Bàn thờ tổ tiên - nét đẹp văn hóa của người Việt ở Odessa, Ukraina

Thứ Bảy, 29/01/2011 03:31

4,247 xem

0 Bình luận

(0)

3850

Người Việt Nam ta từ xưa đến nay qua bao nhiêu thế hệ vẫn luôn mang trong mình truyền thống tốt đẹp ? Uống nước nhớ nguồn’ được thể hiện bởi nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc thờ cúng Tổ tiên như một nét đẹp văn hóa của người Việt xưa nay. Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên thể hiện lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, những người đã khuất.

Và như một điều hiển nhiên trong tâm linh những người con Việt Nam: Bàn thờ tổ tiên là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình, không kể giàu nghèo hay địa vị xã hội.

Phát huy tốt truyền thống đó, những người con Việt Nam xa Tổ Quốc mà ở Odessa, Ukraina là một ví dụ vẫn tiếp tục thực hiện tín ngưỡng việc thờ cúng tổ tiên dù cuộc sống của hầu hết bà con cộng đồng Việt Nam ta ở nước ngoài đều vất vả, bận rộn vì cuộc sống bon chen do vậy việc thờ cúng Tổ tiên  trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một việc làm vô cùng đáng quý và đáng khích lệ.


alt
Bàn thờ Tổ tiên của một gia đình tại Làng Sen

Với hầu hết các gia đình ở Odessa, bàn thờ Tổ tiên là một điều rất thiêng liêng trong tâm linh không chỉ bởi gia chủ cảm thấy ấm áp trong làn hương thơm những ngày cúng Tết, giỗ, chạp mà còn như hương hồn ông bà tổ tiên đang ở đâu đây và chứng kiến cuộc sống của con cháu, không những vậy ở bên cạnh chốn linh thiêng còn là nơi tâm hồn con người cảm thấy tĩnh lặng, yên bình để cái tâm hướng đến điều Thiện và cầu xin được Tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu.Vì những lý do đó nên việc lập bàn thờ và thờ cúng Tổ tiên rất được những người Việt Nam ở Odessa chú trọng và quan tâm hàng đầu. Người Việt Nam xưa có câu: Cưới vợ,Tậu trâu, làm nhà - là ba việc quan trọng nhất trong cuộc sống, khi ngôi nhà đã hoàn thành thì việc chuyển vào ở cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc lấy ngày’, tức là chọn ngày tốt để chuyển đồ đạc sang ngôi nhà mới. Và bao giờ cũng vậy như một điều luật bất thành văn, được thực hiện ưu tiên hàng đầu là gia chủ thắp hương cùng với đồ cúng là đĩa xôi, con gà hay đơn giản hơn thì có hoa quả cầu để báo cáo’ rồi xin Thánh thần thổ địa và ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình khi chuyển sang nhà mới có một sức khỏe tốt, rồi xin cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu danh v…v..

Đó là đối với những người có nhà mới mà họ là chính chủ, còn với những người đi thuê nhà thì sao? Cũng quan trọng không kém trong việc hương khói, nhất là đối với những người làm ăn buôn bán, kinh doanh thì với họ việc quan tâm bàn thờ hương khói tổ tiên rất được chú trọng dù họ không phải là chủ của ngôi nhà hay căn hộ mà họ thuê cũng như việc xác định ở là tạm thời. Khi được hỏi về việc lập bàn thờ tổ tiên và hương khói, hầu hết các ý kiến cho rằng: Muốn hương khói đầy đủ để ông bà tổ tiên không trách mắng và phù hộ cho con cháu trong gia đình.

Bàn thờ là nơi thiêng liêng nên chỉ dành riêng cho việc hương khói, chính điều quan trọng đó cho nên thông thường, bàn thờ trong gia đình được đặt ở nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất của ngôi nhà hay căn hộ hoặc ký túc xá. Bàn thờ tổ tiên chính là một cách thể hiện chữ Hiếu của nhân dân. Không chỉ nhớ về nguồn cội, nhân dân ta coi tổ tiên của gia đình chính là các vị thần linh thiêng luôn ở bên cạnh để phù hộ độ trì cho con cháu. Dù trên thực tế, những bàn thờ được lập này đều được gọi là Bàn thờ vọng vì chỉ phổ biến, áp dụng cho con cháu sống xa quê, hướng vọng về quê, thờ cha mẹ ông bà tổ tiên, hương khói trong những ngày giỗ, tết. “Vọng bái”, nghĩa là vái lạy từ xa.

Cũng như truyền thống trước đây của người xưa, bàn thờ Tổ tiên của người Việt Nam ở Odessa cũng phần lớn quay về hướng Nam, hàm ý con cháu tôn vinh Tổ tiên là những bậc hiền tài theo tinh thần Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ (Thánh nhân ngồi ngoảnh mặt hướng Nam mà nghe thiên hạ tâu bày).

alt
Bàn thờ thường được đặt ở vị trí cao và sang trọng nhất trong gia đình.

Trong đời sống tâm linh của con người nói chung và người Việt ở Odessa nói riêng thì việc lập bàn thờ và hương khói thường xuyên vào các ngày 30, mồng 1 và 14,15 (Rằm) hàng tháng ngoài các sự kiện quan trọng khác đối với gia đình thì hành động này thể hiện nếp sống văn hóa, đạo đức. Trước mỗi biến cố xảy ra trong gia đình (chẳng hạn như: dựng vợ gả chồng cho con cháu; con cháu chuẩn bị đi thi; làm nhà mới; làm ăn; vợ sinh con; lập được công danh; trong nhà có người đau ốm, có người chuẩn bị đi xa, làm việc lớn...), Cưới hỏi, Lễ, Tết, giỗ chạp hay có một sự kiện gì quan trọng trong cuộc sống đối với gia chủ thì như một thói quen cố hữu, gia chủ chuẩn bị đồ cúng rồi thắp hương lên bàn thờ gia tiên, khấn vái gia tiên, trước hết là để trình bày sự kiện, sau là để xin sự phù hộ.

Với hầu hết các gia đình Việt Nam hiện đang sinh sống ở Odessa đều buôn bán kinh doanh nên việc thờ cúng tổ tiên, thần tài, thần lộc rất được quan tâm chu đáo. Tùy thuộc vào quy mô ngôi nhà, tuỳ vào mức sống chủ nhà mà bàn thờ các gia đình cũng có kích thước và hình thức khác nhau nhưng trên bàn thờ nhất thiết phải có bát hương, rồi bình hoa, cây đèn, ống hương, hoa, đèn, nước, trái cây, đĩa xôi, phẩm oản hoặc bánh kẹo và nhất thiết mỗi lần thắp hương lại đặt lên bài thờ một ít tiền địa phương hoặc đồng tiền chung được lưu hành trên khắp thế giới để mong muốn được giàu sang, phú quý. Bàn thờ nhiều gia đình còn có thêm những lư hương hình long, ly quy, phượng là những con vật linh thiêng lưu truyền trong dân gian có giá trị về vật chất cũng như tinh thần đứng chầu trên bàn thờ thể hiện sự tôn kính, uy nghiêm và linh thiêng.

Ngày xưa, trên bàn thờ gia tiên thường có ảnh chân dung những người đã khuất được thờ phụng ở đó nhưng ngày nay để phù hợp với xu thế chung vì bàn thờ gia tiên là thờ chung, không cần thiết phải có chân dung, thường chỉ có bài vị tượng trưng nên nhiều gia đình đã cắt giảm vì ảnh chân dung người đã khuất chỉ cần thiết ở bàn thờ tang.

Tết là thời điểm quan trọng trong năm cho nên bàn thờ ngày Tết cũng trở nên đặc biệt. Việc trang hoàng bàn thờ tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà nhưng dứt khoát nhà nào cũng phải bày mâm ngũ quả. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Còn thời điểm nào thiêng liêng hơn khi thời khắc Giao thừa - chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cả nhà thành kính đứng trước bàn thờ tổ tiên thắp những nén hương ngào ngạt. Tình người nồng ấm, tình đời rộng mở. Và, một năm mới tràn đầy hy vọng bắt đầu...

Ông Vũ Đức Trường – một người lãnh đạo trong cộng đồng người Việt tại Odessa, người trực tiếp sống trong Làng Sen cho biết: Chúng tôi là những người Việt Nam, là những người có gốc rễ con Rồng cháu tiên luôn hướng về Quê hương, đất nước, tìm về với cội nguồn. Do đó, việc lập bàn thờ và thờ cúng ông  bà tổ tiên cũng là cách để chúng tôi dạy con cháu gìn giữ truyền thống văn hóa Việt Nam, gốc gác Việt Nam của mình dù có ở đất khách quê người, dù là thế hệ thứ hai, thứ 3 hay nhiều hơn nữa. Bàn thờ tổ tiên luôn gợi lên một chiều sâu tâm linh cây có gốc, nước có nguồn vừa nhân bản vừa vun đắp truyền thống, đồng thời là niềm tự hào của gia chủ về tổ tiên và về cách dạy con cháu.

Danh mục bài viết Du lịch Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading