Hoa thiên lý

Giá trị dinh dưỡng

Thiên lý có tên khoa học Telosma cordata (Burm. F) Merr, là dây leo quấn, thường trồng leo lên giàn, cành non có lông mịn, mủ trắng, lá có phiến hình tim, hoa ăn được, thuộc họ thiên lý (Asclepiadaceae). Trong thiên nhiên, thiên lý mọc ở các cánh rừng thưa, nhiều cây bụi. Tuy nhiên, nó được gieo trồng ở nhiều nơi như Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây), Ấn Độ (Kashmir), Myanma, Pakistan, Việt Nam; châu Âu, Bắc và Nam Mỹ.

Cây hoa Thiên lý sinh trưởng mạnh vào mùa Xuân hoặc mùa Thu khi nhiệt độ vào khoảng 20-35 độ C. Cây thích hợp trồng những nơi có nhiều ánh sáng và thoáng gió. Đặc biệt, cây hoa Thiên lý có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng phải đảm bảo độ ẩm vừa phải. Nếu bị khô hạn lâu ngày cây sẽ chậm phát triển và không ra hoa.

Hoa thiên lý có màu vàng lục nhạt, mùi thơm dễ chịu, chứa tinh dầu, mọc thành chùm ở nách lá.


 

Công dụng

Chữa chứng vô sinh của nam giới: sự có mặt của chất kẽm trong hoa thiên lý có thể đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam giới do nhiễm chì bởi thường xuyên tiếp xúc với vật liệu chứa chì như ắc quy, công nhân in, xăng pha chì, các động cơ có chì...
 

Ngoài ra hoa thiên lý còn tác dụng trợ dương cho nam giới rất tốt. Chính vì vậy mà ông bà ta có câu ca dao: “Thương chồng nấu cháo le le, nấu canh thiên lý, nấu chè hạt sen…”.

Chữa trĩ ngoại: Lá thiên lý (chọn lá non và bánh tẻ) 100 g, muối ăn 5 g. Lá thiên lý rửa sạch, giã nhỏ với muối, thêm chừng 30 ml nước cất, lọc qua vải gạc. Dùng nước này tẩm vào bông, đắp lên chỗ lòi dom (sau khi đã rửa sạch bằng thuốc tím); sau đó băng lại như đóng khố. Ngày làm 1-2 lần, thường sau 3-4 ngày thì khỏi.

Chữa chứng mất ngủ: Lấy 30 g hoa thiên lý, 10 g hoa nhài, 15 g tâm sen. Các vị trên sắc kỹ lấy nước uống trong ngày. Dùng 3-5 ngày.

Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt: Hoa thiên lý, bạch cúc mỗi vị 10 g; lá đinh lăng, rau má mỗi vị 8 g; ngải cứu 12 g rửa sạch, sắc uống ngày một thang, chia làm ba lần/ngày. Dùng liền năm ngày.

Chữa chứng đau người, nhức xương: Hoa thiên lý xào thịt bò hoặc luộc chấm muối vừng ăn hằng ngày.

Phòng rôm sảy mùa hè: Trẻ nhỏ và người lớn ăn canh hoa thiên lý, lá thiên lý non; còn trẻ ăn dặm có thể nghiền lá non và hoa thiên lý, quấy bột, cháo cho trẻ rất tốt, rất mát.

Trị giun kim: Dùng 20 g hoa thiên lý nấu canh ăn liên tục một tuần, cho kết quả rất tốt (theo kinh nghiệm dân gian).

Những món ăn - bài thuốc từ hoa thiên lý

Canh giò sống hoa thiên lí: Đây là một thức ăn ngon và bổ, rất thích hợp trong những bữa cơm mùa hè của chúng ta. Cách chế biến cũng đơn giản, tốt nhất là nấu với nước xương hầm khi nước sôi cho giò sống vào, đợi giò nổi lên là chín, cho tiếp hoa thiên lí, rồi cho gia vị (mắm, muối, hạt tiêu…) đủ dùng.

Canh này ăn ngon ngọt, giầu chất dinh dưỡng, có mùi thơm hoa thiên lí rất quyến rũ, đồng thời được coi là một bài thuốc mát, giải nhiệt, tẩy giun kim thông dụng.

Canh cua hoa thiên lí: Cách làm cua và nấu cũng giống các loại canh cua khác, chỉ thay các loại rau thông thường bằng hoa thiên lí. Đun canh cua sôi, rồi thả hoa thiên lí vào, đun sôi lại, cho gia vị đủ dùng.

Cách chọn

Hoa thiên bắt đầu cho thu hoạch sau 3 tháng trồng. Nên ngắt hái chùm hoa và lá non vào buổi sáng. Nếu chăm sóc tốt thì cây thiên lý ra lá non và hoa mới và cho thu hoạch liên tục trong mỗi tháng.

Không nên chọn hoa quá non vì bông sẽ cứng và không có mùi thơm, nên chọn chùm hoa vừa chúm chím.

Không nên chọn chùm hoa quá già vì cọng sẽ cứng và khi rửa hoa sẽ rơi hết ra nước.

Bảo quản

Nên để hoa sau khi thu hoạch ở nơi thoáng mát nếu dùng ngay trong ngày.

Muốn bảo quản lâu hơn, đựng vào túi nilon vệ sinh, buộc chặt và cho vào ngăn mát tủ lạnh.

Lưu ý khi sử dụng

Do trong thiên lý chứa kẽm nên khi sử dụng không xào nấu cùng với các thức ăn giàu chất sắt như gan, thịt lợn nạc, rau muống… vì chất sắt có trong các loại thực phẩm này sẽ đẩy kẽm ra khỏi cơ thể.