Ân tình Trà Việt

Thứ Bảy, 29/01/2011 03:11

2,831 xem

0 Bình luận

(0)

3791

Trà Việt đậm đà một dư vị riêng, là một trong bốn nền văn hoá trà lớn nhất của nhân loại, tồn tại bên cạnh Trà Đạo của người Nhật, Trà Pháp của Trung Hoa…

alt
Nguồn ảnh: chutluulai.net

Biết bao người đến từ những xứ sở xa xôi đã phải lòng Trà Việt như một mối duyên, đúng như câu nói rất tâm huyết của một chuyên gia về chè của xứ sở Trà Đạo: “Phần còn lại của đời tôi, tôi sẽ dành cho cây chè Viêt Nam”.

Tục uống trà của người Việt không quá câu nệ, nghi thức, mà giản dị và rất đỗi tự nhiên, nồng hậu thay cho lời chào khi có ai đó ghé thăm nhà. Trà được uống ở mọi nơi, mọi lúc chứ không nhất thiết là phải vào dịp đặc biệt nào. Trà xanh, trà đá vỉa hè là thói quen, là sở thích của nhiều người Hà Nội. Trà nóng lại là một góc tâm hồn của ai đó trong một quán cà phê hay những nhà hàng sang trọng. Trên những cánh đồng nắng chang chang, người nông dân cũng không quên mang theo tích trà và dăm cái bát, gọi nhau ngồi ngay trên bờ ruộng uống trà, ngắm nhìn cánh đồng lúa mêng mông hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

alt
Nguồn ảnh: vietnamandyou.net
     

Người Việt Nam từ bao đời nay luôn nâng niu cây trà, phục hưng, xây dựng và phát triển một nền văn hóa trà Việt Nam giản dị, gần gũi, nhưng cũng rất đỗi tinh tế như chính tâm hồn mình, nó không hẳn là đạo như Trà Đạo Nhật Bản, không quá cầu kỳ và huyền bí như Trà Trung Hoa.

Thưởng thức một chén trà mang phong cách Việt thật nhiều ý nghĩa. Màu nước vàng sánh trong xanh, hương trà, hương hoa tự nhiên tựa như hình ảnh của một đất nước với rừng vàng, biển bạc, tài nguyên phong phú. Vị đắng chát gợi lên nỗi vất vả, cần lao của những người làm trà truyền thống bao đời nay, hay là nỗi nhọc nhằn của cả một dân tộc yêu hòa bình và luôn phải đấu tranh cho hòa bình.

Vị ngọt mát của trà sau vị đắng chát ấy chính là tâm hồn người Việt giàu nghĩa tình và lòng thủy chung, chén trà cho con người gần điều thiện, xa lánh điều ác, đoàn kết, chia sẻ. Chúng ta cũng sẽ hiểu và trân trọng những gì tinh túy nhất của kiến trúc dân gian Việt Nam, góp phần tôn vinh và nâng cao giá trị của những ngành nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, mây tre qua những dụng cụ thưởng trà.

alt
Nguồn ảnh: soixam.com

Cùng với sự đổi thay của cuộc sống, mỗi người có một cách thưởng trà riêng, thế nhưng, những nghi thức trà Việt từ xưa vẫn được duy trì. Nếu như hai từ “Độc ẩm” làm người ta hiểu đó là cách uống trà một mình, trong im lặng, người uống có thể thỏa sức suy tư, nghĩ ngợi về những điều mà mình quan tâm hay đơn giản chỉ là muốn tìm một không gian riêng. Thì “Đối ẩm” lại là cách thưởng thức trà với chỉ một người nào đó mà mình tri âm, tri kỷ, rất thân tình, gần gũi. Còn “Quần ẩm” là cách thưởng thức trà trong không khí ấm cúng, vui tươi giữa những người thân yêu hoặc bè bạn. Đây được xem là những giây phút rất có ý nghĩa trong mỗi gia đình, đặc biệt là những ngày đầu xuân. Cách thưởng trà của người Việt hướng đến sự thanh tao, sự quân bình âm dương, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, cây cỏ… Thưởng thức trà không chỉ là tận hưởng về mặt tinh thần trong mối tâm giao với những người xung quanh, mà còn là một phương pháp giúp tăng cường sức khỏe rất hiệu quả.


Vào dịp lễ, Tết, chủ và khách vui vẻ chuyện trò đàm đạo về cuộc đời bên ấm trà nóng hổi, đó là một nét văn hóa thể hiện lòng mến khách rõ nét của dân tộc ta. Khi tách trà được nâng lên cũng chính là lúc những tâm tình giữa chủ và khách đã gắn quyện để rồi kéo dài, có khi thâu đêm suốt sáng…
Ấm nước thật sôi trên bếp lửa. Những chiếc chung trà nhỏ được nhúng qua một lượt nước sôi. Kế đến là chiếc ấm pha trà cũng được phủ qua một lớp nước sôi để giữ nhiệt rồi mới bỏ trà vào, sau cùng mới rót nước sôi, pha trà, mời khách. Từng động tác được thực hiện một cách tỉ mẩn, nhẹ nhàng, trang trọng.

Ông bà ta có câu “rượu trên be, chè dưới ấm”, bởi vậy, gia chủ cũng rất tinh ý trong lúc rót trà, có thể rót ra chung lớn trước, rồi mới chuyển sang các chung trà nhỏ để mời khách, hoặc rót trà theo kiểu xoay vòng để ai cũng được nhận phần trà ngon... Chung trà nóng thơm, thanh sạch trân trọng đến tận tay khách, đó là tất cả sự tinh tế, ý nhị trong ứng xử của người Việt được thể hiện qua nghi thức trà giản đơn như vậy. Qua đó, chén trà cũng đậm đà và giàu tình người hơn.

alt
Nguồn ảnh: hasuong.wordpress.com

Trà uống lúc còn bốc khói nhẹ, khách uống từng ngụm nhỏ một để thưởng thức hương trà. Thưởng trà phải có bạn để còn tán chuyện tâm tình thế sự mới là “Ẩm nhi tri kỷ vị". Người uống trà sành cũng có nhiều bạn trà thanh lịch. Người sành trà trước hết là phải biết chọn chè, giữ chè sao cho ngon lâu, không già trước tuổi, kén từ bộ đồ trà, kén nước pha trà, dùng lượng trà vừa phải và thao tác pha trà theo quy trình hợp lý, có bài bản không ai chê được, nghĩa là được nâng lên thành nghệ thuật. Đó là cái thú uống trà thật thanh tao của một cử chỉ văn hóa lâu đời mang tên Việt Nam.

Danh mục bài viết Du lịch ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading