Tỏi

Giá trị dinh dưỡng

Tỏi là một loài thực vật thuộc họ Hành, nghĩa là có họ hàng với hành tây, hành ta, hành tím, tỏi tây, v.v... và cũng được con người sử dụng làm gia vị, thuốc, rau. Phần hay được sử dụng nhất của cả cây tỏi là củ tỏi. Củ tỏi có nhiều tép. Từng tép tỏi cũng như cả củ tỏi đều có lớp vỏ mỏng bảo vệ.

Công dụng

Tỏi có thể sử dụng thành gia vị trong nước chấm pha chế gồm mắm, tỏi, ớt, tương, đường: Hoặc tỏi được trộn đều với các món rau xào (nhất là rau muống xào...) khiến món ăn dậy mùi thơm. Tỏi cũng được làm nước muối tỏi và ớt. Trong nấu ăn một số món có kèm theo tỏi phi.

Trị mụn: Tỏi có tác dụng thanh lọc máu và tính chất kháng khuẩn nên có hiệu quả chống mụn trứng cá và các bệnh về da. Một số người nói rằng bạn có thể thoát khỏi tình trạng mụn dai dẳng bằng cách chà xát nhẹ nhàng lát tỏi sống lên mặt. Bạn cũng có thể nghiền nát củ tỏi và gạn lấy nước chiết xuất từ tỏi. Nhúng một miếng vải sạch vào nước tỏi và thoa lên vùng mụn trên mặt bạn.

Đuổi muỗi: Quan niệm cho rằng ma cà rồng sợ tỏi có thể xuất phát từ thực tế rằng muỗi bị đuổi bay bởi mùi tỏi. Chưa có lý do rõ ràng vì sao chúng không thể chịu được mùi này nhưng có thể nói rằng hợp chất của tỏi có hại cho muỗi, vì vậy người ta đã dùng để tránh muỗi. Bạn sẽ tránh được nhiều muỗi hơn nếu bạn sử dụng tỏi như một loại thuốc đuổi muỗi vào ban ngày. Bạn có thể sử dụng nó để đẩy lùi muỗi vào ban đêm bằng cách đặt nhánh tỏi ở nơi có muỗi, hay thoa một chút nước tỏi lên vùng da hở.

Bảo vệ vật nuôi: Tỏi không chỉ xua muỗi mà còn đuổi bọ ve, bọ chét và nhiều loại côn trùng khác. Một số thương hiệu thức ăn vật nuôi có trộn bột tỏi để đuổi côn trùng bám vào vật nuôi. Các chủ ngựa cũng dùng hỗn hợp tỏi để tránh các côn trùng có hại. Bản thân con người, cũng có thể giữ một lượng tỏi nhất định trong khẩu phần ăn hằng ngày để bảo vệ bản thân khỏi côn trùng.

Dùng như thuốc trừ sâu: Nhiều loại thuốc trừ sâu thương mại có hại cho môi trường. Tỏi mặc dù hoàn toàn tự nhiên nhưng có hiệu quả như bất cứ loại thuốc trừ sâu nào. Đơn giản là trộn tỏi sống và nước ép tỏi với tiêu và một chút xà phòng để tạo thành loại thuốc trừ sâu đặc biệt.

Dùng như thuốc kháng sinh: Tỏi không thể thay thế cho thuốc kháng sinh nhưng có một số thời điểm nó sẽ hữu ích. Khi tai nạn xảy ra, các chuyên gia y tế thường không có mặt ngay lập tức để thực hiện cấp cứu cho bệnh nhân. Nếu bạn hay ai đó bị thương và không có kháng sinh ở cạnh, thử tìm vài nhánh tỏi. Tỏi nghiền là một kháng sinh mạnh có thể giết chết các chủng vi khuẩn, tụ cầu khuẩn. Nhẹ nhàng xoa tỏi lên vết thương để ngăn nó bị nhiễm trùng.

Dùng làm keo dính: Nếu bạn không có một lọ keo hay băng dính trong nhà, đừng lo lắng. Miễn là bạn có củ tỏi sống trong tủ lạnh thì có thể tạo keo ngay lập tức. Bóc tỏi ra và nghiền nát. Keo tỏi có thể được tạo thành bằng cách chà xát nước tỏi lên giấy hoặc thủy tinh. Chất kết dính được tạo ra từ tỏi được sử dụng để sửa chữa kính tại Trung Quốc.

Dùng làm mỹ phẩm: Bạn cũng có thể tự tạo mỹ phẩm từ tỏi. Chẳng hạn, bạn có thể pha một loại nước rửa mặt bằng cách trộn nước tỏi với nước cốt chanh và nước, giấm táo, hoa oải hương. Bạn thậm chí còn có thể làm kem dưỡng tóc và da dầu bằng hỗn hợp nước ép tỏi với nước lọc, rượu vodka và hoa hương thảo. Trước khi thoa những loại mỹ phẩm từ tỏi này lên cơ thể, bạn nên thử phản ứng trước bằng cách thoa nên vùng da trong cánh tay xem có bị dị ứng hay quá mẫn cảm với tỏi không.

Dùng làm siro chữa đau họng:  Tính chất kháng khuẩn của tỏi rất mạnh, nó thậm chí có thể giúp điều trị đau họng khi bị cảm cúm. Nó cũng có thể giúp bạn giảm ho và phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Để tạo ra siro chữa đau họng từ tỏi, đun sôi một ít tỏi sống trong một cốc nước, thêm mật ong và đường để có mùi vị dễ uống hơn. Bạn cũng có thể làm trà tỏi bằng cách ngâm một tép tỏi trong một chén nước.

Kích thích hưng phấn tình dục:  Hiệu quả kích thích tình dục của tỏi đã được Aristotle - nhà triết học và bác học của Ai Cập cổ đại, và tài liệu cổ Ấn Độ khẳng định. Talmud - tập hợp các văn bản cổ của các bậc thầy người Do Thái thậm chí còn chỉ định cho người chồng ăn tỏi trước Ngày thánh và trước khi làm "chuyện ấy" với vợ. Nhiều người Hindu tránh tỏi vì họ tin rằng loại gia vị này khiến họ dễ sao nhãng vào việc đang cần tập trung tinh thần cao độ.

Cách chọn

Nên chọn những củ có lớp vỏ ngoài bám dính tốt vào nhánh tỏi, không nên chọn những củ có lớp vỏ xốp, không dính. Đặc biệt tránh những củ tỏi đã mọc mầm xanh. Chọn những củ tỏi rắn, cầm chắc tay (lưu ý là tỏi to quá sẽ không thơm). Loại tỏi ta, nhìn bên ngoài vỏ có màu hơi tím, củ nhỏ là loại tỏi thơm nhất. Không chọn những loại củ bị thâm, mềm, chảy nước.
Vỏ bên ngoài đầu củ tỏi phải còn nguyên vẹn và có màu hơi trắng, nếu lớp vỏ bị nhăn, không căng, mẩy thì không nên lấy. Nhánh của củ tỏi phải đầy đặn và không quá khô, cũng không bị nhăn và có màu hơi trắng. Tránh chọn những củ tỏi có nhánh màu xám hoặc vàng vì sẽ không có mùi thơm.

Bảo quản

Với tỏi tươi, không nên bảo quản tỏi trong túi nhựa. Có thể bọc tỏi vào lá cải, sau đó để chỗ râm mát, tỏi sẽ giữ tươi được vài ngày. Cách bảo quản tốt nhất là để tỏi ở trong túi lưới, túi giấy hoặc rổ để có sự thông hơi nhất định. Bảo quản tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không khí ẩm sẽ khiến tỏi mọc mầm hoặc bị thối, mốc. Trong quá trình bảo quản, nếu củ tỏi của bạn bị mọc mầm, bạn vẫn có thể sử dụng được - chỉ cần loại bỏ lõi mầm xanh là được. Mầm tỏi có chứa độc tố đối với cơ thể và ngoài ra nó còn gây vị đắng khi bạn chế biến thức ăn.
Tỏi xắt lát có thể được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh tới 5 tuần với điều kiện bạn cho chúng vào hộp đậy kín; điều này cũng đúng với tỏi đã bóc vỏ.

Lưu ý khi sử dụng

Không ăn tỏi khi đang mắc bệnh về mắtTrung y có câu: "Tỏi có trăm cái lợi, duy chỉ hại con mắt". Bởi loại củ này có một phần thành phần gây kích thích màng nhầy và mô kết mạc của mắt nên những người thị lực yếu và đang mắc các bệnh về mắt được khuyến cáo nên hạn chế ăn tỏi.

Không ăn tỏi khi đang bị đi tả: Với người bình thường, ăn tỏi sống đặc biệt có lợi đối với dạ dày. Nhưng với các đối tượng đang trong thời gian mắc bệnh tả, tỏi lại lại là thực phẩm nên tránh xa. Nguyên nhân là bởi allicin trong tỏi làm tăng sự kích thích thành ruột, dẫn tới tình trạng nghẽn mạch máu, phù nề, có thể khiến bệnh tình trở nặng hoặc xảy ra biến chứng không mong muốn.

Không ăn tỏi với các loại thực phẩm kiêng kỵ: Những loại thực phẩm tuyệt đối không nên ăn với tỏi bao gồm: Thịt gà, trứng, cá trắm, thịt chó. Tỏi kết hợp với thịt gà sẽ dẫn tới kiết lỵ, ăn cùng trứng sẽ tạo thành chất độc. Tương tự như vậy, cá trắm nấu cùng tỏi khi ăn sẽ dễ dẫn tới tình trạng chướng bụng. Tỏi ăn cùng thịt chó sẽ bị chứng khó tiêu.

Không ăn tỏi khi đói bụng: Ăn tỏi lúc đang đói hoặc chỉ ăn tỏi mà không ăn kèm các loại thực phẩm khác thì rất dễ dẫn đến loét dạ dày. Bởi chất allicin (một thành phần của tỏi) dễ khiến cho tính kháng sinh trong tỏi phát tác, dẫn đến nóng trong dạ dày.

Không ăn tỏi nếu bị dị ứng hoặc khó tiêu hóa: Có những người không ăn được tỏi bởi lý do hoặc là dị ứng hoặc không tiêu hóa được. Vì vậy, nếu ăn tỏi mà thấy các dấu hiệu như ợ nóng, đầy hơi... thì rất có thể bạn đã bị dị ứng với tỏi, tốt nhất nên ngưng ăn tỏi. Trường hợp dị ứng tỏi nghiêm trọng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Không ăn tỏi nếu có tiền sử mắc các bệnh về gan: Nhiều người cho rằng tỏi có tác dụng chuẩn khuẩn, ăn nhiều có thể phòng bệnh viêm gan. Thậm chí, có người sau khi mắc bệnh gan vẫn kiên trì ăn tỏi hằng ngày. Đây là cách làm "lợi bất cập hại". Danh y nổi tiếng Trung Quốc Lý Thời Trân từng viết: "Tỏi ăn lâu dài sẽ tổn thương gan". Nguyên nhân là do loại củ này có vị cay, tính nóng, gây kích thích mạnh. Người mắc bệnh gan (đặc biệt là các đối tượng bị nóng gan) ăn tỏi sẽ càng nóng hơn, lâu ngày dẫn tới nhiều tổn thương đối với cơ quan này.

Không ăn tỏi khi đang mắc bệnh nặng: Giống như ớt và nhiều loại gia vị cay khác, tỏi có một vài tác dụng phụ đối với những người bị bệnh nặng và đang sử dụng thuốc. Không ăn tỏi khi đang sử dụng thuốc: Trong trường hợp đang uống một số loại thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị HIV/AIDS... người bệnh không nên ăn tỏi, vì nó có thể tạo ra một số tác hại cho sức khỏe.

Không ăn tỏi nếu có thể trạng suy yếu: Theo kinh nghiệm của cổ nhân, ăn quá nhiều tỏi sẽ làm tiêu tan khí huyết. Cuốn "Thảo mộc tòng tâm" của Trung Hoa từng ghi chép: "Tỏi cay, nóng, có độc, khiến sinh đờm, phát nhiệt, loãng khí, hao máu. Người thể trạng suy yếu, nóng trong thì chớ nên ăn."

Không ăn tỏi quá nhiều: Tỏi tuy tốt, nhưng không nên ăn quá nhiều hoặc quá thường xuyên. Mỗi ngày chỉ nên dùng tối đa không quá 10g tỏi là đủ. Tỏi được xếp vào nhóm gia vị cay, ăn nhiều có thể làm mất tính cân bằng trong môi trường dạ dày, dẫn tới chứng chán ăn, mệt mỏi, giảm cân, thậm chí còn ảnh hưởng tới thận, tổn thương khí huyết và tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.