Gia vị

Giá trị dinh dưỡng

Gia vị, theo định nghĩa của các nhà khoa học và sinh học, là những loại thực phẩm, rau thơm (thường có tinh dầu) hoặc các hợp chất hóa học cho thêm vào món ăn, có thể tạo những kích thích tích cực nhất định lên cơ quan vị giác, khứu giác và thị giác đối với người ẩm thực. Gia vị làm cho thức ăn có cảm giác ngon hơn, kích thích hệ thống tiêu hóa của người ăn khiến thực phẩm dễ tiêu hóa, đồng thời có thể chế hóa theo những nguyên lý tương sinh, âm dương phối triển đối với các loại thực phẩm đặc biệt.

Có nhiều loại gia vị như: các loại mắm, muối ăn (tạo vị mặn), ớt, hạt tiêu (tạo vị cay và mùi đặc trưng), các loại rau thơm (rau húng, rau răm, hành, tỏi... được ăn kèm hoặc cho vào thực phẩm khi chế biến) v.v. và việc sử dụng gia vị thích hợp cho món ăn luôn phản ánh sự khéo léo, sự tinh tế như một nghệ thuật ẩm thực đối với người đầu bếp.

 

Công dụng

Các loại gia vị rất quan trọng để nêm nếm, định vị món ăn hiệu quả và làm gia tăng hương vị, kích thích tiêu hóa, làm cho màu sắc món ăn sinh động, tươi ngon, hấp dẫn người thưởng thức.

Một số loại gia vị thậm chí còn được sử dụng với mục đích chế hóa món ăn theo những nguyên lý tương sinh, tương khắc (như các món ăn dễ gây lạnh bụng đi kèm gia vị cay nóng).

Việc phối trộn gia vị (liều lượng, tỷ lệ, loại gia vị) gắn với kinh nghiệm ẩm thực của người nội trợ, thường không có một công thức chung cho tất cả các món ăn tuy có một số món ăn thường không thể thiếu loại gia vị nào đó (như thịt chó đi kèm với mắm tôm, riềng; canh cá nấu thì là; thịt gà luộc chấm muối ớt vắt chanh và có chút lá chanh thái chỉ, trứng vịt lộn ăn kèm gừng thái chỉ và rau răm v.v.).

Cách chọn

Tùy vào từng món ăn mà chúng ta chọn các loại gia vị tương ứng, thích hợp.

Quan trọng nhất là chọn gia vị hợp vệ sinh, an toàn với sức khỏe và có giá trị dinh dưỡng cao.

Bảo quản

Cũng như cách chọn, bảo quản gia vị cũng là cả một nghệ thuật. Tùy từng loại gia vị mà ta bảo quản theo các cách khác nhau:

Gia vị tươi: nên bảo quản nơi thoáng mát và ngăn mát tủ lạnh.

Gia vị khô: nên cho vào lọ, đậy nắp kín, thỉnh thoảng lại mang phơi lại.

Gia vị lên men: giấm, giấm bỗng...nên bảo quản ở chai lọ thủy tinh và đậy kín nắp.

Gia vị là các loại củ: củ giềng, củ sả, củ gừng...nên để nơi thoáng mát.

Lưu ý khi sử dụng

Gia vị chỉ là nguyên liệu làm cho món ăn thêm phong phú, vì vậy ta không nên cho quá ít hay quá nhiều mà nên cho lượng vừa đủ.

Các loại gia vị được nêm nếm, tẩm ướp trong món ăn cần phù hợp với thực phẩm, tránh gây ngộ độc và làm thay đổi hương vị của món ăn đó.