Nước mắm

Giá trị dinh dưỡng

Nước mắm theo cách hiểu thông thường là chất nước rỉ từ cá, tôm và một số động vật nước khác được ướp muối lâu ngày. Nó được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan. Để làm nước chấm hoặc gia vị chế biến các món ăn. Tại miền nam Trung Quốc, nước mắm cũng được sử dụng, nhưng chỉ dùng để làm dầu hay gia vị trong các món súp và thịt hầm.

Trên phương diện khoa học, nước mắm là hỗn hợp muối với các axit amin được chuyển biến từ protein trong thịt cá qua một quá trình thuỷ phân có tác nhân là các hệ enzyme có sẵn trong ruột cá cùng với một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn.

Nước mắm châu Á thường được chế biến từ cá cơm, muối, và nước, và cần được tiêu thụ điều độ vì nó có vị rất mạnh. Nước mắm Thái Lan rất giống mắm Việt Nam và được gọi là nam pla (น้ำปลา). Tại Trung Quốc, nó được gọi là ngư lộ (魚露, yúlù), tại Triều Tiên eojang (어장), tại Indonesia kecap ikan và tại Philippines patis. Tại Nhật Bản, ba loại mắm được sử dụng; shottsuru(しょっつる) ở tỉnh Akita, ishiru(いしる) ở tỉnh Ishikawa, và ikanago-jōyu(いかなご醤油) ở tỉnh Kagawa.
Bã cá giống mắm ở Indonesia được gọi là trasi, tại Campuchia prahok (bò hóc) và thường dùng cá đã để hơi ươn trước khi ướp muối. Người Mã Lai cũng có cục gạnh cá gọi là belacan. Mắm Lào được gọi là padek, được chế biến từ cá nước ngọt.

Công dụng

Loại bỏ tạp mùi: Nước mắm không chỉ là một loại gia vị để tẩm ướp, nêm nếm hay làm nước chấm. Đây còn là trợ thủ tẩy mùi vô cùng hữu hiệu.

Bạn hãy thử dùng nước mắm để làm sạch và khử mùi lòng non, lòng già, dạ dày heo... Bạn chỉ cần hoà chút nước mắm cốt với nước ấm, hỗn hợp này không những giúp loại bỏ các chất nhờn, khử mùi mà còn giúp giữ được vị ngon tự nhiên của thực phẩm.

Dậy vị: Có một bí quyết bí mật mà các chuyên gia pha chế truyền tay nhau: một chút nước mắm cốt tinh khiết sẽ khiến ly cà phê dậy mùi và đậm đà hơn.

Không ít các đầu bếp của nhà hàng Pizza nổi tiếng ở Italia bao giờ cũng rắc một chút nước mắm lên chiếc bánh trước khi nướng, khiến phô mai, ham, sốt cà chua, nấm, hải sản….đồng loạt cất lên “tiếng nói hương vị”, khiến chiếc Pizza trở nên thơm phức, ngon ngậy vô cùng…

Theo bài viết đăng trên trang Huffington Post, "Khi đứng một mình, vị nước mắm có thể hơi nồng, nhưng khi sử dụng để tẩm, ướp, sốt, trộn, làm nước xốt, loại gia vị này khiến cho mọi thứ nó chạm vào trở nên ngon hơn". Đó là lí do, khi bạn luộc thịt, nếu nhỏ vài giọt nước mắm cốt có độ đạm cao sẽ giúp thịt ngọt và thơm hơn.

Khiến món ăn đậm đà: Nước mắm, theo bài viết "Sự kì diệu của nước mắm" của tác giả Andrea Nguyen đăng trên tờ Wall Street Journal, sẽ khiến món ăn trở nên đậm đà, dậy vị hơn.

"Nước mắm hảo hạng không bao giờ có vị tanh hay hôi. Nước mắm nhĩ, hay nước mắm cốt - dòng nước mắm đầu tiên sau quá trình ủ chượp- luôn cho vị hảo hạng nhất". "Dòng nước đậm màu hổ phách được chiết xuất từ cá cơm và muối biển này có thể nấu cùng bất kì món gì, nếu món ấy cần vị đậm đà".

Gia vị không thể thiếu để làm món Tây: Theo lời kể trong bài viết cũng của tác giả Andrea Nguyen trên trang Viet World Kitchen, bí quyết của ông chủ trong chuỗi nhà hàng Pháp Au Chambertin ở Palo Alto, Santa Barbara và Santa Monica- đầu bếp Lập Huỳnh mà gia đình cô quen biết, đó là luôn sử dụng nước mắm trong các món ăn mang phong vị Pháp của mình tại chuỗi nhà hàng.

Cách chọn

Để mua được một chai nước mắm vừa ngon vừa đảm bảo chất lượng thì đòi hỏi bạn phải "bỏ túi" những bí kíp dưới đây:

Màu sắc: Sở dĩ chúng ta nêu ra yếu tố màu sắc đầu tiên bởi đó là điểm mà bạn có thể quan sát nhanh chóng bằng mắt thường. Khi kiểm tra mắm, bạn không nên xem xét trong tình trạng thiếu sáng. Hãy nói với người chủ cửa hàng cho mình mượn chai mắm và soi ra ngoài ánh sáng, sau đó dốc ngược chai xuống, nếu bạn thấy nước trong thì ổn, nếu bạn thấy có cặn xuất hiện thì tuyệt đối không nên mua.

Màu sắc là yếu tố có thể phân biệt nhanh bằng mắt: Nước mắm trong chai màu vàng là dấu hiệu tốt để bạn có thể yên tâm bước đầu, nhưng nếu nó có màu khác lạ, chẳng hạn như xanh xám thì bà nội trợ nên cẩn thận bởi có thể nó sẽ không an toàn. Tuy nhiên, cũng không nên nhầm lẫn giữa “màu khác lạ” và màu vàng của nước mắm bị sẫm lại so với lúc mới mua, vì sau khi dùng một thời gian, màu sắc sẫm đi là dấu hiệu tự nhiên của nước mắm truyền thống.

Độ đạm: Hàm lượng đạm là thông tin phản ánh chất lượng của nước mắm và nó luôn luôn nằm trên bao bì của sản phẩm. Đây cũng là một mẹo nhanh chóng để bạn phân biệt nước mắm thật - giả. Một sản phẩm có ghi rõ độ đạm trên nhãn mác chưa hẳn đã là hàng thật, nhưng 1 chai mắm mà ngay đến cả thông số này cũng không có thì chắc chắn là mắm giả hoặc của cơ sở sản xuất kém uy tín và bạn phải tuyệt đối tránh xa.

Luôn đọc kỹ thông tin về độ đạm trên nhãn mác. Dưới đây là thông tin về độ đạm được căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để bạn tham khảo:

Độ đạm >30No: Loại đặc biệt.

Độ đạm >25No: Loại thượng hạng.

Độ đạm >15No: Loại hạng 1.

Độ đạm >10No: Loại hạng 2.

Như vậy, độ đạm càng cao thì càng quyết định chất lượng của mắm, và bạn hoàn toàn có thể “vượt qua” khâu này bằng cách đọc thật kỹ nhãn mác của nhà sản xuất.

Mùi vị: Sau khi đã kiểm tra chất lượng an toàn của chai nước mắm thông qua cách kiểm tra màu sắc và độ đạm thì bước kế tiếp sẽ là mùi vị. Mùi vị không chỉ phản ánh chất lượng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến độ ngon dở của món ăn.
Thông thường, nước mắm ngon thì sẽ mang một mùi vị thơm nhẹ, mặn ngọt hài hoà và bùi bùi. Mùi thơm lừng của mắm sẽ rất đặc trưng, khi nếm mà vị ngọt đậm của nó thấm dần nơi cổ họng và dịu nhẹ thì là mắm ngon. Ngược lại, nếu bạn nếm thử mà thấy mặn chát một cách khó chịu ở đầu lưỡi thì có thể là do độ đạm thấp hoặc sử dụng chất phụ gia không đảm bảo.

Không nên quá tin vào quảng cáo: Ở Việt Nam, nước mắm được làm từ nhiều loại cá như cá cơm, cá thu, cá linh, cá đối… Theo phương pháp truyền thống thì chũng sẽ được lên men cá, muối và nước trong điều kiện bắt buộc, ngoài ra còn có thêm đường, chất bảo quản và màu tự nhiên. Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố mà chúng sẽ có lượng đạm khác nhau.
Như trên đã nói, độ đạm góp phần làm nên giá thành của chai nước mắm. Nhãn mác đóng vai trò rất quan trọng, một số nhà sản xuất cố tình ghi thông tin độ đạm ở góc khuất, khó nhìn hoặc dùng cỡ chữ bé tí, khó đọc. Ngoài ra còn thêm cả những lời quảng cáo “có cánh” như “siêu sạch”, “mắm cốt”, “đặc sản vùng…” để nhằm mục đích “mập mờ đánh lận con đen”. Chính vì vậy, bà nội trợ hãy khắc cốt ghi tâm: Luôn luôn đọc xem thành phần trên nhãn trước khi bị thu hút bởi bao bì bắt mắt, sặc sỡ và thông điệp quảng cáo hay ho.

Tuyệt đối không mua nước mắm trôi nổi, không rõ nguồn gốc: Sau khi đọc thành phần cơ bản của mắm thì thông tin tiếp theo bạn cần quan tâm là tên, địa chỉ của doanh nghiệp, nơi sản xuất,… vì nguồn gốc sẽ là cơ sở để bạn lên tiếng khi sản phẩm gặp phải những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên mua những loại nước mắm trôi nổi không xuất xứ, tuy giá rẻ hơn, thậm chí chưa bằng ½ giá của hãng uy tín nhưng nó lại tiềm tàng nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.

Bảo quản

Nước mắm truyền thống ngon, an toàn nhưng nếu không biết bảo quản và sử dụng đúng cách, nước mắm này cũng có thể bị hỏng hoặc mất chất.

Nên được bảo quản ở nơi thoáng , ít ánh sáng, không để trong tủ lạnh. Nguyên nhân do nước mắm truyền thống là sản phẩm thiên nhiên, chỉ được làm từ cá cơm tươi và muối biển nên đạm Amin trong cá được bảo quản bằng chính lượng muối tự nhiên chứ không phải bằng hóa chất. Nếu nhiệt độ thấp, muối biển sẽ bị đông kết và lắng xuống phần dưới của chai, phần trên sẽ không đủ lượng muối cần thiết ở để bảo quản đạm Amin. Khi đó nước mắm sẽ chuyển sang màu đen, nghĩa là đạm Amin bị phân hủy và nước mắm sẽ hỏng.

Sử dụng trong vòng 1 tháng sau khi mở nắp. Sau khi mở nắp, chúng ta không nên sử dụng trong thời gian quá dài. Sử dụng trong vòng một tháng sau khi mở nắp là khoảng thời gian nước mắm có chất lượng tốt nhất.

Vặn chặt nắp khi đang sử dụng để tránh côn trùng xâm nhập. Côn trùng theo bản năng biết tìm đến những sản phẩm tự nhiên, không chứa hóa chất bảo quản.

Nên bảo quản nước mắm trong chai thủy tinh

Khi rót nước mắm ra để sử dụng cũng chỉ rót một lượng vừa phải, nếu thừa cũng không nên để lại đến bữa sau vì có thể nước mắm sẽ bị oxy hóa khi tiếp xúc lâu với oxy trong không khí. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường ở nước mắm truyền thống, chứng tỏ nước mắm hoàn toàn tự nhiên, không chứa hóa chất. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của nước mắm, bạn nên rót trực tiếp ra bát ngay trước bữa ăn hoặc dùng thìa sạch lau khô để múc.

Nước mắm truyền thống được ủ từ nguyên liệu tự nhiên, có quá trình lên men tự nhiên, nên trong nước mắm có lượng gas nhỏ. Mỗi khi rót nước mắm ra, nhận thấy có hiện tượng nước mắm trào ra một chút quanh miệng nắp chai. Đây là một đặc điểm của nước mắm tự nhiên, không có chút đáng ngại nào cả.

Không được cho thêm bất cứ thứ gì vào mắm khi đang cất giữ, vì mắm rất nhạy cảm và dễ hư với các tác nhân bên ngoài. Nên giữ riêng các loại mắm, không trộn chung với nhau

Lưu ý khi sử dụng

Không sử dụng mắm để ướp thịt: Nếu bạn dùng mắm để ướp thịt xào hoặc thịt kho thì không nên nhé. Mắm sẽ làm thịt bị cứng và khô hơn so với khi sử dụng bột canh, muối, đường để ướp chúng. Với những món xào và kho thì bạn nên sử dụng nước mắm để nấu hơn là ướp chúng.

 

Mỗi món ăn sử dụng nước mắm một khác: Với món thịt luộc, cá hấp nên dùng nước mắm nguyên chất, không pha loãng, chỉ cho thêm ớt hoặc hạt tiêu, chanh hay quất.

Trong các món canh, nên nêm nước mắm sau cùng rồi bắc ra ngay. Nếu bạn nêm nước mắm và để sôi lâu trên bếp thì món ăn sẽ mất ngon do hương vị nước mắm bị biến đổi.

Với những món kho như thịt, cá, chỉ cần ướp nguyên liệu với đường, hành tiêu và một ít muối, kho tới khi thịt, cá gần mềm thì mới thêm nước mắm vào, rồi tắt bếp. Cách làm này vừa tạo hương vị đặc trưng, lại không bị mất các chất dinh dưỡng có trong nước mắm.

Không đun nước mắm quá lâu: đun nước mắm lâu sẽ không còn giữ nguyên mùi nước mắm, đồng thời những vitamin có trong nước mắm sẽ bốc hơi hết.

Nước mắm dùng để chấm: Với những món rán và luộc thì nên pha nước mắm cùng với chút gừng, ớt, tỏi, tiêu và chanh là mẹo sử dụng nước mắm khi nấu ăn hợp lý và tuyệt nhất. 

Những đối tượng không nên ăn nước mắm: 

Người bệnh thận, xương khớp, cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch không ăn nước mắm: Trong nước mắm có chứa hàm lượng muối rất cao, chính vì vậy, với một số người, nó là loại gia vị cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe. Bởi thế, nước mắm không tốt cho những bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, suy thận,…

Trẻ em dưới một tuổi: Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo, trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn nước mắm. Lý do bởi độ mặn trong nước mắm không tốt cho thận đang còn khá non nớt của trẻ. Ngay cả những sản phẩm có chất điều vị khác như mỳ chính, hạt nêm cũng không tốt cho sức khỏe của trẻ.