Kinh hoàng công nghiệp pha chế 'rượu độc'.

Thứ Tư, 13/07/2011 04:58

2,156 xem

0 Bình luận

(0)

1550

Có nhiều cách gọi để nói về công nghệ chế biến rượu từ… cồn và nước lã, cùng với những cái chết “bất đắc kỳ tử” của những đệ tử lưu linh khi sử dụng “quá giới hạn cho phép” đối với những loại "rượu" rất độc hại này.

Nấu rượu… không khói

Xã Tam Đa (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vốn là một làng quê hiền lành, nổi tiếng với nghề nấu rượu gạo, rượu sắn truyền thống từ bao đời nay.Nhưng truyền thống ấy đã và đang mai một nhanh chóng khi công nghệ “nấu rượu không khói” theo công thức: “nước lã + cồn công nghiệp” xuất hiện và nhân rộng ở làng nghề này từ vài năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng công an xã Tam Đa cho biết nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trong cách làm này của một số người dân là do chạy theo lợi nhuận.Sản xuất rượu bằng cách hòa cồn công nghiệp với nước lã đem lại lợi nhuận rất lớn, bởi tiết kiệm được toàn bộ các khâu lên men, nhân lực vật lực, sản lượng lại lớn.Ông Quý cho biết mặc dù ông “chưa một lần chứng kiến tận mắt cảnh người dân lấy cồn công nghiệp chế với nước lã và hương liệu để tạo ra rượu made in Tam Đa”, nhưng vài năm trở lại đây, dư luận trong xã đã khá bức xúc trước cách sản xuất rượu “thiếu đạo đức” này.

Họ đã phản ánh nhiều lần lên chính quyền xã về việc có nhiều hộ gia đình vì chạy theo lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của cả một làng nghề.Theo thông tin ông Quý cung cấp thì loại cồn công nghiệp mà các hộ gia đình sử dụng để pha thành rượu thường có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hoặc các tỉnh miền Trung chuyển ra (mà thực chất là ông không nắm rõ về nguồn gốc).

Kinh hoàng công nghiệp pha chế 'rượu độc'

Nước và cồn không qua khâu khử độc tố được đổ lẫn vào phuy, khuấy đều, cho hương liệu vào và biến thành... rượu. Sau khâu pha chế là khâu sang rượu vào các săm xe ô tô đã được măngxông vá chín rồi chuyển đi các vùng lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, ...

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, cồn công nghiệp được sử dụng để chế thành rượu có nồng độ cao, từ 90- 96 độ. Tỷ lệ pha chế rượu – cồn còn phụ thuộc nồng độ rượu mà khách hàng mong muốn.Dụng cụ dùng để chứa rượu là những chiếc thùng phuy có sức chứa khoảng 220 lít. Sau khoảng nửa tiếng khuấy đều, hỗn dịch cồn công nghiệp và nước trên được cho thêm hương liệu và mùi vị theo ý muốn và nghiễm nhiên trở thành... rượu!

Với công nghệ này, một phuy rượu chừng 220 lít chỉ thao tác trong vòng nửa giờ đồng hồ. Trong khi đó, để có được khối lượng rượu nấu như thế này, có lẽ, một lò rượu phải miệt mài cả ngày đêm trong vòng cả tuần.Bởi, như một bà chủ nhà nấu rượu tiết lộ rằng: một ngày chỉ nấu được chừng bốn chục lít.

Tuy nhiên, với cách “nấu” kiểu này, một phuy rượu nếu không “đẩy” nhanh, sẽ bị thối sau vài ba tháng. Đó là trở ngại duy nhất mà những “xưởng rượu không khói” ở Đại Lâm lo lắng.

Kinh hoàng công nghiệp pha chế 'rượu độc'
Phía bên kia đường có một ngôi nhà cũ bỏ không, chỉ chuyên dùng để chứa các phuy rượu đã được pha trộn trong thời gian nằm ủ, đợi khách. Chỉ cần nhìn cách làm, cách bảo quản thủ công đã thấy vấn đề vệ sinh không được đảm bảo

Ông Trưởng công an xã Tam Đa cho hay: “Cả xã có khoảng 1.200 gia đình, ở thời kỳ cao điểm (đầu tháng 8, tháng 9) có khoảng 800 gia đình nấu rượu. Còn ở thời kỳ thấp điểm (như hiện nay) có khoảng 200 gia đình nấu rượu”.Nhưng điều lạ nhất là sản lượng rượu mà Tam Đa cung ứng cho thị trường vẫn đảm bảo đủ cung cấp nhu cầu thường xuyên. Điều đó có nghĩa là những ‘lò” sản xuất rượu theo "công nghệ không khói" có năng suất gấp nhiều lần các lò nấu rượu thủ công.

Trưởng Công an xã Tam Đa tự tin cho biết rượu của địa phương này có mặt ở tất cả các nơi có người uống rượu.Nhưng với "công nghệ sản xuất" như thế này thì mức độ phổ biến của rượu Tam Đa quả thật trở thành một mối... nguy hiểm. Điều ông trưởng công an xã bức xúc là chỉ vì một ít lợi nhuận trước mắt, rất có thể trong tương lai không xa, thương hiệu rượu quê truyền thống Tam Đa bao đời nay sẽ bị ảnh hưởng do một vài người làm ăn chộp giật.

Tam Đa đệ nhất… rượu

Từ dốc Đặng chạy xe thêm vài cây số, thôn Đại Lâm hiện ra trước mắt khách lạ với những dãy thùng phuy đựng rượu xếp hàng dọc hai bên đường, trong những ngôi nhà cũ kỹ, lụp xụp ven chân đê.

Có thể gọi đó là những “hầm chưng cất”.

Kinh hoàng công nghiệp pha chế 'rượu độc'
Những phuy đựng rượu ủ - là những téc nhựa chừng khoảng 200 lít - đứng chen nhau ở tất cả những “xó xỉnh” dọc triền đê hoặc hoặc trong các khu vực “chưng cất” riêng của các gia đình.Sau khi được pha chế, rượu từ các phuy này được chuyển sang những chiếc “túi” da khác, hệt như những chiếc túi da mà dân hoang mạc đựng nước uống làm từ dạ dày con lạc đà.Những chiếc “túi” này, nguyên là những chiếc săm ô tô, được chế lại bằng cách xẻ đôi rồi gập lại, sau đó “măng – xông, vá chín”, chỉ để chừa một cái lỗ nhỏ để nhét vừa cái “phễu” to như một chiếc xô nhựa để rót rượu vào.

Một chiếc “ruột ô tô” như thế, chứa được 10 – 11 lần đong. Mỗi một lần múc, dụng cụ đong được gò bằng nhôm có dung tích khoảng 4 lít. Với số lượng như trên, mỗi chiếc ruột xăm xe chứa được hơn chục lần vục, tương đương khoảng 40 đến 50 lít.

Tất cả công đoạn “đong rượu” đều diễn ra ngay bên lề đường quê, trên bề mặt nham nhở sỏi đá và rác rưởi.Theo lời bà chủ khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Một ngày nấu được trên bốn chục lít rượu!”. Thế nhưng, với hơn chục bịch rượu đã “đóng gói” chờ xuất ra Thủ đô và các tỉnh lân cận đã là con số đếm không nhỏ. 

Làm một phép tính đơn giản, để sản xuất ra ngần ấy lít rượu đóng chật kín trong các thùng và “trung chuyển” sang các ruột xăm ô tô, xưởng sản xuất này phải theo quy mô “công nghiệp” với hàng trăm nhân công.

Tất nhiên, với điều kiện đó là xưởng… nấu rượu chưng cất theo kiểu truyền thống mà bà chủ khẳng định. Số rượu đã đóng trong các ruột xăm ô tô này, sẽ được chuyển ra Hà Nội và các tỉnh lân cận với Bắc Ninh bằng ô tô. Sau đó, rượu này sẽ được sang chai, dán nhãn mác (hoặc nếu bán cho các thị trường dễ tính như sinh viên, người lao động tự do...) thì công đoạn này thậm chí không cần diễn ra.Cũng theo lời bà chủ này, một lít rượu lấy gốc tại Đại Lâm là 6.000đồng/lít.Tuy nhiên, đấy là giá “chào hàng” với khách lạ. Nếu đã là khách quen, lấy rượu số lượng lớn thì cái gá còn "mềm" hơn nữa.

Kinh hoàng công nghiệp pha chế 'rượu độc'

Biết nhưng bất lực!

Dù chưa một lần chứng kiến tận mắt cảnh người dân dùng cồn công nghiệp để pha rượu nhưng Trưởng Công an xã Tam Đa Nguyễn Văn Quý khẳng định chuyện pha rượu là có thật.Tuy nhiên, ông Quý cũng đành lắc đầu thừa nhận chính quyền xã không thể nào chứng minh được rượu đó là rượu giả.“Trong cồn có rượu và trong rượu có cồn. Chúng chẳng có mùi vị, màu sắc gì khác nhau cả. Thật sự là chúng tôi không đủ điều kiện, không có biện pháp hoặc công cụ gì (về khoa học) để chứng minh họ phạm pháp”, ông Quý thừa nhận.

Thậm chí, sau khi nhận được phản ánh của những người làm ăn chân chính, ông Quý cho biết xã cũng đã báo cáo cấp trên nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.Thậm chí, chi cục quản lý thị trường cũng “bó tay” với rượu giả vì khi đưa ra thị trường, đây đều là các loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đóng thuế đầy đủ!

Rượu pha từ cồn công nghiệp là loại rượu cực độc

Theo các chuyên gia hóa học, rượu được pha từ cồn công nghiệp với nước và hương liệu tuy không được ngon, không được tốt nhưng không hẳn đã là rượu độc có thể gây tử vong, với điều kiện cồn công nghiệp phải được xử lý hết độc tố và các nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, quy trình xử lý độc tố trong cồn công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật phứ tạp, mất rất nhiều tiền. Vì thế, những người dùng cồn pha rượu, chạy theo lợi nhuận chắc chắn bỏ qua khâu này.

Cồn công nghiệp có chứa các độc tố như anđêhít, metanol, ... gây ngộ độc. Đây là các chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan, nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù lòa và bị cấm hoàn toàn trong thực phẩm.

 

 

Tổng hợp:Thaolp
amthuc365.vn

Danh mục bài viết Thông tin rượu giả

Đang tải dữ liệu loading