Rau dền

Giá trị dinh dưỡng

Rau dền có 3 loại khác nhau: rau dền gai, rau dền đỏ và rau dền cơm. Rau dền đỏ và rau dền cơm được xếp chung thành loại rau dền không có gai, vì trên thân mình không có gai; khác với rau dền gai, loại dền gai có gai mọc ra khắp thân cây. Rau dền cơm có màu xanh trắng rất đẹp và có hoa tụ lại ở trên ngọn như những núm cơm nhỏ; còn rau dền đỏ có màu đỏ – đỏ rực hoặc đỏ tía – và chúng không có những núm cơm như dền trắng. Rau dền cơm được trồng nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp và một vài quốc gia châu Phi. Ở nước ta, loại rau này được trồng để làm rau ăn. Phần để ăn là ngọn non, lá non, thân non và cả cây non (bỏ rễ). Phần làm thuốc trong các bài thuốc cổ truyền là thân cây và củ rễ, vì 2 phần này chứa nhiều chất tốt và hoạt hóa cơ thể.

Công dụng

Một số bài thuốc chữa bệnh của rau dền:

Giúp nhuận tràng: Rau dền đỏ 1 nắm, nhặt sạch, rửa rồi luộc sôi 3 phút, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm rất công hiệu hoặc có thể dùng rau dền đỏ nấu canh ăn cũng rất hiệu nghiệm với các trường hợp táo bón.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Rau dền đỏ 20g, lá mã đề non 20g, lá dâu bánh tẻ 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu canh, thêm gia vị cho vừa ăn hằng ngày. 10 ngày 1 liệu trình.

Chữa huyết nhiệt sinh lở ngứa: Rau dền đỏ 20g, kim ngân hoa 12g, ké đầu ngựa 16g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.

Trị kiết lị do nóng: Rau dền đỏ 20g, lá mơ lông 20g, rau sam 20g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình. Hoặc dùng rau dền đỏ luộc chín tới, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi ngày ăn khoảng 20g, ăn trong vài ngày là khỏi có thể thêm rau sam.

Phụ nữ sinh nóng trong, đại tiện không thông: Dền đỏ 50g, rửa sạch thái khúc, nấu bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày, 5 ngày một liệu trình.

Thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa: Dền đỏ 100g, dền cơm 50g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay; nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua.

Trị rắn cắn, ong đốt: Khi không may bị rắn cắn, có thể lấy rau dền đỏ giã nát, vắt lấy khoảng 1 bát nước cho uống, còn bã đắp lên vết thương. Tuy nhiên, khi bị rắn cắn, phải lập tức băng chặt (bằng dây chun hoặc dây vải) phía trên vết cắn (phía gần với tim hơn) rồi mới dùng thuốc. Sau đó, phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất. Còn khi bị ong đốt (nhất là giống ong to có độc) thì lấy rau dền vò nát, xát cả vào vết đốt là khỏi.

Lưu ý khi sử dụng

Người có cơ thể tính hàn, phụ nữ có thai hư hàn không ăn rau dền: Theo các chuyên gia, rau dền có tính mát, không thích hợp dùng cho người tiêu lỏng và tiêu chảy mạn tính, phụ nữ có thai hư hàn.

Người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sạn thận: Rau dền chứa nhiều acid oxalic ảnh hưởng nhiều trên sự ức chế hấp thu canxi và kẽm. Đồng thời dễ hình thành các sỏi oxalate nên cần tránh cho các bệnh nhân đang bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sạn thận.

Không ăn thịt ba ba với rau dền: Đặc biệt, không nên ăn thịt ba ba cùng với rau dền vì theo Đông y, việc 2 thứ này kết hợp với nhau có thể gây độc. Gặp trường hợp này, cần uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống để giải độc.

Hâm đi hâm lại nhiều lần: Rau dền nấu chín không nên hâm đi hâm lại nhiều lần vì nitrat có trong lá sẽ bị chuyển đổi thành nitrit là chất nguy cơ gây ung thư và không tốt cho trẻ nhỏ.