Gin: rượu của dân “cổ xanh”?

Thứ Hai, 04/07/2011 09:15

3,545 xem

0 Bình luận

(0)

4872

Nếu Scotland là quê hương của whisky thì Anh(England), hay chính xác hơn là thủ đô Luân-đôn, gắn liền với rượu gin. Nhiều nhà bình rượu của Anh, không hiểu trung thực hay chỉ vì tinh thần ái quốc, đã viết rằng rượu gin chính là quốc hồn quốc túy của Anh, và rượu gin (chứ không phải rum trắng) mới chính là loại rượu lý tưởng để pha chế các loại cocktail giải khát.

Cũng theo những người này, sở dĩ gin không được phổ biến chỉ vì trước kia đã bị xem là loại rượu của các bợm nhậu bình dân, uống không cầu ngon, chỉ cầu… say!

Gin bị coi là rượu của dân lao động "cổ xanh".

Thực ra nếu nói về nguồn gốc cho tới nơi tới chốn, loại rượu được xem là quốc hồn quốc túy của Anh này có xuất xứ từ… Hà Lan! Nguyên vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, Giáo sư kiêm dược sĩ Sylvius ở xứ này đã tìm ra cách nấu cất một loại “tửu dược” đặc biệt bằng ngũ cốc phối hợp với hương vị của cây gai “juniper berries”. Ông đặt tên cho loại rượu này là “jenever” – là cách phát âm của chữ “genièvre” mà người tiếng Pháp dùng để gọi loại cây này.

Vì là “tửu dược” nên chỉ được phép bán trong các tiệm thuốc tây. Thế nhưng loại “tửu dược” này được mọi người ưa thích tới mức chẳng bao lâu sau người ta chỉ còn biết đó là “tửu” chứ chẳng mấy ai nhớ tới nguồn gốc “dược” của nó nữa. Thế là tiệm thuốc tây nào cũng có lò nấu rượu “jenever”!

Thời gian đó, nước Anh nằm dưới quyền cai trị của William of Orange (III) và cũng là thời gian xảy ra cuộc thánh chiến giữa Pháp (Công giáo) và liên quân Anh, Hòa-lan (Tin lành). Thấy binh lính Anh đóng tại Hòa-lan rất thích uống “jenever”, William đã nảy sinh một ý định tuyệt vời: sản xuất “jenever” ngay tại Anh quốc, xưa nay vốn chỉ biết uống rượu “brandy” của Pháp mang sang một công hai việc, vừa mang ý nghĩa chính trị vừa có lợi về kinh tế.

Thế là cùng một lúc, William ra một sắc thuế rất nặng (gần như phạt vạ) đánh vào tất cả các loại rượu vang và brandy nhập vào Anh, đồng thời cho bất cứ ai đăng ký cũng được phép mở lò nấu rượu “jenever”. Kết quả, Anh đã tự sản xuất một loại rượu tương tự như “jenever” mà họ gọi một cách ngắn gọn là “gin” để khỏi phải nhắc nhớ tới chữ “genièvre” của kẻ thù.

Không còn khả năng tài chánh để uống rượu Pháp, người dân Anh thuộc giai cấp lao động không còn lựa chọn nào khác hơn là uống rượu gin – giá rẻ rề mà còn “cháy cổ” hơn cả brandy! Chỉ trong vòng 40 năm trời, lượng rượu gin sản xuất tại Anh đã tăng từ nửa triệu gallon (mỗi gallon = 3.8 lít) lên tới 20 triệu gallon!

Nhưng cũng chính vì giá rượu rẻ rề nên ngày càng có nhiều đực rựa Anh say sưa be bét, thủ đô Luân-đôn nhan nhản những chàng say nằm ngoài cửa quán rượu hoặc trên đường phố, đến nỗi ngưới ta đã phải gọi rượu gin là rượu “tàn đời mẹ già” (mother’s ruin).Alex Waugh, tác giả cuốn “Wines and Spirits” kể lại rằng trong một quán rượu bình dân nọ ở Anh, trên bảng giá rượu gin, chủ quán đã ghi như sau:

“Ung say: 1 đng. Ung say bí t: 2 đng. Ung không say: khi tr tin”.

Sau hơn một thế kỷ (18) bị mang tiếng xấu, người ta đã tìm cách nâng gin lên thành một loại rượu nặng có giá trị, nhưng kết cũng chỉ tương đối. Theo một nhà viết về rượu, nguyên nhân chính là tại giới quý tộc và tầng lớp trung lưu ở Anh không chịu gạt bỏ thành kiến về gin, cho rằng gin là rượu dành riêng cho các đệ tử lưu linh thuộc thành phần lao động, thấp kém. Chẳng hạn trong các phim Anh, Mỹ, khi muốn lột tả một người say sưa be bét, ông đạo diễn sẽ cho nhân vật ấy cầm chai gin lê miệng để… tu!

Gin - rượu pha cocktail tuyệt vời

Ngày nay, cùng với khuynh hướng uống rượu pha (mixed drinks) ngày càng gia tăng, gin đã được xem là loại rượu lý tưởng cho nhiều loại cốc-tai, trong đó gin pha “tonic water” là cách pha phổ biến và đơn giản nhất .

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất phải là “martini”. Martini nguyên là tên riêng của một loại rượu “vermouth” (rượu ngọt làm bằng thảo mộc) nổi tiếng của Ý. Gin pha với Martini là tuyệt vời, và trở thành phổ biến tới mức sau này bất cứ loại cốc-tai nào pha chế bằng gin với vermouth (không nhất thiết phải là hiệu Martini) cũng đều được gọi chung là “martini”.

Khán giả ái mộ điệp viên James Bond có lẽ đều biết trong các phim 007, chàng siêu điệp viên này chỉ chạy xe thể thao Aston Martin và uống “martini – no ice” mà thôi!) .

Thành thử, mỗi khi vào quán rượu hoặc tham dự các buổi reception ở khách sạn lớn, các tửu sĩ chỉ cần gọi “martini – no ice” là đủ chứng tỏ mình là dân chơi thứ thiệt!

Tổng hợp Ngọc Bích
amthuc365.vn

Danh mục bài viết Tư vấn dùng rượu

Đang tải dữ liệu loading