Cá Diếc ngon, đặc biệt bổ dưỡng

Thứ Ba, 29/11/2011 02:56

5,642 xem

0 Bình luận

(0)

2025

Trong Đông y, cá diếc là một trong 499 vị "nam dược thần hiệu" (sách của Tuệ Tĩnh) gọi là tức ngư, tính hàn, công dụng điều khí hòa trung rất bổ ích, chữa mụn trĩ, đại tiện ra máu, lao, cả bệnh tiểu đường...

Còn dân ăn nhậu kháo nhau "ăn cá diếc bổ đủ thứ" nên các nhà hàng, quán ăn ở miền Trung có món đặc sản này thường rất đông khách. Cái đặc biệt khi ăn cá diếc là phải thực hiện nghiêm ngặt quy định "thực bất ngôn” - không nói chuyện trong lúc ăn!

Cá diếc ở quán nhậu

Một tô cá diếc từ một đến 3 con tùy loại lớn hay nhỏ, nấu với rau răm và một trái ớt xanh lớn đập dập. Chỉ có vậy. Thức chấm là một đĩa muối tiêu chanh nhỏ. Thực khách gắp từng con cá ra chiếc đĩa để lấy vảy và thịt chấm với muối tiêu. Thường thì chúng tôi hay gọi những con cá diếc lớn và có trứng.

Có lẽ vì trứng cá diếc có vị thơm rất lạ không nhầm lẫn với bất kỳ loại trứng cá nào và rất ngon. Cái khoái của món ăn sành điệu này là sau khi chén xong phần cá, bưng tô nước có cả rau răm và quả ớt xanh đập dập còn đang nóng đưa lên miệng... húp cái rột. Người nghe thấy bạn mình ăn uống thiệt tình; còn người ăn thú vị với cái cay nồng của mùi rau răm và ớt xanh, có khi cay quá làm nước mắt ràn rụa mà vẫn thích.

Ăn cá diếc phải ăn luôn vảy và đầu mới thấy hết vị ngon của nó. Một trong những "nghệ thuật" nấu món cá này là để không bị tróc vảy. Theo tiết lộ mới nhất của một chủ quán tại Đà Nẵng là chỉ nên bỏ cá vào nồi khi nước đã sôi! Người sành ăn cá diếc rất khó bị hóc xương (đây là loại cá xương nhiều và rất sắc). Phải có cách lấy thịt thuận theo chiều của xương, từ sống lưng trở ra.

Người mới ăn, nên bắt chước người sành ăn và nhất là phải thực hiện nghiêm ngặt quy định "thực bất ngôn” - không nói chuyện trong lúc ăn cá diếc! Có lẽ chính chuyện dễ hóc xương này mà trong một bài đồng dao về các loài cá có nói: "...được nhiều diễm phúc là con cá hanh, phản cha hại anh là con cá diếc…".

Lại còn chuyện phải phân biệt cá diếc sông với cá diếc bắt trong các bàu ở miền Trung. Cá diếc sông vảy trắng nhưng thịt không béo bằng cá trong bàu, tuy màu vảy sậm hơn. Chỉ tiếc, bây giờ các bàu, ao đã bị lấp để phân lô nền nhà, nên cá diếc loại này hơi hiếm! Cá diếc ngon nhất là vào thời điểm bắt đầu mưa nhiều ở miền Trung, khoảng tháng 9-10 âm lịch, khi cá băng đồng đi tìm nơi đẻ trứng.

Cá diếc bổ đến đâu?

Một hôm cùng đến quán với một người bạn là Đông y sĩ, anh ấy gọi "cá diếc nấu rau răm". Anh giải thích: "Hai thứ này đều là vị thuốc cả đấy. Trong Đông y, cá diếc là một trong 499 vị "nam dược thần hiệu" gọi là tức ngư, tính hàn, công dụng điều khí hòa trung rất bổ ích, chữa mụn trĩ, đại tiện ra máu, lao, cả bệnh tiểu đường và sưng hòn dái (đối sán)...

Còn rau răm gọi là thủy liễu có tính ấm chữa đau bụng lạnh, vết thương rắn cắn, cước khí sưng chân và chàm ghẻ...".

Món ăn ngon, bổ

Không tiện hỏi thêm trong lúc đông người, hôm sau tôi đến nhà Đông y định tìm hỏi cho ra ngọn ngành. Anh lặng lẽ đưa cho tôi cuốn Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, rồi nói: "Tôi đang có khách đến bắt mạch bốc thuốc, ông muốn biết thì cứ đọc trong đó!".

Tôi phải mượn sách mang về đọc mấy ngày mới lấy ra được mấy "toa thuốc" liên quan đến cá diếc sau đây.

Xin chép lại:

Trị chứng "hòn dái sưng đau do tỳ kinh cảm, tà khí hàn thấp lưu trệ mà sinh bệnh" dùng "cá diếc bỏ ruột, nấu canh với cây thà là, ăn nhiều thì sẽ khỏi hẳn".

Liên quan đến bệnh đái đường, Tuệ Tĩnh gọi là bệnh tiêu khát và trong nhiều bài thuốc vẫn có "cá diếc một con bỏ ruột, lấy lá trà bỏ vào ruột cho đầy, bọc nhiều kới giấy đem nướng chín mà ăn, chỉ độ 3 bốn lần là khỏi".

Liên quan đến bệnh mắt, "sau khi chữa sốt nóng dữ dội rồi ăn đồ cay nóng, mắt mờ tối" thì ăn cá diếc nấu canh thường xuyên thì rất hay! Cá diếc cũng là vị thuốc trị mọi chứng lao tổn do "ăn ở mất chừng mực, ham muốn quá độ. Có lúc vì thất tình, lục dâm mà tổn hại khí huyết...".

Một trong công dụng của tức ngư là chữa các chứng thương thực do người có tạng phủ yếu ớt, "những người giàu sang, an nhàn, tì vị hư lạnh, lười vận động, đồ ăn cũ chưa tiêu đồ ăn mới đã tống vào mới thành chứng tích thực". Để điều trị, lấy "cá diếc to, bỏ ruột, lấy 5, 6 tép tỏi dồn vào bụng cá, ngoài gói vài lớp giấy, nướng chín.

Bỏ tỏi đi, ăn cá. Ngày ăn hai ba lần sẽ ăn lại được nhiều, lại chữa chứng bụng bị tắc nghẽn, ăn không xuống. Phương này công dụng điều hòa được dạ dày, chắc được ruột, không nên khinh thường" (những đoạn trong ngoặc kép là trích nguyên văn bản dịch từ sách của Tuệ Tĩnh). Tôi đem trả lại sách cho bạn và trầm trồ về công dụng thần kỳ của cá diếc. Thấy tôi hớn hở, anh bạn Đông y phải dặn đi dặn lại là ăn cá diếc hay lấy nó làm thuốc phải cẩn thận vì gan nó rất độc, bởi thế nên các phương thuốc có tức ngư đều được dặn là "bỏ ruột" vì trong ruột có gan.

(Theo Thanh niên)

Danh mục bài viết Món ăn & sức khỏe

Đang tải dữ liệu loading