Trẻ nhỏ cần bao nhiêu muối mỗi ngày? Lượng "chuẩn"

Thứ Tư, 30/11/2011 04:47

2,508 xem

0 Bình luận

(0)

2342

Muối là 'đầu mối' của nhiều vấn đề sức khoẻ nhưng không phải mẹ nào cũng biết cách cho trẻ ăn muối đúng cách.

Vai trò của muối đối với sức khoẻ

Natri và Clo, thành phần chủ yếu của muối ăn, là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Nồng độ muối cũng như nhiều nguyên tố hoá học khác được giữ ở mức tương đối cân bằng nhờ vào hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết, tiết niệu và tiêu hoá. Nếu bạn dùng muối iốt còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh bướu cổ, thai chết lưu, đẻ non, tử vong sơ sinh. Với trẻ em, muối iốt giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt.

Hậu quả của thiếu muối

Nếu bị thiếu muối, cơ thể sẽ tự thích ứng bằng cách làm giảm đào thải natri qua nước tiểu và mồ hôi. Cơ thể cũng sẽ có cảm giác thèm ăn mặn hơn nên sẽ sớm có được lượng muối cần thiết trong cơ thể. Thiếu muối nặng thì có thể dẫn tới chuột rút, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê và tử vong. Thiếu muối nặng thường gặp ở những người ra quá nhiều mồ hôi hoặc bị tiêu chảy nặng mà không được bù nước và muối hợp lý. Với trẻ em bị tiêu chảy, cần được bù muối và các chất điện giải bằng các dung dịch như: Oresol, Hydrit… hoặc nước cháo muối tự nấu ở nhà, trường hợp nặng cần được truyền tĩnh mạch theo chỉ định của thầy thuốc.

Thiếu muối hay thừa muối đều có hại cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).

Hậu quả của thừa muối

Muối có nhiều vai trò quan trọng như vậy nhưng ăn quá nhiều muối thì cũng vô cùng tai hại. Thói quen ăn mặn hoặc chế biến mặn các loại thức ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều (quá lượng nước cho phép), tích giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp.

Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác và gây “mệt mỏi” cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Bên cạnh đó là các nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương…

Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng và ung thư đường tiêu hoá. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

Với trẻ em chức năng, thận còn non nớt, bạn không nên cho muối vào thức ăn của trẻ trước khi trẻ một tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt để thận của bé không phải “làm việc” quá tải. Nêm nhiều muối khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi bé lớn. Thói quen này dẫn đến khả năng bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.

- Ở tuổi ăn dặm, các thức ăn hợp với lứa tuổi này đã có chứa 1 lượng muối như bột ngũ cốc, hoa quả, nước hoa quả, thịt, thịt gia cầm, cá, trứng, rau. Do vậy, không cho muối vào thức ăn của trẻ.

- Lượng muối phù hợp với trẻ: Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần ít hơn 1g muối/ngày (lượng muối này có trong sữa mẹ hoặc sữa bột). Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi nhu cầu muối khoảng 1g. Trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 2g.

- Nếu trẻ trên 1 tuổi mà bạn cho ăn những thức ăn có chứa hàm lượng muối cao như phomát, thịt nguội, khoai tây chiên giòn, súp… thì chỉ thỉnh thoảng mới nên cho thêm một chút muối vào thức ăn của trẻ.

Ở trẻ mới ăn dặm, bé hoàn toàn chưa biết phân biệt mặn nhạt là gì. Khẩu vị của bé hoàn toàn phụ thuộc vào người nuôi trẻ. Người Việt chúng ta, các bà mẹ hoặc người nuôi trẻ thường có thói quen nếm thức ăn cho trẻ, và cứ nghĩ rằng trẻ em cũng giống mình, phải vừa miệng thì trẻ ăn mới ngon.

Với những người có thói quen ăn mặn thì vô tình chúng ta đã tập cho trẻ thói quen ăn mặn từ nhỏ, khi đã thành thói quen thì rất khó thay đổi, khi nấu nhạt trẻ sẽ bỏ ăn. Vì vậy, đối với trẻ ở lứa tuổi mới ăn dặm bạn nên cho trẻ ăn nhạt, như vậy sẽ tránh được thói quen ăn mặn sau này, phòng ngừa được các bệnh về tim mạch trong tương lai.

(Theo bác sĩ)

Danh mục bài viết Mẹ và Bé

Đang tải dữ liệu loading