, để định khẩu phần cho mỗi người một con, hoặc thái miếng có chiều ngang bằng quân tam cúc.

Lươn được bung với chuối xanh cắt vát móng lợn, đu đủ xanh bổ miếng, dọc mùng (còn gọi là dọc san hà), quả dọc nướng bóc vỏ, nước nghệ. Khi bung chín bắc ra, cho thêm xương sông, lá lốt, tía tô thái chỉ.

Món lươn bung ăn nóng với bún. Tất cả nguyên liệu chủ yếu và phụ gia, người Yên Đồng đều có thể tìm thấy ở đầm, ao và vườn nhà mình

Các món đặc sản ở Yên Đồng đều thực chất, không cần đến bột ngọt, mì chính, phần lớn nấu bằng tương của nhà ngả lấy. ăn đặc sản ở Yên Đồng thì tất cả cứ yên tâm, không phải lo về an toàn thực phẩm.
 
Nguồn: website SVHTT&DL-Vĩnh Phúc

Danh mục bài viết

Đang tải dữ liệu loading