Hãy coi bữa sáng là bữa chính trong ngày

Thứ Tư, 16/11/2011 08:18

2,260 xem

0 Bình luận

(0)

4744

Bữa sáng lý tưởng phải có đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Bạn nhịn bữa sáng và đến trưa, do đói cồn cào, bạn ăn ngấu nghiến để bù lại? Nếu có thói quen này, hãy bỏ ngay vì cơ quan tiêu hóa của bạn sẽ phải làm việc quá tải vào buổi trưa, việc tiêu hóa và hấp thu sẽ kém hiệu quả, không thể bù đắp sự thiếu hụt năng lượng sau một đêm dài và nửa ngày làm việc.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, hãy tập thói quen dậy sớm một chút và thích thú với bữa ăn sáng của mình, vì bữa ăn này hết sức quan trọng và cần thiết cho sức khỏe. Bình thường, chúng ta cần ăn 3 bữa trong ngày: sáng, trưa và tối. Khoa học dinh dưỡng đã chứng minh, thức ăn nếu chia làm 3 lần sẽ được tiêu hóa, hấp thu tốt hơn so với cùng lượng đó dồn vào 2 bữa.

Buổi sáng là thời gian làm việc và học tập với cường độ cao nhất trong ngày nên cơ thể phải được "nạp" đầy đủ năng lượng. Nếu nhịn ăn sáng hoặc chỉ ăn qua loa, bạn sẽ không cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vào giữa hay cuối buổi sáng, đường huyết sẽ hạ làm bạn mệt mỏi, hoa mắt, năng suất lao động kém, dễ bị sai sót trong công việc. Học sinh, sinh viên đến lớp buổi sáng nếu bụng lép kẹp sẽ học kém tập trung, hay buồn ngủ, thèm ăn quà vặt lúc nghỉ giữa giờ. Tế bào não đặc biệt nhạy cảm với sự thiếu hụt ôxy và các chất dinh dưỡng.

Nếu không ăn sáng, tình trạng đói có thể gây hại cho việc duy trì chức năng não, dẫn đến tình trạng kém linh hoạt, nhanh nhạy và chính xác. Một số người thừa cân muốn giảm béo bằng cách bớt đi bữa sáng, đó là việc làm rất sai lầm. Nếu muốn giảm cân và duy trì sức khỏe, bạn nên ăn sáng điều độ và giảm ăn vào bữa tối. Sau bữa ăn sáng, cơ thể phải làm việc, học tập nên năng lượng tiêu hao rất nhiều.

Ngược lại, sau bữa ăn tối, cơ thể nghỉ ngơi, hoạt động ít nên dễ tích lũy năng lượng dưới dạng mỡ dư thừa. Việc tạo thói quen và duy trì bữa ăn sáng, đặc biệt bữa ăn sáng tại gia đình, không những đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các thành viên mà còn giúp yên tâm về phương diện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, buổi sáng ngủ dậy thời gian không nhiều, ai cũng vội vàng để chuẩn bị cho một ngày làm việc và học tập. Vì vậy, bạn có thể ăn sáng tại các hàng, quán, tiệm ăn... miễn là phù hợp với điều kiện kinh tế và đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Tốt nhất là tổ chức xen kẽ bữa ăn sáng tại gia đình. Các thực đơn ăn sáng cần đơn giản, dễ thực hiện. Các dụng cụ cần thiết phục vụ cho chế biến bữa ăn sáng cần được rửa sạch và đặt ở nơi thuận tiện. Một số thực phẩm cần được mua sẵn và sơ chế từ chiều hoặc tối hôm trước để sáng hôm sau có thể nấu nhanh chóng.

Bữa sáng phải được coi là bữa ăn chính. Năng lượng trung bình dành cho nó nên đạt 1/3 năng lượng trong cả ngày. Bữa ăn sáng cũng cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối, bao gồm các nhóm: chất bột (cơm, bún, bánh mì, bánh cuốn, phở), chất đạm (thịt, trứng, sữa, cá, đậu đỗ...), chất béo (dầu, mỡ, để rán, xào hay cho vào nước dùng, bơ để phết vào bánh mì), vitamin và muối khoáng (rau và trái cây).

Bữa ăn sáng muốn đảm bảo đủ dinh dưỡng phải có ít nhất một loại thực phẩm từ mỗi nhóm trên. Nhiều người nghĩ bữa sáng là bữa phụ nên ít ăn chất đạm như thịt, cá, trứng, đậu đỗ vào bữa ăn này. Thực ra, chất đạm cung cấp các axit amin cần thiết cho mọi cơ quan, tổ chức, đặc biệt là não, giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, trí óc minh mẫn, sáng suốt. Chất đạm rất cần có mặt trong bữa ăn sáng để giúp chúng ta làm việc, học tập có hiệu quả. Nếu bữa sáng đơn điệu, chỉ có chất đường bột (bánh ngọt, mì tôm, cơm, khoai củ...) thì bạn dễ bị thiếu chất và mệt mỏi.

Vì vậy, nếu ăn bánh ngọt (nhóm bột), bạn cần có thêm một cốc sữa bò hay sữa đậu nành (nhóm đạm và béo), nửa quả chuối hay một quả hồng xiêm (nhóm vitamin và khoáng). Nếu ăn mì tôm nên nấu với một ít thịt, một thìa dầu hoặc mỡ, một nửa quả cà chua và một ít rau cải cúc. Nếu ăn cơm hay khoai củ, nên ăn với muối vừng lạc, ăn xong có thêm ít trái cây.

TS Hoàng Kim Thanh, Sức Khỏe & Đời Sống

Danh mục bài viết Sức khỏe gia đình

Đang tải dữ liệu loading