Rỉ đường

Giá trị dinh dưỡng

Rỉ đường hay rỉ mật, mật rỉ, mật rỉ đường, còn được gọi ngắn gọn là mật, là chất lỏng đặc sánh còn lại sau khi đã rút đường bằng phương pháp cô và kết tinh. Đây là sản phẩm phụ của công nghiệp chế biến đường (đường mía, đường nho, đường củ cải). Chất lượng của rỉ đường phụ thuộc vào độ chín của mía hoặc củ cải nguyên liệu, lượng đường chiết được và phương pháp chiết đường.

Có hai loại rỉ đường: 

Rỉ đường mía: cây mía sau khi thu hoạch được cắt bỏ lá. Thân mía được nghiền hoặc cắt nhỏ rồi ép lấy nước. Đun sôi nước để cô đặc, đến khi tạo nên các tinh thể đường. Các tinh thể đường được tách ra và phần mật mía tiếp tục được cô. Sau khoảng 3 lần cô đặc, hầu như không thể tạo thêm các tinh thể đường bằng các biện pháp thông thường, chất lỏng còn lại chính là rỉ mật hay rỉ đường.

Rỉ đường củ cải: Loại rỉ đường này khác so với rỉ đường mía. Rỉ đường củ cải chứa 50% đường tính theo chất khô, chủ yếu là saccaroza và một lượng đáng kể glucoza và fructoza. Nó cũng là nguồn biotin (vitamin H hay B7) đáng chú ý. Các chất không phải đường khác gồm có các chất khoáng như canxi, kali, oxalat và clorua. Rỉ đường củ cải cũng chứa các hợp chấtbetaine và trisaccarid raffinoza. Các chất này là kết quả của quá trình cô đặc dịch củ cải đường cũng như từ các phản ứng trong quá trình chế biến, làm cho loại rỉ đường này có cảm quan kém hấp dẫn. Vì vậy chúng chủ yếu được dùng làm thức ăn chăn nuôi, trực tiếp hoặc sau khi lên men.

Công dụng

Mật rỉ đường được sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm: Trên thế giới, mật rỉ đường được sử dụng lên đến 50% trong suốt quá trình chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, thường được sử dụng trong quá trình ủ thức ăn xanh cho vật nuôi. Châu Âu và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ rỉ mật chủ yếu của thế giới để làm thức ăn gia súc. Trước đây rỉ mật thường được dùng cho gia súc ăn ở mức tương đối thấp trong khẩu phần (thường dưới 20% khẩu phần). Tuy nhiên, gần đây các nghiên cứu ở Cuba cho thấy rằng rỉ mật có thể dùng như một loại thức ăn thay thế cho ngũ cốc như là một giải pháp cho việc thâm canh chăn nuôi ở vùng nhiệt đới. Rỉ mật có thể được cho gia súc ăn theo một số cách khác nhau như trộn rỉ mật với các thức ăn khác, rỉ mật pha loãng để cung cấp năng lượng trực tiếp hay dùng như là một chất chứa N phi protein (NPN), vitamin, khoáng và cả thuốc thú y.

Nguyên liệu sản xuất men thực phẩm, cồn, bột ngọt, hương thuốc lá: Rỉ mật cũng được dùng để lên men tạo ra các sản phẩm như cồn ethanol, nấm men, axit amin và axit xitric cũng như được dùng trong ngành sản xuất gạch ngói.

Sử dụng mật rỉ đường để kiểm soát ni tơ vô cơ (ammonia, nitrit) và pH trong ao nuôi thủy sản: Các thử nghiệm tại cơ quan nghiên cứu của Úc đã cho rằng bón mật rỉ đường với liều lượng 30 lít/ha là thích hợp nhất, vì sẽ rất an toàn, hữu ích giúp giảm chi phí và giảm được pH trong ao nuôi.

Sử dụng để nuôi vi sinh trong xử lý nước: Ngoài việc hòa với nước tạt đều khắp ao, mật rỉ đường còn được sử dụng để ủ với men vi sinh để xử lý nước trong nuôi trồng thủy sản: ủ mật đường với men vi sinh từ 3-6h sục khí liên tục và tạt xuống ao. Giảm chi phí xử lý nước ao nuôi, cho ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường. Hi vọng, đây cũng sẽ là một giải pháp giúp ngành nuôi tôm công nghiệp bền vững hơn trong tương lai.