Giấc mơ Trà Việt

Thứ Hai, 25/04/2011 08:25

1,550 xem

0 Bình luận

(0)

1213

Bên cạnh những cửa hàng bề thế có thương hiệu trong không gian se lạnh Đà Lạt, tôi phải dừng lại trước một không gian rất lạ. Đó là không gian của CLB Trà Việt.

Ấn tượng bởi những chiếc phản ngồi thấp đều phủ vải đỏ, những bộ chế biến trà bằng đất nung, người dẫn chương trình trong bộ áo dài dân tộc truyền thống giới thiệu về phong cách trà Việt. Những cô gái mặc áo dài, khoác thêm chiếc áo len chống cơn lạnh Đà Lạt biểu diễn pha trà mời khách một cách thuần thục. Bộ ấm chén bằng gốm nung màu đất sậm, cạnh đó là những đóa hoa sen gác ngang tạo duyên cho không gian trà. Chủ đạo là các bình gốm được đặt các nhành hoa sen, nước chảy tràn ra đất.

Tôi đã từng ngao du đây đó, từng đến khu du lịch Ana Mandra, Nha Trang thưởng thức trà đạo của người Nhật với cách pha cực kỳ cầu kỳ. Tôi cũng đã lang thang đến tận Hội An vẫn để tham dự những buổi trà đạo kiểu Nhật. Nhưng tôi chưa bao giờ tham dự một buổi pha trà thuần Việt. Người dẫn chương trình sau khi đã dẫn giải về cách pha trà liền mời khách: “Uống trà không câu nệ cách ngồi. Xin mời quý khách thưởng trà cùng chúng tôi”. Không gian lung linh ánh đèn giữa đêm Đà Lạt thu hút khá đông du khách tìm về, ngồi uống một chung trà pha từ bình đất nung thuần Việt, một loại trà do chính CLB Trà Việt chế biến và cách pha trà theo phong cách Việt đã gây ấn tuợng cho mọi người. Những cô gái pha trà có người đang là sinh viên, có người đã đi làm, coi thú học cách uống trà, pha trà là niềm đam mê của mình, giữa thời buổi có biết bao cám dỗ đời thường quả thật là điều đáng trân trọng. Và câu chuyện trong không gian Đà Lạt, bên chung trà nóng về một giấc mơ trà Việt đã bắt đầu.

Chuyện kể có bốn chàng trai cùng quê hương ở Bảo Lộc, Lâm Đồng vào TPHCM học, tình cờ gặp nhau là Đinh Minh Phú, Giáp Văn Huy, Nguyễn Hoàng Linh, Võ Văn Thành. Trong đám bạn thân nhau đó, một hôm Phú gợi ý: “Tại sao ta không lập một CLB trà?”. Đinh Minh Phú đã chọn môn Đông phương học tại Đại học KHXHNV bởi chàng trai tuổi đời mới hơn 20 này luôn muốn tìm tòi và khám phá cuộc sống. Gợi ý từ việc thành lập CLB Trà Việt của Phú ngay tức khắc được hưởng ứng bởi 4 chàng trai đều sinh ra và lớn lên ở cái nơi đầy những vườn trà, cùng nhìn thấy những cây trà lớn lên như thế nào. Thế là vào một ngày mùa đông năm 2003, CLB Trà Việt ra đời với bốn thành viên. Giấc mơ của CLB Trà Việt không phải tạo ra CLB để vui chơi mà phải tạo ra một phong tục uống trà, một sản phẩm trà riêng cho mình. Cuộc rong ruổi của bốn niềm đam mê cộng lại ấy quả là sự quyết tâm. Trở lại quê nhà, xem cách chế biến trà, nghiên cứu đủ tài liệu về trà, đi học cách pha trà để sau đó tạo riêng cách pha trà cho mình… Vấn đề đặt ra là ngoài việc lặn lội tìm đường đi, còn phải “vận động” để những bạn trẻ như mình cùng tham gia vào CLB. Trong cuộc rong ruổi tìm kiếm, đôi lần bốn người ngồi lại tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, nhưng những đứa con ở xứ sở cây trà mà lại chào thua ư? – họ suy nghĩ thế. Tiếp tục có nhiều bạn trẻ cũng mê trà đã gia nhập, nhóm lên 16 người, trong đó có Đậu Quang Thơ – nghiên cứu sinh của khoa Công nghệ sinh học (ĐH Khoa học tự nhiên) – đã nhận phần nghiên cứu sản xuất sản phẩm trà Việt mang thương hiệu của họ. Tháng 2-2005, loại trà mang tính Việt với tên Trà Việt ra đời. Sau khi đã có sản phẩm mang tên của mình, cả nhóm quyết định thành lập Công ty Hoa Trà Việt vào tháng 4-2005. Đã có sản phẩm, cũng cần phải có một chiến lược đưa ra thị trường và tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Đinh Ngọc Dũng học Đại học Kiến trúc cặm cụi tạo ra bao bì, lôgô sản phẩm, các tờ rơi thiết kế mẫu bao bì; Giáp Văn Huy học quản trị kinh doanh đem vốn liếng sở học của mình ra làm chiến dịch marketing… Để thu hút các bạn trẻ tìm tới, CLB đã làm đơn xin được sinh hoạt tại NVH Thanh Niên TPHCM, CLB Trà Việt trở thành thành viên chính thức của NVH Thanh Niên với hơn 200 hội viên vào tháng 8-2005. Bất cứ hội chợ, lễ hội nào CLB Trà Việt cũng có mặt tiếp thị sản phẩm, nhờ lực lượng thành viên đông nên chẳng bao lâu CLB Trà Việt được nhiều người biết đến như Hội chợ triển lãm “Giao lưu thương mại Việt kiều và xuất nhập khẩu OVIFES 2005” tại Trung tâm Thương mại Plaza, TPHCM vào cuối thàng 5-2005, Lễ hội văn hóa trà Đà Lạt tháng 12-2006… Và quả thật, cách tiếp thị trà Việt qua hình ảnh rất độc đáo của CLB Trà Việt luôn khiến cho mọi người chú ý, tìm đến.

Từ những cuộc gặp mặt mỗi tuần một lần, giờ đây CLB Trà Việt sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần tại NVH Thanh Niên. Bạn trẻ tìm đến mỗi ngày một đông. Ở đó không khí là của người trẻ học cách pha trà, chế biến trà, uống trà hoàn toàn vui nhộn. Những hội viên đi trước học thuần thục cách pha trà, biểu diễn cho người đến sau xem. Người đến sau lại bắt đầu học… Trà không chỉ là một thứ nước giải khát, nghệ thuật pha trà không chỉ dành cho các nước Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… mà tại Việt Nam, CLB Trà Việt của những người còn rất trẻ đã chứng tỏ cho mọi người biết rằng có một thứ trà Việt thanh nhã và hấp dẫn.

Danh mục bài viết Văn hóa đồ uống

Đang tải dữ liệu loading