Cảnh báo loại rượu gắn mác “rượu quê”

Thứ Hai, 11/07/2011 02:23

2,445 xem

0 Bình luận

(0)

3825

Uống êm, không đau đầu, không "xóc"… đó là những cụm từ mà dân nhậu hay truyền tai nhau để chỉ những chai rượu quê, rượu nấu gia truyền không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng đang được bán rộng rãi trên thị trường. Song, mấy ai biết rằng, đằng sau những chai rượu quê ấy lại là những hiểm họa đau lòng.
Không khó để tìm mua được những chai rượu quê màu trắng trắng, đục đục đựng trong những chiếc chai nhựa tại các cửa hàng tạp hoá, trong quán ăn bình dân như quán rượu ốc, cháo lòng tiết canh, chân gà nướng… Tối 14/5, tại một quán ốc trên phố Mai Dịch, rất đông các nam sinh viên đang chụm đầu quanh những đĩa ốc nghi ngút bốc khói bên cạnh là những chai rượu được đựng trong chai nhựa chẳng nguồn gốc xuất xứ. Khi được hỏi về loại rượu này, một thanh niên giọng lè nhè: "Uống loại rượu này êm lắm, không bị "xóc" chị ạ!". Cậu khác lại thêm vào: "Chỉ có điều uống xong kiểu gì cũng phải nằm mê mệt mất một buổi hôm sau. Ngấm lắm chị ạ!".

Ngay sát bàn nhậu này là 5 thanh niên dáng dấp to khỏe như người lao động đang từng hồi "Dzô! Dzô!" mà 4 - 5 vỏ chai rượu đã lăn lóc dưới gầm bàn. Mỗi chai rượu này được chủ quán tính với giá 15.000 đồng. Tại một quán lẩu dê trên đường Giải Phóng, khách đến ăn nhậu vẫn được phục vụ bằng loại rượu đựng trong loại chai thủy tinh nhỏ khoảng 350ml, có màu đục đục như ngâm thuốc bắc. Chẳng ai biết được loại rượu này sản xuất với công thức như thế nào và được lấy tại đâu nhưng nhẩm tính sơ sơ, loại rượu này được tiêu thụ đến cả trăm chai một tối.

 

Rượu quê được bán rộng rãi trên thị trường (ảnh sưu tầm)

Nhiều trường hợp chỉ vì uống những loại rượu quê không nguồn gốc xuất xứ như trên đã phải nhập viện như trường hợp của ông Nguyễn Văn T., 60 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sau gần 1 tuần nhập viện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ông T. mới tạm thoát khỏi tình trạng hôn mê. Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc) thì ông T. nhập viện khá muộn, trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, suy thận. Xét nghiệm nồng độ rượu trong máu cho thấy nồng độ methanol (một chất rất độc hại với hệ thần kinh) rất cao. Theo lời kể của người nhà, ông T. thường xuyên mua rượu trắng ở một quán tạp hóa đầu ngõ về uống, loại rượu này không hề có nguồn gốc, nhãn mác mà chỉ được gọi chung là "rượu quê".

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Trần Văn M., 19 tuổi, quê ở Nam Định nhập viện trong tình trạng hôn mê. Người nhà M. cho biết ngày hôm trước M. có mua 2 loại rượu trong đó có một chai rượu "cuốc lủi" ở một cửa hàng tạp hoá uống để chia tay bạn bè cùng học trước khi nghỉ Tết. Sau khi uống xong, M. nôn nhiều đến mức chỉ còn nôn ra toàn dịch. M. nhập viện đã phải sử dụng máy thở để trợ giúp.

 

Một bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị(ảnh sưu tầm)

Theo kết quả xét nghiệm rượu trong máu bệnh nhân cũng như mẫu rượu bệnh nhân đã uống của Trung tâm Chống độc, khoảng 50% mẫu rượu chứa methanol, cồn công nghiệp, thậm chí nhiều mẫu chứa methanol ở nồng độ rất nguy hiểm. Điều này cho thấy tình trạng pha cồn, methanol vào rượu uống, nhất là các loại rượu trắng cộng đồng tự nấu (rượu cuốc lủi, rượu quê) hiện rất phổ biến.

Vốn là người đã dành thời gian nghiên cứu về quy trình sản xuất rượu tại các nước phát triển trong đó có Việt Nam, ông Tô Văn Nhật, Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Công ty CP Aviana - một đơn vị sản xuất rượu thì nếu không có công nghệ tốt, với kiểu gắn mác "bí quyết gia truyền" hay "rượu quê truyền thống" không đảm bảo tiêu chuẩn, người tiêu dùng khi sử dụng loại rượu này rất dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi, những loại rượu thủ công theo kiểu rượu quê thì hàm lượng este, adehyde và methanol có thể cao gấp hàng trăm lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Theo Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, nếu uống nhiều rượu, nồng độ cồn trong máu quá cao có thể gây ức chế toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến hôn mê sâu, suy hô hấp, trụy mạch, với nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ đường huyết, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải và dẫn đến tử vong. Có những trường hợp dù được cứu sống nhưng để lại những di chứng nặng như suy gan, tổn thương thần kinh vĩnh viễn hay những di chứng về vận động gây liệt.

Để an toàn, mỗi ngày, một người chỉ nên uống một ít rượu và uống loại rượu có nguồn gốc xuất xứ, thông tin rõ ràng. Khi uống có biểu hiện say thì nên cố gắng tìm cách để nôn ra. Hơn nữa, người bị say rượu cần phải theo dõi kể cả khi nôn để tránh sặc, gây tử vong. Trường hợp nặng cần phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu

 

Tổng hợp:Thaolp
amthuc365.vn

Danh mục bài viết Thông tin rượu giả

Đang tải dữ liệu loading