Rượu san lùng của người Dao

Thứ Bảy, 02/07/2011 11:02

2,762 xem

0 Bình luận

(0)

2696

"Gặp người là gặp bạn; gặp bạn là gặp rượu; gặp rượu là gặp nhau...". Người Dao ở đây vẫn thường hát như thế khi gặp bạn hiền, gặp khách quý. Bát rượu tràn đầy sóng sánh thơm lừng từ tay chủ nhà rót ra sẽ được chuyền tay nhau, lần lượt cho đến cạn và bát khác lại được rót ra. Người Dao ở đây sẽ nói những lời tốt lành nhất gửi đến bạn với lòng hiếu khách như bát rượu đầy

Rượu San Lùng được chưng cất từ nước suối tiên trong lòng núi Pò Sèn cùng 8 vị thảo dược của rừng. Rượu San Lùng được coi là niềm kiêu hãnh của người Dao Đỏ ở Bát Sát, Lào Cai.

Người Dao ở đây kể: Rượu ngày xưa là rượu của trời, của tiên đế, của các đấng thiên tinh. Cho đến bây giờ các chư vị bồ tát vẫn phải tiên sa xuống dãy núi Pò Sèn (núi Bản Sèo, Bát Sát) lấy rượu về trời. Ấy là khi trở trời, ngày đang nắng đổ mưa hoặc đang mưa trở nắng, dân địa phương thường thấy một sắc cầu vồng từ trên trời thả xuống dòng suối chảy ra từ lòng núi Pò Sèn. Từ chân cầu vồng có 3 vòi nước hút ngược về trời, người Dao đỏ gọi đó là San Lùng (nghĩa là 3 vòi rồng).

Từ hàng trăm năm nay, đồng bào Dao Đỏ đến đây lập nghiệp, sinh sống bằng nghề trồng lúa nương và nấu rượu. Rượu San Lùng là loại rượu quý, có mùi thơm ngây ngất, vị đậm đà, chỉ dùng cúng bái trời đất, tổ tiên, dùng trong dịp lễ, tết, hội hè, cưới hỏi và đãi bạn hiền.

Rượu San Lùng của Bản Sèo, Bát Sát được coi là niềm kiêu hãnh của đồng bào Dao Đỏ. Vì chỉ có người Dao Đỏ ở thôn San Lùng mới có bí quyết mà thôi. Đến thăm lò rượu của ông Lò A Sính ở thôn San Lùng Thượng, xã Bản Sèo, chúng tôi mới thấy người ta kể không ngoa.

Quy trình trưng cất rượu tuyệt nhiên không được dính tý kim loại nào, trừ cái nồi hông đun lấy hơi nước. Cái chõ cất rượu, con ba ba, đều phải làm bằng tứ cây mà người Dao gọi là đẻn nhỏ, rồi cái chậu rửa những đồ dùng cũng bằng gỗ ghép lại.

Rượu San Lùng được chế biến rất công phu và cẩn trọng. Từ hạt thóc chọn giữa nương được chưng ủ cùng thảo dược. Thóc phải mẩy và được hái về từ khi thóc vào sữa ở độ dẻo khô. Trước khi nấu, thóc được ngâm cho mày thóc bùng lên thành mộng rồi mới trộn men. Bánh men là phải đủ 8 vị thảo dược của rừng. Có vị làm cho rượu có tác dụng trừ phong, chống lạnh, trừ cảm; có vị làm cho rượu dẫn mạch lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp xương; có vị làm cho người uống rượu đỡ đau đầu, chóng mặt.

Để có những thảo dược này, người Dao phải công phu sao tẩm và chế biến thành men rượu. Khi chưng cất rượu lại càng phải cẩn thận. Chưng cách thuỷ lần thứ nhất là để khử tạp chất và lọc cốt. Chưng lần thứ hai có sự làm lành bằng những lá thơm của núi rừng Bát Sát. Ông Lò A Sính bảo: "Thế mới ra được rượu San Lùng. Chỉ có nấu bằng nước ở suối tiên trong lòng núi Pò Sèn mới chưng cất thành rượu San Lùng".

Người Dao quý khách mời rượu bằng bát. Khi được mời thì khách không nên từ chối mà buồn lòng gia chủ. Nếu không uống được nhiều, hãy cứ đưa bát rượu lên môi nhấp vài giọt cho hồng đôi má, cho ấm áp tình người. "Gặp người là gặp bạn; gặp bạn là gặp rượu; gặp rượu là gặp nhau...". Người Dao ở đây vẫn thường hát như thế khi gặp bạn hiền, gặp khách quý. Bát rượu tràn đầy sóng sánh thơm lừng từ tay chủ nhà rót ra sẽ được chuyền tay nhau, lần lượt cho đến cạn và bát khác lại được rót ra. Người Dao ở đây sẽ nói những lời tốt lành nhất gửi đến bạn với lòng hiếu khách như bát rượu đầy

Danh mục bài viết Các loại rượu dân tộc

Đang tải dữ liệu loading