Ẩm thực đêm

Thứ Ba, 13/12/2011 09:33

2,006 xem

0 Bình luận

(0)

4618

Có thể nói, ăn khuya xuất phát từ lối sống đô thị, ổn định về vật chất, người ta có nhu cầu chăm sóc cho cơ thể của mình hơn. Từ những buổi ăn tối bạn bè, chiêu đãi, những cuộc nhậu ê ẩm lúc chiều về, khiến người ta biết cần phải lo hơn cho cái bao tử.

Cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, người ta không còn lo lắng chuyện ăn no mặc ấm mà đang nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp và lao vào "chạy đua" trong phương tiện, hưởng thụ đời sống. Số bữa ăn trong ngày cũng được "tăng suất". Có thể nói, ăn khuya xuất phát từ lối sống đô thị, ổn định về vật chất, người ta có nhu cầu chăm sóc cho cơ thể của mình hơn. Từ những buổi ăn tối bạn bè, chiêu đãi, những cuộc nhậu ê ẩm lúc chiều về, khiến người ta biết cần phải lo hơn cho cái bao tử.

Các kiểu quán khuya

Ăn khuya bồi bổ năng lượng mà theo y học thì đó là cách làm giãn bao tử, một giải pháp tăng cân cho những người "khiêm tốn" về trọng lượng. Ngoài tất cả những lý do chính đáng đó thì nói đơn giản, ăn khuya là một thói quen rất… phố thị. Có khi những thói quen mang trong mình nhiều lý lẽ của nó mà nếu có phân tích cho lắm cũng chẳng đi đến cùng để lý giải đâu. Đêm Sài Gòn, có nhiều con phố không ngủ, những ngõ hẻm nhỏ vàng vọt một ánh đèn khuya thâu đêm, xênh xang hàng quán cháo lòng, phở, hủ tíu… của những chị Hai, má Ba gì đó. Một mái quán quây bạt, một bóng đèn tròn đủ sáng. Vài chiếc bàn nép sát vách tường ngày ngày hun khói xe đen sạm sụa, đêm về làm background phong trần cho quán hàng khuya. Những ông khách, nam thanh nữ tú khuya về tạt qua đó vừa xì xụp húp vừa kể những câu chuyện đẫm mùi sang trọng. Quán khuya truyền thống là đó. Còn nữa, có một loại quán khuya "di động" là những xe hủ tíu bán rong trong phố tự bao đời. Cái nồi di động trên báng xe kia lăn đi theo tiếng "xực tắc xực tắc" đều đều và lời rao nằng nặng thổ ngữ miền Trung. Một tô hủ tíu có thể chỉ hai ngàn, quá lắm là năm ngàn đồng, lại được thưởng thức cái thú lê la cơm đường cháo chợ bình dân. Ăn khuya lúc này đã không còn là nhu cầu cho cái bao tử nữa mà là một cuộc hòa mình vào khoảng lặng thân thương của phố đêm, để trước giấc ngủ, có thể kịp bâng khuâng một nụ cười duyên của cô gái bán hàng rong... Quán hàng rong, mấy bác, mấy anh xe tải chở hàng đêm cũng tấp vào làm một tô cho đỡ buồn ngủ, nói dăm ba câu chuyện vui, ném vài tiếng chửi tục… rồi lại ra đi. Quán lại vắng. Tiếng xực tắc lại vang lên khuya khoắt…

Phát triển cùng nhịp sống phố thị

Gần đây, phố ăn đêm mọc lên ở trước chợ Hòa Hưng, bên chợ Bến Thành, cuối đường Cao Thắng nối dài… đem lại một không khí sang trọng hơn cho khách vãng lai cũng như đáp ứng thú ăn đêm của người bổn phố. Những dãy bàn cao hơn, ngồi thẳng lưng chứ không ngồi chồm hổm như quán vỉa hè. Đèn neon sáng trưng. Tô bún, tô phở gì cũng to hơn, nhiều thực phẩm tinh hơn, sạch sẽ và ngăn nắp hơn. Dĩ nhiên là giá cao hơn. Nó đem lại cái không khí vừa bụi bặm chợ búa vừa đảm bảo vệ sinh an toàn… chỗ ngồi hơn. Khách hàng có khi là những ông Tây bà đầm xì lô, xì la, có khi là giới ca sĩ, diễn viên sau đêm biểu diễn kéo nhau đi ăn khuya, vừa nói vừa hát xôn xao; họ hòa mình vào thế giới bình dân của mấy bác xe ôm, xích lô sau một ngày mệt mỏi ruổi rong. Ở những phố ẩm thực sang trọng này, có khi mải sì soạp húp tô phở tôi còn nghe ra một tiếng xực tắc bồi hồi xa xăm trôi đâu đó bên góc phố hiu hắt… Sài Gòn còn có những phố hàng quán xênh xang chuyên phục vụ món đêm khá lâu đời và nổi tiếng như phố bún bò Trần Cao Vân, phố món ăn Tàu đường Trần Hưng Đạo và quanh Chợ Lớn. Đây là những phố có mặt lâu đời, nó phát sinh đồng thời với nhịp phát triển đời sống ẩm thực đô thị. Đi xem phim rạp ở quận 5, trên đường về khuya khoắt, tôi vẫn thấy những hàng quán mở cửa, không khí vui vẻ. Những ông chủ quán trùng trục mắt híp, mặt nhẫy mỡ, nói năng bỗ bã như trong phim Tàu xưa, những vị thực khách thân thiện tự nhiên, chuyện trò hào sảng. Nhưng chỉ cần tô mì tàu kia thiếu một cọng hành, thừa một chút mặn, họ cũng có thể "khiếu nại" chủ quán ngay. Sành ăn khuya đến vậy là cùng. Người ta vừa ăn há cảo, mì tàu vừa bàn tán xôn xao về chuyện phim ảnh, đời tư nghệ sĩ mà họ quan tâm… Ăn khuya cũng là một không gian giải trí sôi nổi. Trên phố Trần Cao Vân, những đôi trai gái sau cuộc hẹn hò cũng dẫn nhau đi ăn rồi mới về nhà. Đêm khuya, chếnh choáng hơi men sau những cuộc đàn đúm bạn bè, ghé tạt qua đây húp tô bún Huế sặc mùi sả, mới thấy tự tin hơn cho những giấc ngủ dài đượm men … Chuyện ăn khuya ngày nay không còn là xa xỉ hay thói quen của kẻ lắm tiền. Khi tiếng xực tắc kia trôi về tận những ngõ quê nhà, tôi mới hiểu, hình như nó mang theo trong mình cả một bước tiến đô thị chứ không giản đơn là chuyện la cà ngẫu hứng đâu!

(Theo SGTT)

Danh mục bài viết Ẩm thực

Đang tải dữ liệu loading