Đồng hành cùng con vượt qua mùa thi

Thứ Tư, 18/05/2011 08:41

1,584 xem

0 Bình luận

(0)

4111

Thời gian này, các “sĩ tử” đang ra sức ôn luyện, hệ thống hóa những kiến thức để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ. Đây là thời điểm các bậc cha mẹ cần có sự quan tâm, kiểm soát đúng mức, tạo tâm lý thoải mái cho các em ổn định về trí lực để đạt kết quả tốt nhất. Thực tế, không ít bậc phụ huynh khá bối rối về việc phải làm gì để đồng hành cùng con khi mùa thi đang đến gần.

Chị Hà Tâm (Biên Hòa, Đồng Nai) bộc bạch: “Mới chỉ trải qua một kỳ thi thử và thi học kỳ II mà Hà Linh, con gái tôi đang học lớp 12, đã phải vào viện hai lần vì chứng đau dạ dày. Cháu còn có biểu hiện lơ đãng, hay quên, trằn trọc khó ngủ, đau nhức toàn thân”. Sau khi nghe chị tâm sự về cách chăm sóc của gia đình đối với cháu Hà Linh trong thời gian qua, chúng tôi còn được biết, vì quá kỳ vọng vào đứa “con gái rượu” của mình nên vợ chồng chị đã có sự chăm chút quá sát sao khiến con gái càng bị ức chế. Cháu luôn tự ám thị rằng mình sắp phải đối mặt với một kỳ thi thật là khủng khiếp. Sức khỏe đã yếu nay càng suy kiệt hơn, Hà Linh cảm thấy đuối sức trước các kỳ thi sắp tới.

 

Ảnh: Internet

Cũng như nhiều bậc cha mẹ có con đang ôn thi, chị Hà Tâm luôn kỳ vọng rằng con gái mình sẽ học giỏi, đỗ đạt. Nên nếu có cơ hội là chị lại rủ rỉ vào tai con sự mong muốn của mình. Chị còn đưa ra phần thưởng cho con là một chiếc xe tay ga và một máy tính xách tay nếu con thi đỗ vào trường đại học, còn không đỗ thì… đi làm công nhân. Việc làm này kéo dài, lặp đi lặp lại nhiều lần đã khiến cho Hà Linh bị chi phối, khó tập trung vào việc học hành. Chị Hà Tâm quan niệm: gây áp lực là một cách tạo động lực để con học.

Với cách quan tâm như thế, không ít cha mẹ như chị Hà Tâm đã tạo nên gánh nặng tâm lý cho con. Học không hiệu quả, các cháu càng căng thẳng, dễ rơi vào trạng thái lo sợ, stress. Cách quan tâm quá mức để tạo áp lực cho con đã trở thành con dao hai lưỡi khi các cháu thường xuyên rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn không lối thoát.

Có lẽ các bậc cha mẹ nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu được những nỗi băn khoăn, lo lắng cần giải tỏa, đồng thời chia sẻ cùng con. Việc quan tâm quá mức, không phù hợp sẽ gây nhiều áp lực cho con, dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, không tự tin vào chính mình. Áp lực đó sẽ gây tâm lý tiêu cực, trẻ sẽ nghĩ đến tương lai tối tăm, càng trở nên thất vọng.

Cha mẹ hãy đồng hành với con trong mùa thi bằng những việc làm thiết thực như nhắc nhở con dậy sớm học bài và ngủ nghỉ đúng giờ; kiểm soát lịch học thêm của con một cách chặt chẽ, nhưng tránh tra xét, dò hỏi khiến các cháu thấy cảm giác bị theo dõi, gây tâm lý ngột ngạt, chán nản vì cha mẹ không tin tưởng.

Bên cạnh đó, quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho con cũng là điều quan trọng. Các bậc phụ huynh cần lưu ý, ăn quá nhiều chất bổ dưỡng hoặc bữa ăn kém chất lượng đều không đảm bảo cho sức khỏe. Cha mẹ cần thận trọng trong việc lựa chọn các thực phẩm sạch, tươi sống, tránh ngộ độc thức ăn hay rối loạn tiêu hóa. Cho con chọn thực đơn yêu thích và ưu tiên các dưỡng chất có ích cho não bộ, nhất là thức ăn từ các loại cá biển. Cùng con chia thời gian học tập một cách hợp lý, kết hợp giữa học và nghỉ ngơi, thư giãn. Sau mỗi buổi học, cha mẹ nên đi bộ với con để thay đổi không khí. Cha mẹ có thể chủ động rủ con đi bơi, đi mua sắm xen kẽ đi xem ca nhạc, xem những bộ phim hài hước trong thời gian ôn thi để giải tỏa những căng thẳng, lo lắng. Nhắc con không nên học ôn quá khuya, bởi lúc đó đầu óc đã bão hòa, kiến thức không thể dung nạp được và ngủ trong thời gian ngắn thì giấc ngủ chập chờn, không sâu, dẫn đến mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng với con chuẩn bị tâm lý một cách kỹ càng để vững vàng, ổn định bước vào các kỳ thi. Cha mẹ nên khéo léo đưa ra hoặc kể lại những tình huống trước và trong khi thi để giúp con thích ứng dần với những tình huống bất ngờ và đề xuất các cách xử lý khác nhau để con lựa chọn. Hãy đồng hành bên con trong suốt mùa thi để chúng thấy cha mẹ yêu thương và luôn bên cạnh, cùng con vượt qua những khó khăn, thử thách.

Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý học)

Danh mục bài viết Mẹ và Bé

Đang tải dữ liệu loading