Bún Song Thằng An Thái – Đặc sản xứ Dừa

Thứ Bảy, 29/01/2011 03:24

3,299 xem

0 Bình luận

(0)

4018

Trai An Thái - gái An Vinh, đó là câu ca mà người dân xứ dừa dành cho những chàng trai cô gái vùng đất An Thái, An Vinh.  Trai An Thái nổi tiếng giỏi võ, gái An Vinh nổi tiếng đảm đang. Không chỉ vậy, nơi đây còn được có nhiều món ăn đặc sắc, một trong những món đó là bún Song Thằng.

An Thái là một thị trấn của xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây vốn là một làng võ, có từ thời Tây Sơn. Ngoài nghề võ, An Thái còn là nơi buôn bán sầm uất, dân cư đông với nhiều món ăn đặc sản, bún song thằng cũng là một trong những món đặc sản của vùng.

alt
Bún song thằng xào hay nấu canh cá đều ngon tuyệt

Vì sao lại gọi là bún song thằng? Theo lý giải của các bậc cao niên trong thị trấn thì “song” ở đây là đôi còn “thằng” là dây.  Bún song thằng là bún đôi dây. Đây là cách gọi tượng hình bởi khi làm ra, bún có hình dáng như một cặp dây nên gọi vậy. Ngoài ra bún còn có một tên gọi khác là bún song thần, nhưng dù gọi theo cách nào đi chăng nữa thì bún song thành vẫn là một thứ bún ngon, đặc sản của người An Thái.

Bún ngon phải ở kinh nghiệm và bí quyết của người chế biến. Nguyên liệu chính của bún song thằng là bột đậu xanh, ngoài ra còn  pha thêm bột huỳnh tinh (bột mỳ nhất) theo một tỉ lệ thích hợp. Đặc biệt, theo các nghệ nhân làm bún song thằng có kinh nghiệm thì nguyên liệu đạt chất lượng thôi chưa đủ, muốn bún được mềm và ngon thì khâu chọn nước để ngâm bột và xả bún mới quan trọng.

alt
Nguyên liệu chính làm bún là bột đậu xanh

Nước dùng làm bún song thằng bắt buộc phải là nước sông Côn. Khi xuân đến, nước sông Côn lặng lẽ chảy, người dân An Thái lấy nước về để làm bún. Tuy cùng là nước sông Côn, cùng một công thức làm bún gia truyền nhưng bún bên tả ngạn luôn ngon hơn bên hữu ngạn. Đó là điều đặc biệt mà ngay cả các bậc cao niên An Thái cũng chưa giải thích được.

alt
Bột cho vào máy ép hoặc làm thủ công cho ra sợi

Đậu xanh được ngâm nước, bóc vỏ rồi xay trên cối đá xanh, một thứ đã cứng không mòn. Bột xay xong tiếp tục ngâm nước trong ngày đêm để phần bột thô nổi lên trên mặt còn phần tinh túy nhất sẽ lắng đọng dưới. Bột thô cũng dùng để làm bún nhưng gọi là bún An Thái chứ không phải là bún song thằng. Bột đậu xanh ngâm xong, pha thêm một ít bột huỳnh tinh để bún thêm mềm, dịu. Bột đem “đăng” bỏ vào bao vải thô để bớt nước. Sau đó đưa bột vào khăn lượt – khăn bằng tơ tăm kết dính với mặt khuôn đồng để vắt. Người thợ vắt chặt khăn đẩy bột từ từ vào nồi nước sôi và đảo qua đảo lại để sợi bún thẳng không xoăn. Bún chín vớt đem xả lại bằng nước sông Côn. Bún xả xong đem phơi, vừa khô thì phân thành vỉ rồi bọc bằng lá chuối khô hay giấy bóng.

alt
Bún thành phẩm cắt, cuôn hình số tám và đem phơi

Thoạt nhìn, bún song thằng An Thái cũng hao hao giống các loại bún khác, nhưng khi cho vào nước sôi thì bún song thằng chỉ mềm chứ không nhão như các loại bún khác.  Bún khi xào thường ngâm bằng nước sôi trước. Khi thưởng thức, bún có độ giòn, không khô cứng, thoang thoảng mùi thơm, vị ngọt dịu. Dù bún xào hay bún nấu canh thì sợi bún  luôn dầy sừng sực, rời nhau.

Ngày nay, bùn song thằng An Thái không chỉ được bày bán tại Bình Định mà tiếng thơm, sự nổi tiếng của loại bún này đã lan ra khắp nơi. Ngay cả thị trường lớn và khó tính như Sài Gòn, Cần Thơ, bún song thằng vẫn có chỗ đứng và được nhiều người ưa thích.

alt
Bún đóng gói và đưa ra thị trường

Nếu có dịp về thăm An Thái, bạn hãy thưởng thức bún song thằng xào hay nấu cá rô đồng cùng  rau ngót để cảm nhận hương vị của vùng đất và con người nơi đây.

 

Danh mục bài viết Du lịch ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading