BÁNH LÁ GAI

Thứ Bảy, 12/02/2011 11:16

1,175 xem

0 Bình luận

(0)

2144



Bây giờ, khi đã sắp làm mẹ, tôi vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng của mấy chị em tôi khi được đón từ tay mẹ những chiếc bánh nhỏ xinh gói trong lá chuối. Đó là chiếc bánh được mua bằng tiền  của những mớ rau chiều hôm trước mẹ tôi tần tảo nhặt nhạnh đem bán để "cải thiện" bữa ăn cho cả gia đình. Nhưng những đứa nhỏ chúng tôi chưa đủ lớn để ý thức được rằng, nếu phải mua hàng quà cho chúng tôi sau mỗi buổi chợ, mẹ phải tính toán từng đồng cho thật hợp lý một cách vất vả. Và cũng cho đến bây giờ, khi tôi có thể mua và thưởng thức những thứ bánh hảo hạng nhất mà mình thích thì tôi vẫn chưa thấy  loại bánh nào có thể thay thế được hương vị  ngọt ngào như chiếc bánh  mẹ mua cho mấy mươi năm trước. Đó là bánh lá gai.



Ở quê tôi, bánh lá gai được thấy nhiều nhất vào mỗi dịp lễ Tết. Hầu như nhà nào, dù giàu hay nghèo cũng đều có để mời khách. Các bà mẹ chồng ở quê thường nhìn vào chiếc bánh lá gai do các nàng dâu  tương lai thể hiện mà đánh giá về khả năng nội trợ của họ. Cũng có thể nhiều người làm được thứ bánh này, nhưng để có một chiếc bánh vừa dẻo thơm, vừa ngọt bùi và đẹp mắt thì không phải ai cũng làm được. Những chiếc bánh nhỏ xinh ấy thường được tạo nên từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ đảm đang, tháo vát.

Mùa xuân, cây gai đâm chồi và cho những cành lá xanh non, người ta chặt về từng bó, tuốt bỏ cọng, gân lá rồi cắt nhỏ. Khi nước vừa sôi, thả lá gai vào nồi cho sôi tiếp khoảng mười lăm phút, khi lá gai mềm thì bắc xuống. Sau khi lá nguội, vắt ráo nước, rồi cho vào cối giã nhuyễn.

Để làm nên cái dẻo của bánh, người ta phải đãi nếp thật sạch, đem xay thành bột, sau đó để ráo nước. Khi bột khô, vùi tay vào bột thấy mát lạnh nhưng không ướt thì đem trộn với bột lá gai rồi tiếp tục giã cho đến lúc con bột mịn quánh  lại là được. Làm bánh lá gai phải có thời gian, vì thế ở quê tôi bánh thường được làm vào những dịp lễ tết, giỗ lạp. Những lúc ấy, công việc đồng áng đã rãnh rỗi, người phụ nữ mới có thời gian để chuẩn bị cho các công đoạn làm thứ bánh dân dã nhưng cũng lắm công phu này.


Nguyên liệu làm nhân bánh là đậu xanh. Sau khi đãi sạch vỏ, người ta đem hoong đậu cho vừa chín, sau đó trộn với đường, gừng tươi giã nhỏ rồi viên thành từng viên tròn nhỏ (nhân đậu phải gắt và mịn nhưng không nhão). Bánh lá gai ngon thôi chưa đủ, mà còn phải đẹp mắt, vì thế lá gói bánh cũng được chuẩn bị rất cẩn thận. Lá phải còn non, sau khi luộc qua cho mềm lá (để khi gói lá không bị gãy, rách), người ta cắt thành miếng hình tròn hoặc hình bầu dục, tùy theo cách gói của từng người.Một chiếc bánh đẹp thường có một đến hai chóp và không để lộ dù một mẩu lá thừa. Để ăn, người ăn bánh phải tinh ý mới biết cách mở bánh. Dù không đơn giản nhưng không phải người phụ nữ nào cũng biết gói đúng cách. Bởi nó dân dã  nhưng cũng rất tinh tế.

Bây giờ, muốn ăn chiếc bánh lá gai, người ta dễ dàng có được nó bất cứ nơi đâu. Ra Bắc, ghé Thanh Hóa là có ngay bánh lá gai gói lá chuối khô  mang về làm quà. Vô Nam, ghé Hội An cũng có bánh lá gai nhưng nếu ai đã một lần được ăn bánh lá gai ở làng quê có gần trăm ngày hưởng gió lào, hẳn không thể quên được hương vị ngọt ngào của nó. Cũng vị thơm của gừng, ngọt dẻo của đường, nếp; cũng là lá gai  nhưng hình như lá của những cây gai mọc bên hố bom bị bom Mỹ cày xới  hay trên những đồng đất bazan quê tôi mới làm nên cái màu xanh đặc trưng của bánh. Cũng là loại bánh ấy nhưng dưới bàn tay tảo tần của những người mẹ quê, ta lại cảm nhận được những phút giây hạnh phúc mà tuổi thơ ta may mắn có được

Danh mục bài viết Miền Trung

Đang tải dữ liệu loading