Tai vị

Giá trị dinh dưỡng

Cây tai vị hay còn gọi là đại hồi, cây nhỡ, cao 6-10m. Thân thẳng to, cành thẳng nhẵn, lúc non màu lục nhạt sau chuyển sang màu nâu xám. Lá mọc so le, phiến lá nguyên, dày, cứng giòn, nhẵn bóng, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, hình mác hoặc trứng thuôn, hơi nhọn dần, mặt trên xanh bóng hơn mặt dưới. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, có khi xếp 2-3 cái; cuống to và ngắn; 5 lá đài màu trắng có mép màu hồng; 5-6 cánh hoa đều nhau màu hồng thẫm. Quả kép gồm 6-8 đại (có khi hơn), xếp thành hình sao đường kính 2,5-3cm, lúc non màu lục, khi già màu nâu sẫm, mỗi đài dài 10-15mm, có mũi nhọn ngắn ở đầu. Hạt hình trứng, nhẫn bóng.

Hoa tháng 3-5, quả tháng 6-9.

Bộ phận dùng:

1. Quả Hồi - Fructus Anisi Stellati, thường gọi là Bát giác hồi hương.

2. Tinh dầu Hồi - Oleum Anisi Stellati. Nơi sống và thu hái: Hồi là loại cây của vùng Đông Á, hiện có ở một số tỉnh phía Nam Trung quốc (Quảng Tây, Quảng Đông) và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam. Còn được trồng ở Philippin và Jamaica. Ở nước ta, Hồi được trồng phổ biến ở các huyện phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, một số nơi ở Cao Bằng, và vài nơi khác ở Bắc Thái, Quảng Ninh. Vào tháng 7-9 và 11-12, người ta thu hái quả chín, đem tách quả ra từng mảnh bỏ hạt, rửa sạch, phơi trong mát cho khô. Khi dùng tẩm rượu sao (cách giấy) hoặc tẩm nước muối sao qua (cách giấy). Người ta thu hái quả Hồi đem về phơi nắng nhẹ cho khô hẳn, rồi cất lấy tinh dầu. Cũng có thể cất từ quả tươi.

Công dụng

Tính vị, tác dụng: Hồi có vị cay, ngọt, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng trừ đàm, khai vị, kiện tỳ (kích thích bộ máy tiêu hoá), tiêu thực, giảm co bóp trong dạ dày và ruột, lợi sữa, trừ phong, giảm đau, sát trùng.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị nôn mửa và ỉa chảy, bụng đầy trướng, đau ruột sán khí (đau xuyên bụng dưới lên). Còn dùng trị đái nhiều, đái dầm, ngộ độc thịt cá, trị tay chân nhức mỏi. Ngày dùng 4-8g dạng thuốc hãm, thuốc sắc, hoặc 1-4g quả dạng thuốc bột. Người ta cũng dùng quả ngâm rượu làm thuốc xoa bóp ngoài da. Lá Hồi dùng trị rắn cắn (nhai nuốt nước, lấy bã đắp). Hồi còn được dùng làm rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng và gia vị. Tinh dầu Hồi cũng có tác dụng kích thích, làm dễ tiêu, chống co giật, ức chế sự lên men ruột, gây trung tiện, long đờm và lợi tiểu nhẹ, được dùng chữa đau bụng; là thành phần của thuốc ngậm chữa ho và là thuốc xoa bóp chữa thấp khớp, thuốc chữa đau tai, sát khuẩn, trị bệnh nấm da và ghẻ. Còn dùng làm thuốc diệt rận, rệp và là thành phần của thuốc bơm trừ sâu bọ cho gia súc.

Đơn thuốc:

1. Cảm hàn, đau bụng thổ tả: Dùng Hồi hương tán bột uống mỗi lần 2g với rượu, ngày uống 3,4 lần. Hoặc dùng tinh dầu Hồi uống mỗi lần 4 giọt, ngày uống 3-4 lần.

2. Hôi miệng, thở hôi: Dùng hoa Hồi nhai nuốt, mỗi ngày vài cánh.

3. Đau lưng: Hồi (bỏ hạt) tẩm nước muối sao, tán nhỏ, mỗi lần dùng 6-10g với rượu. Ngoài dùng lá Ngải cứu chườm nóng vào lưng.

4. Chữa cổ trướng và thũng trướng mạn tính: Dùng Hồi hương 2g và hạt Bìm bìm 8g, tán bột, chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Uống trong 3-4 ngày liền.

5. Đại tiểu tiện không lợi: Hồi và Bìm bìm như trên tán bột mỗi lần uống 4g với nước gừng.

Cách chọn

Bộ phận dùng làm thuốc của cây Hồi là quả đã chín. Thu hái vào hai vụ: Vụ mùa (tháng 7 – 8) và vụ chiêm (tháng 11 – 12)

Bảo quản

Lấy quả chín khi từ màu lục chuyển sang vàng, đem nhúng qua nước sôi, sấy nhẹ cho khô hoặc phơi trong bóng râm cho tới khô. Độ ẩm không quá 13%, tạp chất không quá 1%, tỷ lệ vụn nát không quá 10%.

Khi đã khô, để nơi khô thoáng, bọc kín trong túi nilon hoặc trong lọ có nắp đậy.

Có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Lưu ý khi sử dụng

Dùng làm gia vị: Chỉ cho một vài cánh, không nên cho nhiều quá sẽ bị hắc và ảnh hưởng tới hương vị của đồ ăn.

Người âm hư, hỏa vượng không dùng; dùng liều cao độc với thần kinh.