Sắc màu cuối tuần cho bữa ngon gia đình bạn

Chủ nhật, 20/11/2011 02:37

2,110 xem

0 Bình luận

(0)

2282

Một bữa ăn phong phú màu sắc sẽ cung cấp nhiều sinh tố, khoáng chất giúp cơ thể phát triển hài hòa, tránh được nhiều bệnh tật nguy hiểm. Vì thế, việc thay đổi màu sắc cho món ăn là điều bà nội trợ cần nhớ khi xách giỏ đi chợ.


Bữa ăn xanh lấy các loại rau như rau muống, rau cải ngọt, cải thìa làm “lực lượng chủ đạo”. Rau muốn giữ màu xanh buộc phải nấu trong lửa lớn và thời gian ngắn để không mất sinh tố và khoáng chất. Rau xanh chứa nhiều vitamin C, sắt, là các “chiến sĩ” giúp bảo vệ cơ thể khỏe mạnh.
Song, muốn ăn được nhiều rau xanh, cần làm các món không nhàm chán để “đánh thức” vị giác như: rau mầm trộn thịt bò, gỏi rau càng cua tôm thịt, canh cải xanh nấu bắp bò. Một số rau như cải bó xôi còn chứa vitamin E, là “nguyên liệu” góp phần sản xuất hormon sinh dục. Vì vậy, hãy thường xuyên dùng các món: bó xôi trộn thịt bò, bó xôi xào sò điệp, bó xôi xào nấm đông cô nhồi cá thát lát, bó xôi xốt thịt cua… nếu bạn hờ hững với chuyện gối chăn.



Các món ăn có màu đỏ thường gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người ăn, tạo cảm giác ngon miệng. Các nguyên liệu để tạo màu đỏ cho bữa ăn có cà chua, gấc, bí đỏ, thịt đỏ… Cà chua có chứa lycopen, là chất giúp cơ thể tươi trẻ. Tuy nhiên, cà chua phải nấu chín mới có công dụng trẻ hóa. Vì vậy, những món kho nhừ, nấu nhừ như cá kho cà, ra-gu heo hoặc bò phát huy triệt để công dụng của cà chua. Dâu tây trong món mứt dâu dùng với bánh mì sandwich hoặc dâu tươi trộn sữa chua rất tốt cho cơ thể. Một màu đỏ rất đẹp thường gặp trên mâm cơm là màu của quả ớt. Ớt có nhiều công dụng nhờ chứa vitamin A, nhưng tuyệt hơn nữa khi ớt được coi như là viagra tự nhiên. Tuy nhiên, cũng chỉ nên ăn ớt vừa đủ để kích hoạt nội tiết tố. Ăn quá cay, bạn sẽ không còn nhận ra vị của các món ăn.



Màu vàng của món ăn có thể được tạo nên từ dưa cải chua, thơm, bông điên điển, nghệ… Đây là những nguyên liệu diệu kỳ cho sức khỏe: thơm, cải chua trợ tiêu hóa; riêng nghệ được Đông y dùng trong điều trị đau dạ dày, đại tràng hoặc sản phụ đau bụng do ứ huyết (phụ nữ có thai không nên dùng nghệ). Bông điên điển có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần, nhuận trường, lợi tiểu, thường được dùng để giải cảm, trị mụn, táo bón, mất ngủ… Nếu ăn chơi, các món làm từ điên điển có bánh xèo bông điên điển, gỏi bông điên điển… Ăn với cơm, bún, có món canh chua bông điên điển. Loại bông này còn được ăn sống cùng mắm kho, bún mắm, bún nước lèo…



Món ăn màu đen có đại diện gồm mộc nhĩ, mè đen, đậu đen… Đây là những loại mà thầy thuốc Đông y dùng để điều trị các chứng bạc tóc (đậu đen, hà thủ ô), bệnh tim mạch. Chúng chứa nhiều sinh tố, selen, sắt, canxi, kẽm, có công dụng phòng chống ung thư, chống oxy hóa, chống lão hóa... Các món có mè đen bao gồm chè mè đen, bánh tráng mè đen ăn với lươn bằm sả ớt, củ cải và củ sen trộn gỏi rắc mè đen. Mộc nhĩ được dùng làm nguyên liệu trong nhân nhiều món như chả giò, trứng hấp, mọc (trong món bún mọc) hoặc trong các món xào cải, gân nai xào…


Món ăn có màu trắng, đại diện là củ cải trắng, theo Đông y có tác dụng khai vị, giúp ngon miệng. Nếu dùng nước củ cải trắng thì có công dụng sát khuẩn, giảm ho. Khi chống mệt mỏi nên ăn món củ cải trắng hầm chân gà, nêm hành lá. Trong cải bắp chứa biotine (vitamin H), giúp phát triển móng tay, tóc, đẹp da, có lợi cho hệ thống thần kinh. Có nhiều món lấy cải bắp làm nguyên liệu như: canh cải bắp cuốn thịt, cải bắp xào thịt bò, gỏi vịt… Bắp cải trắng là món ức chế hấp thu i-ốt. Vì vậy, nếu dùng thường xuyên cần dùng thêm rong biển hoặc nêm bằng muối i-ốt.

(Theo Phụ nữ chủ nhật)

Danh mục bài viết Món ăn & sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading