Nước mắm

Giá trị dinh dưỡng

Nước mắm là nước rỉ từ cá, tôm, hay một số động vật khác được ướp muối lâu ngày. Loại gia vị này được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực ở một số quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Trên phương diện khoa học, mắm là hỗn hợp của muối và các axit amin được chuyển hóa từ protein có trong thịt cá. Qua quá trình thủy phân dưới tác nhân là hệ enzyme có sẵn trong ruột cá cùng với một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn tạo nên gia vị này. Nước mắm có thể làm từ cá sống, cá khô; hoặc các loại sò hến, tôm, cua hoặc trái cây. Mỗi loại có hương vị và mùi đặc trưng riêng.

Công dụng

Nước mắm và ý nghĩa trong ẩm thực

Chỉ với một chai mắm nguyên chất, các chị em nội trợ có thể “hô biến” các món ăn trở nên hấp dẫn.

Nước mắm giúp món ăn đậm đà hương vị hơn: Cũng giống như muối, mắm có độ mặn vừa đủ, giúp món ăn thêm đậm đà và mang hương vị đặc trưng.

Mẹo nhỏ với nước mắm giúp món ăn đặc sắc: Ngoài việc sử dụng để tẩm, ướp cho món ăn, mắm còn được dùng để pha chế đồ uống. Nhiều chuyên gia pha chế “rỉ tai” nhau rằng, chỉ với một chút mắm cốt tinh khiết sẽ khiến ly cà phê thêm dậy mùi và đậm đà. Hay nhiều đầu bếp nổi tiếng ở Italia thường rắc thêm một chút mắm lên pizza trước khi nướng. Điều này sẽ giúp chiếc bánh “cất lên tiếng nói hương vị”. Một số mẹo “nhỏ nhưng có võ” này không phải ai cũng biết.

Dùng nước mắm để loại bỏ tạp mùi cho đồ ăn: Nước mắm là một “trợ thủ” đắc lực giúp tẩy mùi hiệu quả. Các bà nội trợ thường sử dụng hỗn hợp mắm cốt với nước ấm để làm sạch và khử mùi lòng non, dạ dày heo, lòng gà,… Hỗn hợp này không những giúp loại bỏ chất nhờn mà còn giúp giữ vị ngon tự nhiên của thực phẩm.

Nước mắm có tác dụng như thế nào với sức khoẻ?

Không chỉ là đặc thù văn minh của nền ẩm thực Việt Nam, nước nắm còn là một vị thuốc quý, tốt cho sức khỏe. Vậy, uống nước mắm có tác dụng gì đối với sức khỏe? Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định, trong mắm có hơn 13 type acid amin. Đặc biệt là các acid amin thiết yếu, không thể thay thế như: valin, methionine, pheylalanin, alanine, isoleucin và quan trọng là lysine. Lysine là vi chất rất cần thiết, tuy nhiên cơ thể lại không thể tự tổng hợp. Nếu thiếu hụt chất này, trẻ sẽ bị chậm lớn, biếng ăn, thiếu men tiêu hóa và nội tiết tố.

Nước mắm và công dụng phòng và hỗ trợ trị bệnh

Nước mắm trong y học cổ truyền có tác dụng bổ huyết, thông huyết mạch, lợi niệu và nhuận tràng, bổ can thận. Nếu dùng làm gia vị sẽ giúp khai vị, trợ tiêu hóa… Nước mắm có tác dụng giữ ấm cơ thể, giảm nguy cơ cảm lạnh cho những người thợ lặn và đoàn thám hiểm. Tùy theo độ đạm mà uống ít hay nhiều. Độ đạm càng cao thì càng thích hợp cho việc giữ ấm, độ đạm càng thấp thì càng phải dùng lượng nhiều hơn. Những bà mẹ mới sinh cũng hay ăn thịt, cá kho mắm để chắc da, chắc thịt: “Ăn cơm với mắm, thắm đỏ thịt da”. Ở những vùng biển, người ta còn sử dụng mắm được cất giữ lâu ngày để làm thuốc chữa bệnh đường ruột, dạ dày, tá tràng, tiền liệt tuyến… 

Nước mắm trong văn hóa Việt

Trong bữa ăn của người Việt, thường chỉ có một bát nước chấm đặt giữa mâm, dùng chung cho cả gia đình. Vì thế, đây không chỉ đơn thuần là một loại thức chấm mà còn thể hiện tính cộng đồng và mực thước trong bữa ăn.

Nồi cơm ở đầu mâm, chén nước chấm ở giữa mâm thể hiện cho sự đơn giản, tinh tế trong ẩm thực. Sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa của đất (gạo) và nước (cá) thể hiện “quân bình âm dương” trong cách ăn uống. Chẳng vì thế mà gia vị này trở thành “linh hồn”của các món ăn Việt.

Bảo quản

Nếu nhiệt độ giảm, muối biển trong nước mắm thường bị tích tụ và lắng xuống khiến Amin bị phân huỷ. Điều này làm mất đi dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ. Do vậy, để bảo quản tốt, bạn nên lưu ý:
Để nơi khô ráo, có ít ánh sáng.
Tuyệt đối không để trong tủ lạnh.
Sau khi mở nắp, chỉ dùng trong tối đa một tháng.

– Đậy chặt nắp để tránh bị hỏng, côn trùng bay vào;

– Nên dùng chai thuỷ tinh đựng;

– Không cho thêm bất cứ gia vị gì vào chai mắm để tránh làm giảm chất lượng;

– Không trộn chung các loại mắm với nhau;

Lưu ý khi sử dụng

Những thói quen sử dụng mắm sai cách nhiều người mắc phải:

Đun quá lâu có thể làm mùi vị và amin bốc hơi hết, làm mất dinh dưỡng.

Dùng chung bát nước chấm có thể lây bệnh. Đây chính là con đường nhanh nhất để vi khuẩn helicobacter pylori (Hp) xâm nhập vào cơ thể. Từ đó, gây viêm loét dạ dày- tá tràng dẫn tới ung thư.

Trẻ em dưới 1 tuổi sử dụng nước mắm sẽ làm dư thừa Natri. Việc thừa Natri gây nên chứng biếng ăn, mệt mỏi, tăng nguy cơ thiếu canxi.

Những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy thận hoặc các bệnh tim mạch và cơ xương khớp, ăn quá nhiều mắm sẽ khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Sử dụng mắm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng cũng gây hại cho sức khỏe con người.