Khoai tây

Giá trị dinh dưỡng

Khoai tây, thuộc họ Cà. Khoai tây là loài cây nông nghiệp ngắn ngày, trồng lấy củ chứa tinh bột. Chúng là loại cây trồng lấy củ rộng rãi nhất thế giới và là loại cây trồng phổ biến thứ tư về mặt sản lượng tươi - xếp sau lúa, lúa mì và ngô.

 

 

Công dụng

Khoai tây là thực phẩm nhiều dinh dưỡng, góp phần chữa nhiều bệnh và làm đẹp, với những thành phần dưới đây:

Kali: Khoai tây với lớp vỏ còn nguyên là nguồn cung cấp kali tuyệt vời, rất tốt cho tim mạch. Chỉ một củ khoai có thể cung cấp khoảng 18% lượng kali mỗi ngày.

Vitamin C: Vitamin này trong khoai tây cực kỳ cao, nó là chất chống oxy hóa hiệu nghiệm giúp ổn định các phân tử tự do, có thể giảm sự tổn thương của tế bào. Vitamin C sản xuất collagen giúp kết nối các mô xương với nhau.

Chất xơ: Một củ khoai tây trung bình (148g) nguyên vỏ có chứa 2g chất xơ hoặc 8% nhu cầu được khuyến nghị hàng ngày. Tiêu thụ chất xơ và nước vừa đủ có thể làm tăng cảm giác no giữa các bữa ăn.

Chất chống ô xy hóa: Khoai tây chứa glutathione nhiều nhất so với các loại rau củ khác – là chất chống oxy hóa có thể giúp chống lại một vài bệnh ung thư. Trong một nghiên cứu so sánh tổng quát tác động chống oxy hóa của khoai tây, ớt chuông, cà rốt, hành tây và bông cải xanh, khoai tây chỉ đúng thứ hai sau bông cải xanh.

Carbonhydrate: Thức ăn chứa carbonhydrate phức hợp là nguồn năng lượng chính cho cơ thể.

Ngoài ra, khoai tây còn có khả năng làm tăng sức đề kháng, giảm stress, làm chậm quá trình lão hóa, chữa đau dạ dày, chống ung thư.

Cách chọn

Chọn củ chắc, nhẵn nhụi, có một vài "mắt". Dù là loại khoai tây nào, bạn hãy chọn củ nặng tay, không sứt sẹo và không có những chỗ bị dập nhũn.

Không chọn những củ có những đốm màu xanh bởi ăn vào sẽ đắng và có thể bị ngộ độc nếu dùng lượng lớn.

Bảo quản

Không nên đựng khoai tây trong hộp nhựa mà để trong túi giấy. Nếu được giữ ở nơi tối, thoáng mát, khoai tây có thể "tươi" ít nhất 2 tuần.

Bạn không nên cất khoai trong tủ lạnh vì có thể làm thay đổi mùi vị và độ ngon của nó.

Không để khoai gần các củ hành tây vì dễ làm khoai tây mọc mầm gây độc tố.

Lưu ý khi sử dụng

Nếu ăn khoai tây sai cách, rất có thể bạn sẽ gặp những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Về điều này, có lẽ còn rất ít người biết đến.
 

1. Chế biến khoai tây cả vỏ: Thực ra, để cả vỏ hay gọt vỏ khoai tây khi chế biến còn có nhiều tranh cãi. Thói quen nấu nướng của người châu Âu đôi lúc gợi ý người đầu bếp để cả vỏ khoai tây để nướng, luộc, một số tài liệu cũng cho rằng vỏ khoai tây có lợi cho sức khỏe.
 

Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trong vỏ khoai tây có chứa nhiều muối glycoside. Loại muối này có hại cho cơ thể, nếu ăn nhiều sẽ bị ngộ độc. Ngoài ra dù cho khoai tây luộc chín, bóc bỏ vỏ khoai, cũng vẫn có thể có hiện tượng ngộ độc, vì trong quá trình đun nấu, vẫn có một bộ phận muối glycoside ngấm vào khoai. Vì vậy, cần gọt vỏ khoai tây trước khi chế biến.

Thêm nữa, nếu khoai tây mọc mầm hoặc lên vỏ màu xanh, những bộ phận này có chứa một chất hóa học tên là alkaloid. Đây là thủ phạm gây ra các triệu chứng khó chịu như nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút, co giật, ảo giác, đau đầu, nhịp tim bất thường, các vấn đề hô hấp và thậm chí tử vong…Nếu bạn ăn khoai tây không gọt vỏ khi chế biến, bạn sẽ gặp nguy hiểm vì phải hấp thụ chất hóa học này nhiều hơn.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, khoai tây là củ nên ít có thuốc bảo vệ thực vật hơn rau ăn lá. Tuy nhiên, khoai tây tiếp xúc thường xuyên với đất, lớp biểu bì trực tiếp hút chất dinh dưỡng và không loại trừ cả những chất độc hại trong đất nếu có.

2. Ăn quá nhiều khoai tây: Nhiều người cho rằng khoai tây không có chất béo, ít calo và là thực phẩm lý tưởng để giảm béo nên ra sức ăn khoai tây thay cho các loại tinh bột khác. Tuy nhiên, họ không nhìn ra mối liên quan giữa việc ăn nhiều khoai tây với nguy cơ bệnh tật.

Nghiên cứu gần đây nhất của các nhà khoa học của Trường Y Harvard (Mỹ) và Bệnh viện phụ nữ Birmingham (Anh) dựa trên 187.000 người tham gia trong vòng 20 năm về khẩu phần ăn khoai tây hàng ngày đã cho thấy 1 sự thật: ăn nhiều khoai tây làm tăng nguy cơ cao huyết áp.

Cụ thể nghiên cứu cho thấy ăn khoai tây 4 lần/ tuần làm tăng nguy cơ cao huyết áp (tăng huyết áp) lên tới 11%. Với những người thường ăn khoai tây chiên đóng gói, nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 17%.

Nguyên nhân là do khoai tây có chỉ số GI (Glycaemic index) khiến năng lượng được giải phóng nhanh vì thế làm tăng đường huyết nhanh, và dẫn tới tăng huyết áp.

3. Ăn nhiều khoai tây dạng chiên, rán: Rất ít người biết rằng, trong khoai tây có chứa 1 loại chất độc, đó là chất acrylamide - một loại chất có khả năng gây ung thư và làm tổn thương hệ thần kinh nếu tiếp xúc thường xuyên với liều lượng lớn.

Chất này có trong một số loại thực phẩm chứa tinh bột, khi bị làm nóng ở nhiệt độ cao asparagine (một loại axit amin) và đường tự nhiên trong thực phẩm sẽ phản ứng với nhau để tạo thành acrylamide.

Đứng đầu danh sách thực phẩm có hàm lượng độc chất acrylamide cao nhất chính là khoai tây chiên, kể cả loại chế biến sẵn bán ở nhà hàng, siêu thị và loại tự chế biến ở gia đình.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) đều coi sự có mặt của chất độc này trong thực phẩm là mối lo ngại nghiêm trọng.

Trang cancer.gov giải thích rằng: 'Các nghiên cứu trên mô hình động vật gặm nhấm đã tìm thấy tiếp xúc với acrylamide có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư'.

Ở người, tuy còn cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ cơ chế tác động của acrylamide và hậu quả có nó, song bước đầu, các nhà khoa học cũng đã khẳng định có sự liên quan giữa chế độ ăn uống nhiều acrylamide với nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tế bào thận.

Chính vì thế, để phòng tránh loại chất độc này có thể gây hại cho cơ thể, điều bạn nên làm là hạn chế tối đa ăn khoai tây theo các cách chiên, rán ở nhiệt độ cao.