Mùa cưới với bánh Cốm Hàng Than

Thứ Tư, 16/11/2011 03:00

3,217 xem

0 Bình luận

(0)

4448

Có một thức quà không thể thiếu trong ngày cưới đó là bánh cốm Hàng Than (Hà Nội). Với những người phố Hàng Than, làm bánh cốm không chỉ mang lại lợi nhuận kinh doanh mà còn để lưu lại cho đời chút hương vị ngọt thơm từ hàng trăm năm trước.

Làm bánh cốm là nghề bận rộn quanh năm nhưng mùa chính vẫn là mùa cưới. Mùa cưới bắt đầu từ tháng 8 âm lịch. Bánh cốm biểu trưng cho sự vẹn toàn, no đủ và hạnh phúc của cô dâu, chú dể trong ngày vu quy.

Hàng Than là con phố nhỏ, chỉ dài khoảng 400m, có nhiều hàng bánh cốm, loại bánh không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà ưa chuộng của du khách thập phương.

Khác với các thứ bánh tồn tại trong nhân gian, bánh cốm có xuất xứ rất cụ thể. Năm 1865, ông tổ dòng họ Nguyễn Duy ở phố Hàng Than đã nghĩ ra cách đem sấy khô hạt cốm để làm nên bánh cốm. Cho tới ngày nay, bánh cốm Hàng Than đã trở thành đặc sản Hà Thành.

Bánh cốm được chọn từ hạt thóc nếp Thái Bình đều là những bông cốm già, nếu cốm non thì khi vào đường sẽ tan hết, không dùng làm vỏ bánh được. Cốm làm xong sấy khô, đóng gói thật kỹ cho khỏi ẩm. Khi làm bánh trộn cốm với nước cho hạt mềm, rồi pha cùng đường, đặt lên bếp đem xào trên chảo nóng khoảng 2 giờ.

Khi đảo cốm cần lưu ý đảo đều tay, nếu để lửa non thì bánh nhão, nếu quá lửa thì bánh có mùi khét. Người làm cốm đảo tới khi cốm nhuyễn lại, giữ được màu xanh ngọc.

Quá trình làm nhân bánh cũng rất công phu, tỉ mỉ. Đậu làm nhân phải chọn lựa kỹ càng những hạt đậu đều mẩy, đem ngâm nước cho nở, bóc vỏ, đồ lên. Lưu ý đồ vừa chín thì đỗ sẽ thơm và tơi bỏ, tạo vị ngon cho nhân bánh.

Tiếp đến, trộn đỗ với đường, nước hoa bưởi, mứt sen hoặc mứt bí đã xay nhuyễn cùng dừa tươi. Người ta chia nhân thành từng viên, rồi dùng thứ cốm đã nấu bọc ngoài. Bánh cốm ngày nay bọc bằng vỏ ni lông trong suốt, khác với bánh cổ truyền được gói bằng nhiều lớp lá chuối. Bánh cốm không dùng chất bảo quản nên chỉ sử dụng trong vòng 4 đến 5 ngày. Bánh cốm có vị dịu ngọt từ ngoài và đậm dần vào trong, ăn vào cảm nhận vị dẻo thơm của cốm và ngọt bùi của đỗ xanh, mát lành của dừa tươi.

Đặc biệt bánh cốm có hương thơm hoa bưởi nên đậm đà khó quên. Khi ăn bánh thường kèm với nước chè mạn, tạo nên hương vị hòa hợp. Bánh cốm ngày nay đã trở thành món quà sang trọng mang đặc trưng ẩm thực Hà Thành.

(Theo amthuc)

Danh mục bài viết Văn hóa ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading