Đại hồi

Giá trị dinh dưỡng

Cây Đại hồi hay đại hồi hương hoặc bát giác hồi hương hoặc đơn giản chỉ là cây hồi hay tai vị, là một loài cây gia vị có mùi thơm tương tự như cây tiểu hồi, có nguồn gốc ở Trung Quốc và đông bắc Việt Nam. 

Cây nhỡ, cao 5 – 10m, thân mọc thẳng, vỏ mầu nâu xám. Lá mọc so le, đơn nguyên, nhẵn bóng, dày và cứng, lá thường mọc tập trung ở đầu cành trông như mọc vòng, vò có mùi thơm. Hoa đơn độc, mọc ở kẽ lá, màu hồng nhạt. Quả kép gồm 8 đại, xếp thành hình sao, lúc chín có màu nâu. Hạt dẹt, màu vàng bóng. Nó được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Trung Hoa và ở mức độ ít hơn ở vùng Đông Nam Á và Indonesia. Đại hồi là một thành phần của ngũ vị hương truyền thống trong cách nấu ăn của người Trung Quốc. Nó cũng là một thành phần được sử dụng trong nấu nước dùng cho món phở của người Việt Nam.

Công dụng

Dược liệu Đại hồi có tác dụng: dùng trị nôn mửa, ỉa chảy, bụng đầy trướng, đau bụng do lạnh, ăn không tiều, ngộ độc, đau ruột sán khí (đau xuyên bụng dưới lên). Còn dùng trị đái nhiều, đái dầm, ngộ độc thịt cá, trị tay chân nhức mỏi.

Quả: ngâm làm thuốc xoa bóp ngoài da, trị bệnh nấm da và ghẻ. Là thành phần của thuốc ngâm chữa ho, thấp khớp, thuốc chữa đau tai.

Lá Hồi: dùng trị rắn cắn (nhai nuốt nước, lấy bã đắp). 

Tinh dầu Hồi: có tác dụng kích thích, làm dễ tiêu, chống co giật, ức chế sự lên men ruột, gây trung tiện, long đờm và lợi tiểu nhẹ, được dùng chữa đau bụng.

Dùng làm thuốc trừ sâu: thuốc diệt rận, rệp và là thành phần của thuốc bơm trừ sâu bọ cho gia súc. 

Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc đại hồi Cảm hàn, đau bụng thổ tả: dùng Hồi hương tán bột uống mỗi lần 2g với rượu, ngày uống 3,4 lần. Hoặc dùng tinh dầu Hồi uống mỗi lần 4 giọt, ngày uống 3-4 lần.

Chữa hôi miệng: hoa Hồi nhai nuốt, mỗi ngày vài cánh.

Chữa Đau lưng: Hồi (bỏ hạt) tẩm nước muối sao, tán nhỏ, mỗi lần dùng 6-10g với rượu. Ngoài dùng lá Ngải cứu chườm nóng vào lưng. 

Đại hồi còn là một dược liệu quý, được dùng làm hương liệu trong chế biến thực phẩm. Dược liệu Đại hồi đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).

Cách chọn

Bộ phận dùng làm thuốc của cây Hồi là quả đã chín. Thu hái vào hai vụ: Vụ mùa (tháng 7 – 8) và vụ chiêm (tháng 11 – 12)

Bảo quản

Lấy quả chín khi từ màu lục chuyển sang vàng, đem nhúng qua nước sôi, sấy nhẹ cho khô hoặc phơi trong bóng râm cho tới khô. Độ ẩm không quá 13%, tạp chất không quá 1%, tỷ lệ vụn nát không quá 10%.

Khi đã khô, để nơi khô thoáng, bọc kín trong túi nilon hoặc trong lọ có nắp đậy.

Có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Lưu ý khi sử dụng

Dùng làm gia vị: Chỉ cho một vài cánh, không nên cho nhiều quá sẽ bị hắc và ảnh hưởng tới hương vị của đồ ăn.

Người âm hư, hỏa vượng không dùng; dùng liều cao độc với thần kinh.