Bánh hỏi - đặc sản đất Võ

Thứ Sáu, 20/05/2011 08:16

3,278 xem

0 Bình luận

(0)

3562

Ngày còn là sinh viên Đại học Quy Nhơn, với chúng tôi bánh hỏi vẫn là một món quà xa xỉ. Giờ đây, đã đi làm nhiều năm, ăn đủ thứ bánh nhưng tôi vẫn thích món bánh hỏi này.

Ảnh minh họa: nguồn Internet

Có lẽ sinh sống nhiều năm ở đất võ Bình Định và được ăn nhiều bánh hỏi nên tôi biết khá rõ về cách làm cũng như cách thưởng thức hương vị của nó. Chất liệu chính của bánh hỏi là bột gạo. Gạo ngon, thơm, trắng là tiêu chuẩn hàng đầu để có bánh hỏi ngon. Làm bánh hỏi về cơ bản giống với làm bún, nhưng có phần kì công hơn ở khâu xử lí thành từng thếp (sắp) bánh nhỏ. Khi ép ra, sợi bánh nhỏ li ti như sợi râu bắp. Để bánh mịn, mềm, sợi bánh không dính chụm vào nhau thì công đoạn nhồi bột phải thật kĩ, đúng bài bản, và khi xếp bánh thành thếp trên vĩ phải vừa nhanh vừa khéo. Bánh hỏi thường được đặt trên những mành tre cho ráo nước. Các chị, mẹ ở nhiều cơ sở làm bánh hỏi thủ công nơi đây đều là những thợ lành nghề, có đến tận lò chứng kiến họ thao tác, từ xay, ủ bột đến lúc làm ra chiếc bánh hỏi mới thấy kỳ công thế nào.

 


Ảnh minh họa: nguồn Internet

Bánh hỏi rất hợp với lá hẹ. Ăn bánh mà không có lá hẹ là mất một phần vị ngon. Hẹ tươi thái nhỏ rắc đều lên bánh, dùng dầu phi thơm, quết một lớp thật mỏng lên từng thếp bánh để lá hẹ dính kết, không bị rơi ra. Nước chấm pha khéo cùng đường đen hoặc đường kết tinh, vắt chút chanh, thêm vài lát ớt đỏ tươi, tạo vị chua chua, ngọt ngọt, hòa cùng vị mặn của nước chấm và vị cay của ớt đi kèm với bánh hỏi, chao ôi ngon tuyệt.

Bánh hỏi không kén những thứ ăn kèm. Cách ăn phổ biến nhất ở Qui Nhơn là bánh hỏi ăn kèm lòng heo, rau sống, dưa leo. Các nơi xa thành phố như An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát... ăn bánh hỏi lại thường có  thịt ba chỉ hay chả lụa cuốn với bánh tráng mỏng, Dẫu thay đổi kiểu nào, biến tấu đến đâu, cũng chẳng thể làm mất đi được hương vị, nét đặc trưng của miếng bánh hỏi ở miền quê này.

Đỗ Tấn Ngọc

Danh mục bài viết Tư vấn thực đơn

Đang tải dữ liệu loading