Thực phẩm chức năng với sức khỏe (phần 1)

Thứ Tư, 02/11/2011 05:03

2,223 xem

0 Bình luận

(0)

4101

Một trong những vấn đề sức khỏe được nhân loại quan tâm nhất từ cổ chí kim, là kéo dài tuổi thọ cho con người. Sự phát triển của y học hiện đại, với các máy móc thiết bị giúp chẩn đoán sớm bệnh lý, các loại thuốc men và phương tiện lý hóa giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Các kỹ thuật phục hồi chức năng và dinh dưỡng hỗ trợ giúp người bệnh khắc phục các hậu quả của bệnh tật một cách tốt hơn rất nhiều so với những thời kỳ trước đây và tất cả những điều này góp phần làm tuổi thọ trung bình của con người tăng dần. Thế nhưng, phần tuổi thọ gia tăng chỉ thật sự có ý nghĩa nếu người ta tiếp tục được sống với đúng ý nghĩa của cái từ “sống”, tức là tiếp tục tham gia vào cuộc đời với công việc, sinh hoạt, giao tiếp…, như lúc người ta còn trẻ.

Sự tham gia này cần một điều kiện quan trọng, điều kiện cần và cũng là điệu kiện đủ không thể thiếu, đó là sức khỏe. Không có sức khỏe, những ngày sống thêm trong cuộc đời này sẽ là cực hình, nếu đó là chỉ những ngày hít thở bằng dụng cụ chuyên khoa, ăn uống bằng thực phẩm chuyên biệt, di chuyển trên những phương tiện chuyên dụng, giải trí bằng radio hoặc giao tiếp với ti vi, sống bằng những ký ức của tuổi xuân và ước mơ là được thoát hỏi những đau đớn về thể chất hay buồn phiền về tinh thần do bệnh tật sớm sớm một chút…

Sự khám phá các chức năng sức khỏe của thực phẩm chức năng mang đến cho y học một lĩnh vực nghiên cứu mới, và mang đến cho nhân loại một hy vọng mới trong việc duy trì sức khỏe cho tuổi già, hay nói một cách khác, làm gia tăng chất lượng sống cho tuổi thọ. Hy vọng thì… không bị đánh thuế, nên chẳng cần hạn chế làm gì, nhưng điều không thể không quan tâm, đó là chuyện thực phẩm chức năng có thực sự là một cứu cánh cho sức khỏe, như những lời có cánh người ta thường dùng để quảng cáo một loại thực phẩm chức năng nào đó… ?

Khái niệm về thực phẩm chức năng?


Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa chính thức nào về thực phẩm chức năng được thống nhất sử dụng trên toàn thế giới. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu đưa ra một khái niệm khác nhau về thực phẩm chức năng tùy thuộc vào hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng của các thực phẩm này, và điều này gây không ít khó khăn cho người sử dụng trong việc hiểu đúng về thực phẩm chức năng.

Đây cũng chính là khe hở lớn cho các hoạt động buôn bán, kinh doanh, quảng bá thực phẩm chức năng có thể sử dụng để nhằm vào các mục đích thương mại, và làm cho thị trường thực phẩm chức năng ngày càng trở nên rối rắm phức tạp hơn. Định nghĩa sau đây về thực phẩm chức năng của WHO thường được sử dụng nhiều nhất trong y khoa: Thực phẩm chức năng là một loại thực phẩm mà trong thành phần ngoài những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống và phát triển của cơ thể sống thì còn chứa những chất có chức năng tác động đến sức khỏe một cách tích cực. Các chức năng được quan tâm nhất của thực phẩm chức năng đối với sức khỏe bao gồm:

* Bảo vệ tế bào của cơ thể, chống lại sự thay đổi về cấu trúc và chức năng của tế bào - Hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể: trợ tiêu hóa, tăng sự minh mẫn, tăng hoạt động cơ, tăng thải trừ độc chất và các chất chuyển hóa…

* Gia tăng khả năng đề kháng của cơ thể với các tác nhân có hại bên ngoài

* Gia tăng sử dụng các chất dinh dưỡng và làm tăng khả năng sống còn của cơ thể - Hỗ trợ cho việc điều trị các bệnh lý đã mắc hoặc phòng ngừa các bệnh lý chưa mắc. Ngoài ra, tùy theo lĩnh vực nghiên cứu, một số chức năng khác của thực phẩm như làm trẻ hóa tế bào, tái tạo các mô cơ thể, tăng khả năng thể lực ngắn hạn… cũng được đề cập đến.

Ngay trong khái niệm được sử dụng nhiều nhất này, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể phân định và gây tranh cãi, vì bản thân các chất được gọi là chất dinh dưỡng, vẫn có khả năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chức năng kể trên.

Nếu như vậy thì thực phẩm chứa chất dinh dưỡng đó có được xem là thực phẩm chức năng không hay chỉ gọi là thực phẩm thông thường? Theo định nghĩa về thực phẩm, bản thân thực phẩm đã phải là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng, nên một chất dinh dưỡng hiện diện trong thực phẩm không thể là yếu tố giúp thực phẩm đó được gọi là thực phẩm chức năng. Ví dụ: Vitamin C là một chất dinh dưỡng thiết yếu hiện diện trong khá nhiều loại thực phẩm thông thường như trái cây họ citrus, các loại rau quả tươi… Vitamin C đồng thời cũng là một chất có chức năng sức khỏe hiệu quả là chống lại các gốc oxy hóa tự do, bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và qua đó chống lại sự lão hóa, chống ung thư… Như vậy, các loại thực phẩm có chứa vitamin C đều có thể được gọi là thực phẩm chức năng!

Nếu mở rộng ví dụ này ra với một số chất dinh dưỡng khác như chất xơ, các acid béo no chuỗi dài, các acid amin thiết yếu, các chất khoáng vi lượng như kẽm, sắt… thì hầu như thực phẩm nào cũng có thể gọi là thực phẩm chức năng. Điều này sẽ xóa mờ vai trò thật sự của các chất chức năng không phải là chất dinh dưỡng hiện diện trong thực phẩm.

Vì vậy, trong phạm vi bài này, thực phẩm chức năng sẽ được hiểu là các thực phẩm có chứa thêm các chất chức năng có tác dụng với sức khỏe, và các chất chức năng này không phải là các chất dinh dưỡng thông thường bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất cồn, chất xơ, nước, chất khoáng đa lượng và vi lượng, vitamin tan trong nước (B, C) và vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K).

Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa chất chức năng và thực phẩm chức năng. Một thực phẩm được gọi là thực phẩm chức năng chỉ khi trong thành phần có chứa chất chức năng. Trong tự nhiên, một loại thực phẩm chức năng có thể chứa nhiều chất chức năng khác nhau, và những loại thực phẩm chức năng khác nhau có thể cung cấp cùng một chất chức năng như nhau.

ThS. BS. Đào Thị Yến Phi
Chủ nhiệm BM Dinh Dưỡng
ĐHYK Phạm Ngọc Thạch TPHCM

Danh mục bài viết Thực phẩm chức năng

Đang tải dữ liệu loading