Rượu làng Chuồn

Thứ Ba, 10/05/2011 08:31

1,733 xem

0 Bình luận

(0)

2562

Rượu làng Chuồn có từ lâu đời, xưa nay vẫn được xếp vào loại “đệ nhất danh tửu” của đất kinh kỳ. Khách về thăm Huế, trong những khi thù tạc, người Huế thường đem loại rượu này thết khách

Tên làng Chuồn là cách nói tiếng Nôm của làng An Truyền, một ngôi làng cổ có lịch sử hơn 600 năm. Làng cách Huế khoảng 10km theo hướng đông bắc, gần phá Tam Giang. Làng nổi tiếng với hai nghề truyền thống là nấu rượu và làm bánh tét. Vì thế, đến làng, khắp thôn xóm đều thơm mùi củi đuốc. Ấn tượng nhất là ngôi đình được xây dựng từ khi lập làng, sau mấy trăm năm được tôn tạo, tu sửa, đình vẫn giữ được nét trang nghiêm bề thế với lối kiến trúc triều Nguyễn, được công nhận là di tích lịch sử văn hoá của quốc gia.

Không hiểu sao, tôm cá vùng này cũng nổi tiếng là thơm ngon. Có người cho rằng nhờ vào nguồn nước, thổ nhưỡng và địa hình của làng với nhiều ao, hồ, gần đầm phá. Có thể điều đó cũng lý giải được một phần vì sao rượu làng Chuồn có hương vị đặc trưng, không lẫn được giữa cơ man các loại rượu dân gian khắp Huế.

Lò nấu rượu

Hiện, làng An Truyền có chừng 300 người làm nghề với hơn 100 lò rượu gia đình suốt ngày đêm đỏ lửa. Không khí xóm nấu rượu gần đình làng không hề yên tĩnh, mùi rượu cứ thoang thoảng ra tận đầu ngõ. Đến thăm các lò rượu mới thấy, để có một mẻ rượu ngon, người làng Chuồn đã dồn bao công khó, cần mẫn làm lụng và nhất là cái tâm của người làm nghề được tiếp truyền từ bao thế hệ nay. Như để giữ cái "thương hiệu" của làng nghề.

Giải thích vì sao mà rượu làng Chuồn có hương vị khá riêng như vậy, cụ Nguyễn Văn Rạng 72 tuổi, gia đình trải 3, 4 đời làm nghề nấu rượu cho biết: Thứ nhất là nhờ nguồn nước tại làng. Rượu ngon phải biết cách chọn gạo, phải là gạo thơm. Thật ra, ngày trước người làng Chuồn làm rượu bằng loại gạo lức đỏ đầy cám nhưng vì hoàn cảnh và điều kiện, ngày nay loại gạo này trở nên khan hiếm và đắt nên phải thay thế. Ông Rạng nhớ lại: Những năm sau giải phóng, cả nước thiếu gạo, nhiều nơi thay bằng sắn (khoai mì) hoặc mía thậm chí có nơi còn pha thêm cồn, phân urê để tăng nồng độ. Còn người làng Chuồn dứt khoát không làm thế, dĩ nhiên rượu có loại nước nhứt, nước nhì, nước ba… Tuỳ yêu cầu người tiêu dùng mà đáp ứng.

Giai đoạn rải và phơi cơm rượu được chăm chút cẩn thận

Đến thăm các lò rượu, chủ nhân thường hữu hảo mời khách loại rượu tâm đắc nhất của gia đình, chỉ cần đi một vòng, mỗi nhà mỗi ly, ra về ai cũng ngây ngất. Thực hư thế nào không biết, có người từng "uống rượu khắp thế gian" cứ buột miệng khen rượu làng Chuồn có mùi vị đầm phá…

Nhạc sĩ Văn Cao trong một lần về Huế được đi chơi suốt đêm trên sông Hương, phá Tam Giang và nhâm nhi rượu làng Chuồn. Ông bảo: "Được… Dày!…". Chỉ một cái gật gù, ngắn gọn trong buổi tao ngộ ấy.

Bài: Hồ Sĩ Bình – Ảnh: La Thanh HiềnSài Gòn Tiếp Thị

Danh mục bài viết Tư vấn về rượu

Đang tải dữ liệu loading