Lá bạc hà

Giá trị dinh dưỡng

Bạc hà là một loại cây thuộc họ Lamiaceae. Đây là một loại cây thân thảo sống lâu năm, toàn cây có mùi thơm hắc vì có chứa tinh dầu menthol. Nó là một loại cây lai không sinh sản, tạp giao giữa húng thơm (Mentha aquatica) và bạc hà lục (Mentha spicata). Cây này thường mọc hoang trong tự nhiên với các loài cây bố mẹ của chúng ở Trung và Nam châu Âu. Cây này lan tỏa bằng rễ do nó không sinh sản bằng hạt.

Công dụng

Bạc hà tươi là gia vị không thể thiếu trong một số món ăn, còn trong chế biến thực phẩm, hương vị của bạc hà cũng không thể thiếu để chế biến các món như: kẹo cao su, kẹo hoặc trà, hoặc được sử dụng để làm gia vị.

Trị ho, cảm mạo: Bạc hà có chứa khá nhiều các hoạt chất như canxi, vitamin B và kali, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Khi bị nhức đầu, ho, cảm mạo bạn chỉ cần lấy 6g lá bạc hà cùng với 6g kinh giới, 6g hành hoa, 5g phòng phong, 4g bạch chỉ đem hãm với nước sôi trong vòng 20 phút, uống khi còn nóng. Sau đó đắp chăn và nằm nghỉ ngơi sẽ thấy đỡ hơn rất nhiều.

Làm sạch đường hô hấp: Nhờ chứa nhiều hợp chất chống viêm rosmarinic acid, bạn chỉ cần lấy 1 vài giọt tinh dầu bạc hà (có thể thay bằng lá bạc hà tươi) pha với nước sôi xông hơi trực tiếp sẽ giúp làm sạch xoang mũi bị tắc và chống nhiễm trùng. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu và chứng minh bạc hà giúp điều trị hen suyễn và các chứng dị ứng do nhiễm trùng nấm.

Giảm hôi miệng: Hôi miệng là một trong những triệu chứng phổ biến thường gặp ở nhiều người, khiến bạn cảm thấy mất tự tin và ngại giao tiếp. Để khắc phục tình trạng này bạn nên nhai trực tiếp vài nhánh bạc hà hoặc uống 1 ly trà bạc hà sau khi ăn hoặc khi cảm thấy hơi thở bắt đầu có mùi.

Giúp giảm cân: Từ lâu, lá bạc hà đã trở thành một trong những nguyên liệu giúp giảm cân, làm đẹp khá dễ tìm, được nhiều chị em phụ nữ tin dùng. Nhờ có tác dụng hấp thu nhanh các chất dinh dưỡng, kích thích hệ tiêu hóa và hoạt động trao đổi chất lá bạc hà sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành mục tiêu giảm cân của mình.

Trị ngứa da: Tinh dầu bạc hà và menthol bôi tại chỗ gây cảm giác mát và tê, đồng thời có tác dụng sát khuẩn nên thường được dùng trong một số trường hợp đau dây thần kinh và ngứa trong một số bệnh ngoài da.

Lưu ý khi sử dụng

Những chú ý khi sử dụng lá bạc hà:

Trào ngược axit dạ dày: Những người bị trào ngược dạ dày có thể thấy những triệu chứng này tăng cao khi uống trà bạc hà, bởi loại trà này làm dịu các cơ dạ dày. Điều này có thể khiến cho axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, làm tăng các triệu chứng của bệnh.

Chú ý khi sử dụng với phụ nữ có thai: Những người có tiền sử sảy thai cần thận trọng và tránh uống trà bạc hà khi đang muốn có thai hoặc đang mang thai. Những người đang cho con bú cũng nên tránh uống trà này vì nó có thể gây hại cho trẻ sơ sinh.

Tương tác với thuốc khác: Nếu bạn đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn định uống trà bạc hà thường xuyên. Nếu bạn dị ứng với bất kỳ loại tinh dầu bạc hà nào, bạn nên tránh uống loại trà này. Bạn cũng nên tránh uống trà bạc hà nếu bị hen suyễn vì nó có thể khiến các triệu chứng của bạn trầm trọng hơn.

Hậu quả khi sử dụng quá liều: Bất cứ loại thảo dược nào khi sử dụng quá liều đều có thể có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn, và bạc hà cũng vậy. Nếu bạn sử dụng một lượng quá nhiều bạc hà, nó có thể gây ra chuột rút, tiêu chảy, buồn ngủ, đau cơ, nhịp tim chậm và run rẩy. Quá liều bạc hà thường hiếm xảy ra, nhưng để ngăn chặn trường hợp này, bạn nên cẩn thận khi làm trà bạc hà. Kiểm tra lượng lá được sử dụng trong mỗi tách trà để xác định liều lượng bạn sử dụng vẫn trong giới hạn. Lý tưởng nhất, một tách trà bạc hà nên có khoảng 1 gram hay 1 muỗng lá trà bạc hà, sử dụng cho khoảng 150ml nước sôi. Bạn không nên uống nhiều hơn 2 đến 3 tách trà bạc hà mỗi ngày để tránh tác dụng phụ.