Một vài lời khuyên bỏ túi khi cai sữa cho bé

Thứ Tư, 20/07/2011 08:47

2,333 xem

0 Bình luận

(0)

1227

Với những bé đã quen với bầu sữa mẹ thì cai sữa là một ‘cú shock’ đầu đời. Vấn đề lúc này là làm thế nào để giúp bé vượt qua và chấp nhận thực tế ‘phũ phàng’? Cha mẹ nên tham khảo những điều sau.

Cai sữa khi bé tròn 24 tháng tuổi

Đây là tiêu chuẩn được Bộ y tế khuyến cáo. Tuy nhiên vì một số lý do mà các bà mẹ có thể sẽ phải cai sữa cho con sớm hơn.

Các bà mẹ cần biết rằng, việc cai sữa cho con trước 12 tháng sẽ gây thiệt thòi nhiều cho bé, bởi sữa mẹ là nguồn dưỡng chất hoàn hảo chứa các kháng thể giúp bé phòng chống bệnh tật. Việc bổ sung quá sớm các thực phẩm khác rất dễ gây tiêu chảy cho bé do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ nên khả năng tiêu hóa, hấp thu kém, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, nếu không thể cho con bú đến 24 tháng thì trẻ được 12 tháng tuổi mẹ mới nên cai sữa cho bé.
Không cai sữa đột ngột

Mẹ không nên cai sữa đột ngột vì dễ làm cho trẻ bị sang chấn tinh thần và dễ sinh biếng ăn. Với trẻ nhỏ, bú mẹ không chỉ là một nhu cầu ăn uống mà còn là một nhu cầu tình cảm, muốn được mẹ ôm ấp, bế ẵm. Vì vậy, đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú có thể khiến trẻ bị sốc. Tốt nhất là nên giảm từ từ, nếu vẫn cho bú 4-5 lần một ngày thì giảm thành 3, sau đó thành 2, rồi 1.

Cho bé làm quen với nhiều món ăn hấp dẫn

Khi cai sữa cho bé, bên cạnh việc giảm bú từ từ cho trẻ, mẹ hãy cho trẻ làm quen với nhiều món ăn mới. Khi trẻ thích thú với những món ăn khoái khẩu, việc cai sữa cũng trở nên dễ dàng hơn, lại đảm bảo được dinh dưỡng cho bé.

Không cai sữa cho bé khi thời tiết xấu

Không nên cai sữa cho bé vào mùa hè trời quá nóng hoặc mùa đông quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi khó chịu. Thời tiết xấu có thể khiến bé mệt mỏi cộng với sự thay đổi thói quen ăn uống dễ làm trẻ ốm.
Không cai sữa khi bé ốm

Tránh nhất là cai sữa khi trẻ ốm vì đây là lúc trẻ thường hay biếng ăn nên sẽ khó thích nghi với chế độ ăn mới. Đặc biệt, với trẻ bị tiêu chảy thì càng bất lợi vì hệ tiêu hóa của trẻ vốn non yếu nay lại bị bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn giảm sút, bệnh tiêu chảy dễ nặng thêm, trẻ càng biếng ăn và dẫn đến suy dinh dưỡng. Lúc này sữa mẹ sẽ là thực ẩm an toàn và tốt nhất cho bé.

Mặt khác, khi trẻ ốm, trẻ có nhu cầu tình cảm được mẹ ôm ấp, bế nựng và bú mẹ. Bú mẹ sẽ giúp bé bớt quấy khóc và ngủ ngon hơn.

Đừng đánh đòn bé

Làm sao mà bé không khóc cho được khi phải xa “người yêu dấu”? Hãy thông cảm cho sự “mất mát” này của bé. Bé cần có thời gian để nguôi ngoai.

Đừng đặt ra chỉ tiêu thời gian

 Tùy “cơn nghiện” của mỗi bé nặng hay nhẹ, tùy sự thích nghi của mỗi bé khó hay dễ mà thời gian “cai” của mỗi bé dài hay ngắn. Vì thế, đừng “chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch”, điều đó sẽ tạo áp lực cho cả bé và mẹ và “cuộc chiến” có thể sẽ dài hơn dự kiến.

Đừng bắt bé phải xa mẹ

 Đừng gửi bé về quê cho ông bà nội, ngoại. Có thể giảm bớt thời gian bế bồng bé chứ đừng tách bé khỏi mẹ từ ngày này sang ngày khác. Càng xa thì càng nhớ mà càng nhớ thì bé càng khó quên.

Giúp bé quên

Hãy giúp bé quên bằng các đồ chơi, trò chơi hoặc chương trình tivi mà bé yêu thích.

Danh mục bài viết Mẹo vặt gia đình

Đang tải dữ liệu loading