Dưa hấu

Giá trị dinh dưỡng

Dưa hấu là một loài thực vật trong họ Bầu bí, một loại trái cây có vỏ cứng, chứa nhiều nước, có nguồn gốc từ miền nam châu Phi và là loại quả phổ biến nhất trong họ Bầu bí. Dưa hấu có tính hàn có thể dùng làm thức ăn giải nhiệt trong những ngày hè nóng nực.Dưa hấu rất đa dạng về hình dạng và màu sắc. Hình dạng được xem xét với mặt phẳng cắt ngang từ cuống trái đến đuôi trái dưa. Có các dạng chính sau: dạng thuôn dài, dạng trái oval, dạng trái tròn. Về màu sắc trái ta có màu đỏ, màu hồng, màu vàng, màu cam và cả màu trắng Hạt dưa cũng rất đa dạng về kích cỡ (lớn, trung bình, nhỏ). Màu hạt có màu đen, màu nâu, màu trắng.

Công dụng

Tác dụng tới tim mạch và xương cốt: Chất lycopene trong dưa hấu có vai trò quan trọng giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh. Những người ăn nhiều dưa hấu sẽ có một hệ tuần hoàn có khả năng lưu thông máu hiệu quả hơn nhờ tác dụng giãn mạch của lycopene. Lycopene trong thức ăn còn có tác dụng làm chậm quá trình oxy hóa của các tế bào xương, giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương. Dưa hấu còn chứa hàm lượng kali lớn, có tác dụng giúp cơ thể lưu giữ canxi. Vì vậy những người thường xuyên ăn dưa hấu hoặc các loại thức ăn có chứa lycopene khác sẽ có xương và khớp chắc chắn, khỏe mạnh.

Tiêu giảm mỡ trong cơ thể: Chất citrulline trong dưa hấu đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm sự tích tụ của các tế bào mỡ trong cơ thể. Citrulline là 1 loại axit amin mà khi hấp thụ vào cơ thể sẽ làm giảm hoạt động của các tế bào mỡ, chúng sản sinh ra ít mỡ hơn, ngăn cản sự tích tụ mỡ thừa.

Chống viêm nhiễm và chống oxy hóa: Dưa hấu hàm chứa nhiều các hợp chất phenolic như flavonoid, carotenoid và triterpenoid. Chất carotenoid lycopene trong dưa hấu đặc biệt hiệu quả trong việc phòng chống các loại viêm nhiễm. Còn chất triterpenoid thì hỗ trợ việc chống viêm nhiễm bằng cách ngăn chặn hoạt động của các enzim cyclooxygenase. Khi chọn dưa hấu, nên chọn những quả dưa đã chín tới vì chúng có hàm lượng các hợp chất trên cao hơn.

Lợi tiểu, bổ thận: Dưa hấu là một phương pháp giúp lợi tiểu tự nhiên qua việc gia tăng lượng nước tiểu mà không gây căng thẳng cho thận như các đồ uống có cồn hay café. Dưa hấu còn giúp gan lọc chất acmoniac, giảm gánh nặng cho thận trong quá trình xử lý nước.

Bổ trợ cơ bắp và hệ thần kinh: Lượng kali dồi dào trong dưa hấu có tác dụng kích thích hoạt động của hệ cơ và hệ thần kinh trong cơ thể. Kali có vai trò quyết định cường độ và tần suất của hoạt động co giãn cơ, đồng thời có tác dụng điều khiển mức độ kích thích của hệ thần kinh trong cơ thể.

Tăng cường sự hình thành kiềm: Dưa hấu đã chín tới còn có tác dụng giúp cơ thể sản sinh ra nhiều kiềm. Ăn nhiều đồ ăn có tính kích thích sự hình thành của kiềm như dưa hấu và các loại rau quả chín khác sẽ làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do ăn đồ ăn chứa nhiều axit như trứng, thịt, các thực phẩm từ sữa…

Tăng cường thị lực: Dưa hấu là một nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời cho cơ thể. Vitamin A giúp sản sinh ra các sắc tố trong nhãn cầu và bảo vệ mắt khỏi các yếu tố gây lão hóa. Vitamin A còn có một loạt các tác dụng khác như giúp chống quáng gà, làm đẹp da, răng và các mô mềm.

Miễn dịch, hồi phục vết thương và bảo vệ tế bào: Hàm lượng vitamin C trong dưa hấu rất cao, có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách duy trì sự oxy hóa khử toàn vẹn của tế bào, giúp bảo vệ chúng khỏi các hoạt chất oxy hóa khác gây tổn thương tế bào. Nhiều nghiên cứu khoa học còn khẳng định vai trò của vitamin C trong quá trình hồi phục vết thương, rằng vitamin C là thiết yếu cho việc hình thành nên các mô kết nối.

Cách chọn

Xem hình quả dưa: Quả dưa hình tròn đều, đầu đuôi tương xứng là quả dưa ngon, độ chín cao; quả dưa đầu to đuôi nhỏ, còn gọi là dưa hồ lô là không ngon, thường chưa chín đều

Xem chấm hoa: Dưa chín chấm hoa rõ, màu sắc tươi sáng bóng

Xem rốn quả dưa: Phần rốn quả dưa lõm sâu là dưa ngon.

Tay sờ dưa: Tay sờ vào quả dưa có cảm giác trơn bóng, không có vết lồi lõm, xù xì, không có lông nhung nhỏ là quả dưa có độ chín cao. Tay có cảm giác da quá mềm là dưa chưa chín hoặc dưa quá chín

Tay vỗ vào quả dưa: Dùng tay vỗ nhẹ vào quả dưa, nếu phát tiếng "bịch bịch bịch" là quả dưa chín, nếu phát ra tiếng đanh, nói chung là dưa chưa chín, nếu phát ra tiếng "bục bục bục" là quả dưa quá già

Nhấc quả dưa: Dưa chín tương đối nhẹ, dưa chưa chín thì nặng. Nhấc hai quả dưa lớn như nhau, quả nào nhẹ là quả chín, quả nặng là chưa chín.

Bảo quản

Pha nước muối nồng độ 15% sau đó cho dưa hấu vào ngâm nửa giờ sau lấy ra lau khô vỏ dưa. Nước muối sẽ làm cho dung dịch nước muối thẩm thấu vào vỏ dưa, hình thành một lớp phòng chống rữa nát, bảo vệ cho dưa tươi. Cho dưa hấu vào túi màng polyethylene bảo quản ở nơi mát. Sau một tháng lấy ra bề mặt da vẫn tươi, mùi vị vẫn thơm ngon. Đấy mới là cách bảo quản dưa hấu đúng cách nhất.

Lưu ý khi sử dụng

Bệnh suy thận: Đối với những người bị suy thận, chức năng của thận giảm đi rất nhiều, vì vậy họ thường bị phù ở chân tay hơn so với cơ thể. Nếu những bệnh nhân này ăn dưa hấu quá nhiều, cơ thể sẽ thừa quá nhiều nước mà không thể thải ra ngoài kịp thời. Lượng nước dư thừa sẽ được lưu trữ trong cơ thể, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng phù nề, thậm chí gây suy tim cấp tính. Do vậy, bệnh nhân suy thận nên ăn ít hoặc không ăn dưa hấu.

Bệnh tiểu đường: Dưa hấu có chứa khoảng 5% carbohydrates, hầu hết trong số đó là sucrose, glucose và fructose. Ăn dưa hấu sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng. Nếu người bệnh tiểu đường ăn quá nhiều dưa hấu không chỉ làm tăng lượng đường trong máu mà còn có thể dẫn đến nhiễm axit do rối loạn chuyển hóa, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân dạ dày: Dưa hấu có tác dụng lợi tiểu, nếu ăn nhiều dưa hấu có thể làm cho toàn bộ phần nước cần thiết để phục hồi chỗ viêm loét bị đào thải ra ngoài, tình trạng bệnh thêm kéo dài.

Bệnh loét miệng: Dưa hấu lợi tiểu. Do đó, nếu bệnh nhân loét miệng ăn dưa hấu quá nhiều, nó có đẩy rất nhiều nước ra khỏi cơ thể, trong khi nước này là cần thiết cho sự phục hồi của loét miệng. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh .