Tương

Giá trị dinh dưỡng

Tương là một loại nước chấm lên men thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam, được làm từ gạo nếp đồ xôi, đậu tương, nước sạch, muối. Những địa phương làm tương nổi tiếng là Bần và phố Hiến (Hưng Yên), Cự Đà (Hà Tây), Nam Đàn (Nghệ An). Cần phân biệt tương với xì dầu, mà phương ngữ miền Nam Việt Nam gọi là "nước tương".

Mỗi địa phương có một bí quyết làm tương riêng, nhưng những nét chung trong cách làm là:

Thứ nhất, rang đỗ tương lên cho có mùi thơm rồi xay nhỏ hoặc giã cho vỡ nhỏ (tùy theo từng địa phương mà độ nhỏ khác nhau). Sau đó đem ngâm nước muối cho mềm.

Thứ hai, gạo nấu thành cơm rồi đem ủ lên mốc vàng hoa cau. Khi đã lên mốc và thành phẩm có mùi thơm ngọt rồi thì cho ngâm cùng đỗ. Hỗn hợp được cho vào vật đựng (hũ) kín và ngăn được ánh sáng.

Thứ ba, đem hũ phơi nắng vài ngày để lợi dụng nhiệt năng của ánh sáng mặt trời làm cho tương tiếp tục lên men và chín.

Công dụng

Là nguồn cung cấp protein: tương không những là món ăn dân gian, truyền thống mà còn là nguồn cung cấp protein thực vật đắc lực trong bửa ăn hàng ngày của người dân vùng Đông Nam Á.

Dùng làm nước chấm: chấm rau muống, măng luộc, thịt bò, bê...

Dùng làm gia vị cho các món kho: cá, thịt bò, bê...

Cách chọn

Mua ở một địa chỉ tin cậy

Mua tương đã làm từ 8 tháng trở lên mới đảm bảo tốt cho sức khoẻ người ăn.

Quan sát màu sắc: Tương mới ngã có màu vàng tươi, càng để lâu càng có màu nâu sẫm dần.

Ngửi mùi tương thơm để thử tương

Pha tương với nước chè, nếu là nước đục là tương có hóa chất

Bảo quản

Bảo quản nơi thoáng mát, có thể đem hũ tương đã làm chôn sâu dưới lòng đất để bảo quản.

Hũ đựng tương cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, đậy nắp kín.

Lưu ý khi sử dụng

Để kiểm tra tất cả những điều trên thì mua tương về để 3-5 tháng thấy tốt hãy ăn.

Sản phẩm tương làm ra có màu nâu sậm, sánh, dịu, đưa lên ngang mũi đã có thể nhận thấy vị ngọt, bùi, có thể bảo quản từ 2 đến 3 năm nếu làm đúng cách.