Tâm sự làng nghề rượu Bàu Đá

Thứ Tư, 06/07/2011 03:44

3,646 xem

0 Bình luận

(0)

3273

Bàu Đá là tên của một bàu nước nhưng định danh cho một “làng rượu”. Không ai biết nghề nấu rượu ở xóm Bàu Đá có từ khi nào. Hỏi các bậc cao niên còn sống ở đây, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời chung chung: sinh ra đã thấy trong nhà có nghề nấu rượu rồi. Và nghề cứ truyền nối theo thời gian.

Gọi “làng rượu” cho oai chứ thật ra chỉ là một xóm nhỏ có truyền thống nấu rượu, tục danh Bàu Đá thuộc thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ thị trấn Bình Định đi về phía Tây chừng 7 km, gặp chiếc cầu bắc ngang qua sông Côn, rẽ ngang là đến xóm Bàu Đá; hoặc cũng có thể, từ Quy Nhơn đi theo Quốc lộ 19 đến địa phận xã Nhơn Lộc, theo đường rẽ ngang… cũng về xóm Bàu Đá.

“Đệ nhất danh tửu”!

Rượu được chưng cất theo phương pháp thủ công. Bí quyết của rượu Bàu Đá chính là nguồn nước. Rượu không kén gạo, kén men, chỉ kén nước. Xưa người ta lấy nguồn nước mạch rỉ ra từ Bàu Đá. Nay bàu cạn, người ta dùng giếng khoan.

Mang nghề ra khỏi xóm Bàu Đá thì rượu nấu lên bất thành… rượu Bàu Đá! Nguồn nước như một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho làng rượu, để lưu truyền một thứ mỹ tửu nước trong vắt như pha lê, nhưng uống tới đâu “thấy” tới đó. Vì thế mà có nhiều giai thoại được lưu truyền về lương duyên giữa rượu Bàu Đá với các bậc tao nhân, mặc khách. Trước, thi sĩ Tản Đà trong một lần ghé chân đất An Nhơn được thưởng thức rượu Bàu Đá đã thốt lên: “Bàu Đá đệ nhị danh tửu”.

Mang hành trang nức tiếng thơm của rượu, chúng tôi háo hức tìm về xóm Bàu Đá. Duyên may, trong lúc lòng vòng hỏi thăm đường, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Lưu, một nghệ nhân nấu rượu kỳ cựu và cũng là trưởng xóm, vừa đi chợ về. Khi biết ý định của chúng tôi muốn đi tham quan xóm rượu để mở rộng nhãn quan về thứ mỹ tửu vốn lừng danh trong thiên hạ, ông Lưu cười xòa: “Mấy chú quá lời rồi. Nhưng đã đến đây là coi như khách quý. Dzìa nhà thưởng rượu cái đã!”. Lệ ở đây là thế. Khách đến xóm rượu, ghé thăm bất kỳ nhà ai đều được gia chủ nhiệt tình mời thưởng rượu.

Chủ nhà giảng giải: Người sành rượu nhận biết rượu Bàu Đá qua tiếng rượu chảy vào ly và vào lớp tăm sủi trên bề mặt. Còn khi uống vào, chuyện ngon dở thế nào tùy vào cảm quan từng người. Khách nâng ly rượu, nhẹ nhàng chiêu một ngụm. Rượu tràn qua cổ. Cảm nhận đầu tiên là mùi men dìu dịu, ngây ngất. Và sau đó, tất cả giác quan đón nhận “ngọn lửa” lan tỏa khắp cơ thể. “Rượu Bàu Đá uống dễ say nhưng lỡ quá chén để say thì chỉ cần ngủ một giấc, tỉnh dậy thấy sảng khoái vô cùng”.

Chủ nhà cho biết rượu Bàu Đá không giấu trong mình bí quyết gia truyền nào. Gạo nấu thành cơm, để nguội, đánh tơi rồi trộn men, cho vào xô nhựa ủ khô hai ngày đêm sau đó cho nước vào ủ thêm ba ngày đêm cho dậy men rồi nấu. Đơn giản vậy mà thành rượu. Thành thứ mỹ tửu nước trong văn vắt như pha lê, chứa đựng sự vi diệu của đất trời, khiến tâm hồn thi sĩ nơi đất võ, trời văn trong lúc đối ẩm cùng bạn hữu đã phải thốt lên rằng:

Ngần xanh như lửa và như tuyết/ Hay ngàn cánh hạc vỗ tâm can/ Say với càn khôn cho mãn giấc/ Cõi mơ không bó ở ngai vàng (thơ Nguyễn Thanh Mừng).

Ra khỏi gian bếp, theo con đường nhỏ, chúng tôi ra thăm miễu Bàu Đá, sau miễu là Bàu Đá ngày xưa. Bàu nước xưa giờ đã cạn, thành ruộng lúa bốn mùa tươi tốt. Cũng không sao. “Đặc ân” mà thiên nhiên ban tặng mảnh đất này vẫn đang được gìn giữ, ngầm hóa. Nguồn nước để tạo nên “chất rượu” vẫn là nguồn nước được rỉ ra từ mạch ngầm của Bàu Đá ngày xưa.

* ... và thoáng chút ưu tư làng nghề!

Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi khi bước vào xóm là biển hiệu “làng nghề truyền thống” uy nghi, to đùng; đường vào xóm cũng đã được bê tông… Nghệ nhân Nguyễn Lưu khoe: “Cổng làng nghề và đường bê tông huyện làm cho. Mới đây, huyện còn tặng mỗi hộ nấu rượu một chiếc ang (nồi) đồng để nấu rượu”. Điều đáng quý là huyện còn đầu tư kinh phí để nghệ nhân làng rượu có cơ hội đi trình diễn nghề truyền thống ở các festival làng nghề trong và ngoài tỉnh.

Chừng ấy thôi cũng chưa đủ lực để vực dậy làng nghề truyền thống giữa thời buổi kinh tế thị trường. “Làng rượu” vẫn là một xóm nhỏ nằm khép mình giữa những lũy tre xanh, bao bọc bởi những cánh đồng lúa.

Đến xóm Bàu Đá giữa ban ngày không tìm được một lò rượu đỏ lửa! Người ta tranh thủ nấu rượu từ sáng tinh mơ (chừng một, hai nồi) để ban ngày còn đi làm ruộng, đi chợ, chăn nuôi… Xóm Bàu Đá hiện có 32 hộ nấu rượu. Tiềm lực thì có nhưng “kẹt” ở đầu ra! Làm một phép tính giản đơn: 5 kg gạo cho ra 3-4 lít rượu ngon, giá mỗi lít rượu ngon tại xóm là 12 ngàn đồng thì người nấu rượu lỗ là cái chắc! May nhờ hèm rượu nên nuôi được con heo, coi như lấy công làm lời. Xem ra làng nghề đang lay lắt chỉ để giữ lấy nghề!

Tạm biệt “làng rượu”, chúng tôi xuôi về thị trấn Bình Định. Trên Quốc lộ 1A từ An Nhơn đến Tuy Phước người ta bày bán không biết cơ man các nhãn hiệu rượu Bầu Đá (Bầu Đá chứ không phải Bàu Đá). Rượu tràn ra đường. Sắc xanh, sắc trắng. Xe khách Bắc Nam thỉnh thoảng dừng lại. Hành khách tranh thủ mua vài can rượu mang nhãn hiệu Bầu Đá xứ Bình Định về khoe với bạn bè hoặc làm quà. Cảnh mua bán diễn ra chớp nhoáng.

Lại thấy thương cho người giữ nghề nấu rượu truyền thống ở xóm Bàu Đá khi tôi nhớ đến nụ cười chua chát của nghệ nhân Nguyễn Lưu: “Rượu người ta bày bán ngoài đường không lấy từ xóm rượu Bàu Đá. Người ở xa, làm sao phân biệt được đâu là rượu Bàu Đá? Kiểu buôn bán này trước sau gì cũng bóp chết thương hiệu của làng nghề”.

Danh mục bài viết Tản mạn về rượu

Đang tải dữ liệu loading