Nước mắm - gia vị không thể thiếu của các bà nội trợ !

Thứ Tư, 08/06/2011 08:14

3,266 xem

0 Bình luận

(0)

1850

Nước mắm theo cách hiểu thông thường là chất nước rỉ từ cá, tôm và một số động vật nước khác được ướp muối lâu ngày. Nó được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan, để làm nước chấm hoặc gia vị chế biến các món ăn.

nước mắm

Tại miền nam Trung Quốc, nước mắm cũng được sử dụng, nhưng chỉ dùng để làm dầu hay gia vị trong các món súp và thịt hầm.Trên phương diện khoa học, nước mắm là hỗn hợp muối với các axit amin được chuyển biến từ protein trong thịt cá qua một quá trình thuỷ phân có tác nhân là các hệ enzyme có sẵn trong ruột cá cùng với một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn.

Nước mắm có thể làm từ cá sống, cá khô; hoặc từ cả các loại sò hến, tôm cua. Một số loại nước mắm được làm từ cá nguyên con, một số khác thì chỉ được từ tiết hay nội tạng cá. Một số loại nước mắm chỉ có cá và muối, một số khác có thể có thêm dược thảo và gia vị. Nước mắm lên men ngắn ngày có mùi tanh đặc trưng của cá. Quá trình lên men dài ngày sẽ giảm được mùi tanh và tạo ra hương vị mùi quả hạch và béo hơn.

Tại Việt Nam, các vùng miền duyên hải đều làm nước mắm. Nước mắm thường chủ yếu làm từ các loại cá biển (cá cơm, cá thu, cá nục v.v.) và rút chiết ra dưới dạng nước. Tùy theo độ đạm trong nước mắm mà người ta phân cấp độ (nước mắm cốt, nước mắm loại 1, nước mắm loại 2). Một số thương hiệu xuất xứ nổi tiếng của nước mắm có thể kể đến như Nước mắm Phan Thiết,nước mắm Liên Thành,Nước mắm Phú Quốc, Nước mắm Nha Trang, Nước mắm Cát Hải, Nước mắm Đệ Nhất

Cách chế biến

chế biến nước mắm

Cách chế biến nước mắm truyền thống của người Việt Nam là ủ chượp theo phương pháp gài nén. Cá được trộn đều với muối theo tỷ lệ xấp xỉ 3:1 (gọi là chượp) rồi cho vào thùng gỗ lớn, dung tích thường dùng từ 2.5-8 m3, rồi rải muối gài nẹp đè đá bên trên để nén. Sau 2-4 ngày người ta mở nút lù dưới đáy thùng để hứng nước bổi. Thùng chượp sau khi ra rút nước bổi sẽ xẹp xuống, nút lù được đóng lại và ủ từ 7

-12 tháng. Khi chượp chín, nước mắm hình thành trong suốt, có màu từ vàng rơm đến cánh gián, mất mùi tanh và thay vào đó có mùi thơm đặc trưng, được rút đợt đầu gọi là nước cốt. Phần cốt còn lại được cho nước bổi vào, thêm muối lên men tiếp rồi rút tiếp nước hai.

Ở một số địa phương miền Bắc, như Cát Hải - Hải phòng, cách chế biến phổ biến là đánh khuấy, theo đó cá trước khi trộn chượp có thể đập dập, sau thời gian khoảng 3 tháng thì đánh khuấy chượp để tăng tốc độ chín. Phương pháp này rút ngắn thời gian ủ chượp xuống 6-7 tháng, nhưng chỉ cho nước mắm có độ đạm thấp hơn phương pháp truyền thống.

Nước mắm trong ẩm thực

Người Việt dùng nước mắm để nấu và cả để chấm. Khi làm gia vị thì đơn giản chỉ là cho vào lúc xào hay nấu, nhưng không phải món nào cũng cho  vào và cũng không phải cho vào lúc nào cũng được. Có những loại canh cho nứơc mắm vào sớm sẽ bị chua, có những loại thực phẩm lại phải cho vào ngay từ đầu , nếu cho sau mùi nước mắm sẽ làm giảm hương vị của món ăn …

nước mắm trong ẩm thực

Có những món làm từ mắm đơn giản mà tuyệt ngon. Mùa mưa mà ăn cơm với mắm kho quẹt cho thêm chút ớt và tiêu thì bao nhiêu tô cơm cũng hết. Mà có gì đâu, chỉ là nước mắm, thêm chút đường (nếu ai thích ăn hơi ngòn ngọt), xíu xiu ớt băm nhỏ và tiêu, tất cả cho vào cái nồi đất, đặt lên bếp riu riu lửa,  nước mắm cũng sôi riu riu. Đến khi mắm quẹo lại thì cho một thìa mỡ nước vào quậy dều . Chỉ thế thôi mà đủ sức làm cho người ăn hân hoan xin thêm chén nữa..

Món thịt kho, cá kho mà không có nước mắm sẽ nhạt nhẽo làm sao. Những cái cánh gà khiêu khích vị giác của người ăn bằng mầu sắc đằm thắm bóng bẩy và cái mùi thơm thơm quyến rũ của nước mắm. Và dĩa gỏi nếu thiếu cái mặn mòi của nước mắm e rằng đành phải gọi nó là salad của Tây mất thôi
Mùi tuy hơi nồng, sắc chỉ là một mầu hổ phách trong vắt, nhưng nước mắm đã đi vào tâm hồn người Việt đằm thắm đậm đà…

 

Tổng hợp: Thaolp
amthuc365.vn

Danh mục bài viết Gia vị lên men vi sinh

Đang tải dữ liệu loading