Dùng Sinh Tố Sao Cho Hữu Hiệu

Thứ Tư, 30/03/2011 09:28

2,101 xem

0 Bình luận

(0)

1757

không có sinh tố (vitamin) thì những sinh vật cao cấp như loài người không thể tồn tại, bởi cơ thể con người chỉ tổng hợp được sinh tố D và K, số còn lại phải “trông chờ” vào… nguồn thức ăn hằng ngày. Nhưng không phải ai cũng biết cách bổ sung nguồn dinh dưỡng này một cách đúng đắn.



Dùng Sinh Tố Sao Cho Hữu Hiệu



Tổng cộng có 13 “nhân vật” tạo nên điều kỳ diệu cho cơ thể con người gồm các sinh tố: A, C, D, E, K và tám sinh tố thuộc nhóm B như B1 (thiamin), B2  (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic acid), B6 (pyridoxine), B12 (cobalamin), folacin (acid foli) và biotin.


Cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng rất nhỏ sinh tố, nhưng nếu không có chúng thì hàng loạt chức năng trong cơ thể hoạt động khó khăn: cấu tạo tế bào máu, xương và răng bị ngưng trệ, việc điều hành các chức năng của tim, hệ thần kinh, tăng cường thị lực của mắt gặp trắc trở, ngay cả việc giúp cơ thể biến thực phẩm thành năng lượng cũng không thể diễn ra một cách dễ dàng.


Các nhà khoa học chia sinh tố thành hai nhóm: tan trong dầu (sinh tố A, D, E, K) và tan trong nước (các sinh tố còn lại).


 



 


 

 


Những sinh tố tan trong dầu cần có dầu làm “hướng dẫn viên” để “đi đến nơi về đến chốn”. Như vậy, các món rau xanh do người Hoa luộc thường tráng qua một lớp dầu nhằm giữ độ tươi xanh, láng mướt và còn có công dụng giúp cơ thể dễ dàng hấp thu sinh tố A, E, D, K bên trong rau.


 









 


Các sinh tố này có nhiều trong cà rốt, rau dền, rau đay, mồng tơi, rau nhút, rau lang, rau má, rau cần, cải bẹ xanh, rau muống, gấc, bí đỏ, cà chua, đậu xanh… Cần làm các món như cà rốt, bông cải, cần… xào thịt bò, rau muống xào tỏi… Nếu không thích ăn xào thì luộc nhưng nên làm món chấm có chút dầu mỡ như món kho quẹt.


Các món ăn như cá kho cà, tàu hũ xốt cà, canh bò hầm cải chua, cà chua ăn kèm rau sống xắt nhỏ, cung cấp cho cơ thể nguồn sinh tố dồi dào giúp chống lão hóa, sáng mắt, tăng cường nội tiết tố, phù hợp cho người tuổi trung niên. Nếu trong bữa ăn nhiều món chiên xào, bạn hãy tranh thủ tráng miệng các loại trái cây như đu đủ, cam, thơm, vừa giúp tiêu hóa thức ăn, vừa cung cấp thêm nguồn sinh tố tan trong dầu cho cơ thể.


 









 


Các sinh tố tan trong dầu khi đã có “hướng  dẫn viên”, sẽ ở lại trong cơ thể một thời gian, vì thế ít có nguy cơ bị thiếu như các loại sinh tố tan trong nước. Do đặc tính “gặp nước là… theo” nên các sinh tố này dễ dàng thất thoát qua ngả bài tiết hoặc cuốn theo hơi nước hoặc tan trong nước trong quá trình nấu nướng. Do đó, để các món rau, củ, quả không mất nhiều sinh tố thì không nên luộc, nấu quá lâu. Ăn rau sống cũng là cách tốt để bảo vệ nguồn sinh tố này. Các món như gỏi dưa leo, cà rốt trộn tôm, thịt luộc, gỏi củ hũ dừa, các món rau trộn xà lách, rau mầm trộn thịt bò nên thực hiện một tuần hai - ba lần để cung cấp cho cơ thể nguồn sinh tố đa dạng và phong phú.


Điều này cho thấy, các loại nước ép từ  bưởi, cam, quít, cà rốt, dưa hấu, chanh, sơ ri… không qua nấu nướng sẽ cung cấp trực tiếp các loại sinh tố. Đừng ngại ngần gì khi uống mỗi ngày một - hai ly nước ép trái cây. Tuy nhiên, nên uống thay đổi, không nên chỉ uống một loại, chẳng hạn như hôm nay uống cam, cà rốt thì ngày mai uống ổi, sơ ri… Riêng các loại nước trái cây có màu vàng chứa nhiều tiền sinh tố A, hãy dùng sau khi ăn các món chứa nhiều chất béo để củng cố thêm lượng sinh tố tan trong dầu. BS Nguyễn Ý Đức khuyên, riêng phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, trẻ em và người cao tuổi, người đang có bệnh kinh niên hoặc đang dùng các dược phẩm trị bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm sinh tố.




Theo Amthuc

Danh mục bài viết Sinh tố - Chè - Kem

Đang tải dữ liệu loading