Rau rút

Giá trị dinh dưỡng

Rau rút còn có tên gọi là rau nhút. Là cây thảo mộc nổi trên mặt nước, quanh thân có phao trắng, lá kép lông chim. Thân của rau này có các bao hình xốp, trắng, dính liền vào thân, bao xung quanh thân giúp rau nổi lên. Hoa họp thành đầu màu vàng. Rút là loại rau rất thông dụng, mùa hè nấu canh với khoai sọ và diêu cua. Rau rút có mùi thơm đặc biệt như mùi nấm hương, thân ăn giòn.

Công dụng

Dùng chế biến các món ănRau rút không phải là một loại rau chính ăn để no, mà nó như một loại rau gia vị với mùi thơm rất dịu dàng, tinh tế nhưng lại làm cho bát canh có hương vị đặc biệt khác hẳn. Một nồi canh cua hay canh khoai to cho cả nhà 4, 5 người thì chỉ cần một mớ rau rút là đủ. Rau rút có thể nấu được rất nhiều các món ăn: Canh xương nấu khoai rau rút, canh cua khoai sọ rau rút, rau rút xào tôm thịt...

Chữa chảy máu cam, mụn nhọt do trong người nóng ( nội nhiệt ): Lấy rau rút 300g, đổ 800ml nước sắc uống thay trà hằng ngày. Đồng thời kết hợp ăn các món nấu từ rau rút, không ăn các chất cay nóng, kích thích.

Chữa nóng khát táo bón, tiểu tiện đỏ sẻn: Rau rút khô, sắc với 400ml nước còn 200ml, uống thay nước uống trong ngày hoặc ăn thường xuyên rau rút sống trong bữa ăn (hái lấy ngọn non, nhặt bỏ rễ và lớp phao trắng bên ngoài, rửa sạch, ăn cả cọng lẫn lá, như các loại rau tươi khác.

Chữa chứng mất ngủ: Rau rút 300g, khoai sọ 25g, lá sen 10g tất cả rửa sạch đem ninh nhừ với nước, cho gia vị vừa đủ, ăn cả bã lẫn nước. Tuần ăn 3 – 5 lần, nên ăn khi còn ấm, tốt nhất ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút.

Cách chọn

Để chọn mua rau rút ngon nên chọn những cọng non, nhiều lá, có phần phao xốp dày bông, màu trắng ngần khi mua về nấu sẽ giòn và thơm.

Mùa hè là mùa của rau rút, vì thế ta nên chọn ăn rau rút vào mùa hè vì lúc này rau rút rất ngon và ngọt.

Bảo quản

Rau rút gần giống như rau muống, loại rau này sẽ không để lâu được vì vậy tốt nhất ta nên ăn ngay trong ngày để tránh rau bị hỏng và để lâu rau sẽ già.

Lưu ý khi sử dụng

Ăn rau rút dễ bị nhiễm sán lá gan
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội): Các loại rau trồng ở dưới nước (như rau rút), đặc biệt ở những vùng nước thải, nước ô nhiễm có nguy cơ chứa rất nhiều những loại giun sán, ký sinh trùng mắt thường có thể phát hiện. Sau khi ăn sống, nấu tái, chín (qua 100 độ C) các loại trứng giun sán giảm bớt nhiều, nhưng chúng vẫn có thể còn bám vào rổ rá, vật dụng nhà bếp, hoặc dính ở tay và con người vô tình đưa lên miệng là chúng vào cơ thể người.

Đặc biệt, rau rút là loại rau sống trên mặt của các ao hồ trong điều kiện ô nhiễm môi trường nặng nề như hiện nay, đặc biệt là môi trường nước ở các ao hồ, sông ngòi thì rau rút cũng không tránh khỏi việc sống trong nguồn nước bị ô nhiễm.

Vì điều kiện sống chủ yếu mọc dưới nước tại các hồ ao hoặc ruộng nước, rau rút dễ bị nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm, đó là chưa kể nguồn phân bón, tưới nước cho rau cũng không được đảm bảo an toàn. Ngoài những bệnh truyền nhiễm về đường tiêu hoá có thể gặp phải, rau rút còn là nơi trú ẩn lý tưởng cho ấu trùng sán lá ruột. Đây là một loại sán lá thường ký sinh trong ruột người hay trong một số loại gia súc, đặc biệt là loài lợn.
 

Khi chúng ta ăn phải rau rút chứa ấu trùng sán, chúng sẽ có cơ hội để thâm nhập vào một số cơ quan nội tạng và làm tổ trong ở đó. Khoảng thời gian từ khi ăn phải ấu trùng cho đến khi sán trưởng thành là 5-6 tuần. Khi con người bị nhiễm bệnh, ngoài phổi ra, sán có thể kí sinh ở bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể người như tủy sống, màng não, cơ ngực hoặc tim…

Những người không nên ăn rau rút:

Với bà bầu tuy rau rút có giá trị dinh dưỡng cao nhưng tuyệt đối không được ăn tái, sống. Nhiều người thích ăn rau rút tái, sống cho giòn rất dễ mang bệnh. Bởi rau mọc dưới nước ở các hồ ao, ruộng nước, nên rau dễ bị nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Vì thế với những bà bầu  không ăn sống hoặc trần tái mà phải ăn chín.

Rau rút có tính lạnh cho nên người yếu bụng, thể hàn, dễ tiêu chảy và trẻ nhỏ không nên ăn.