Khoai lang

Giá trị dinh dưỡng

Khoai lang (danh pháp hai phần: Ipomoea batatas) là một loài cây nông nghiệp thân thảo dạng dây leo sống lâu năm, có các lá mọc so le hình tim hay xẻ thùy chân vịt, các hoa có tràng hợp và kích thước trung bình, các rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, được gọi là củ khoai lang và nó là một nguồn cung cấp rau ăn củ quan trọng, được sử dụng trong vai trò của cả rau lẫn lương thực. Các lá non và thân non cũng được sử dụng như một loại rau. Củ khoai lang có hình dạng tròn hoặc dài, kích thước lớn. Có rất nhiều loại khoai lang khác nhau như: khoai lang trắng, khoai lang tím, khoai lang đỏ, khoai lang vàng..

Khoai lang không chịu được sương giá. Nó phát triển tốt nhất ở nhiệt độ trung bình khoảng 24 °C (75 °F). Phụ thuộc vào giống cây trồng và các điều kiện khác, các rễ củ sẽ phát triển đầy đủ trong vòng từ 2 đến 9 tháng. Với sự chăm sóc cẩn thận, các giống ngắn ngày có thể trồng như cây một năm để cho thu hoạch vào mùa hè tại các khu vực có khí hậu ôn đới, như miền bắc Hoa Kỳ. Khoai lang ít khi ra hoa nếu khoảng thời gian ban ngày vượt quá 11 giờ. Chúng được nhân giống chủ yếu bằng các đoạn thân (dây khoai lang) hay rễ hoặc bằng các rễ bất định mọc ra từ các rễ củ trong khi lưu giữ bảo quản. Các hạt hầu như chỉ dành cho mục đích gây giống mà thôi.

Công dụng

Mặc dù lá và thân non cũng ăn được, nhưng các rễ củ nhiều tinh bột mới là sản phẩm chính và quan trọng nhất từ khoai lang. Trong một số quốc gia khu vực nhiệt đới, nó là loại lương thực chủ yếu. Cùng với tinh bột, củ khoai lang cũng chứa nhiều xơ tiêu hóa, vitamin A, vitamin C và vitamin B6. Tất cả các giống đều cho củ có vị ngọt, dù nhiều hay ít. Mặc dù có vị ngọt, nhưng khoai lang trên thực tế là thức ăn tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường do các nghiên cứu sơ bộ trên động vật cho thấy nó hỗ trợ cho sự ổn định nồng độ đường trong máu và làm giảm sức kháng insulin.

Củ khoai lang giàu chất mucoprotein, vitamin C, vitamin A. Ăn khoai lang có tác dụng làm giảm cholesterol, giảm tích mỡ dưới da, lợi cho hô hấp.

Được dùng chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ.

Chống lão hóa: Khoai lang có chứa nhiều chất chống lão hóa, tăng độ đàn hồi cho da rất hiệu quả.

Giảm cân: Không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoai lang còn có tác dụng giảm cân hiệu quả. Ăn khoai lang sẽ giúp bạn có một thân hình không béo phì. Tuy vậy, khoai lang lại có chứa lượng chất xơ cao gấp đôi so với các loại khoai khác nên rất hữu hiệu trong việc giảm cân, chống táo bón.

Làm đẹp da: Nước ép từ khoai lang cũng có thể làm sáng da.

Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất, giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ. Chất xơ của khoai là loại Pectin có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, tăng thải cholesterol, chống táo bón...

Lá rau lang tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc. Lá được dùng để diều trị bệnh đái tháo đường, sổ giun móc, điều trị áp xe và cầm máu.


 

Cách chọn

Chọn những củ khoai cứng, vỏ láng mịn. Tránh những củ khoai sứt sẹo và có chỗ nhũn.

Bảo quản

Nên để khoai ở nơi mát, thông thoáng.

Lưu ý không để khoai lang trong tủ lạnh vì phần lõi củ khoai sẽ sượng.

Có thể vùi khoai lang trong cát để bảo quản.

Lưu ý khi sử dụng

Không nên ăn khoai lang cùng quả hồng vì lượng đường trong khoai lang sẽ lên men trong dạ dày, từ đó làm tăng việc tiết axit dịch vị. Các men axit này kết hợp với chất tannin có trong quả hồng gây ra phản ứng tạo chất kết tủa, gây hại cho dạ dày. Lâu ngày có thể dẫn tới chảy máu hoặc viêm loét dạ dày.

Kiêng kỵ với các trường hợp: tiêu chảy, viêm dạ dày đa toan, đường huyết thấp.

Để có tác dụng bổ dưỡng: nên ăn khoai vỏ đỏ, ruột vàng.

 Để giải cảm và chữa táo bón: phải dùng khoai vỏ trắng, ruột trắng.

Nên ăn kèm đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất.

Không nên ăn nhiều: trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng.

Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.

Bảo vệ vỏ không bị trầy xước: vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó phải bảo vệ phần vỏ không bị sây sát, không gọt vỏ nếu không cần thiết. Vỏ còn giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ (đã rửa sạch).

Phải bỏ hết khoai hà (sùng), khoai đã có mầm và vỏ xanh chứa chất độc.

Thời điểm ăn khoai lang tốt nhất: Bữa trưa là thời điểm lý tưởng để lựa chọn món khoai lang cho mình. Vì hàm lượng can-xi trong khoai lang sau khi vào cơ thể cần tới 4-5h mới được cơ thể hấp thụ hết. Mặt khác, ánh sáng mặt trời buổi chiều rất tốt cho sự thúc đẩy sự hấp thụ can-xi của cơ thể. Khi cơ thể hấp thụ hết lượng can-xi cần thiết cũng là lúc cảm thấy hào hứng với bữa tối.