Vang

Vang là loại đồ uống có cồn được lên men từ nho và không qua chưng cất. Vang cũng được hiểu là rượu lên men từ các loại hoa quả khác, tuy nhiên đa số gọi cụ thể đó là vang hoa quả.

Mỗi giống nho khác nhau cho một loại mùi vị, hương thơm và cảm nhận khác nhau. Điều kiện khí hậu và đất đai của nơi trồng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các yếu tố này. Bên cạnh đó là các yếu tố k‎ỹ thuật được áp dụng trong quá trình lên men. Ngay cả loại gỗ sồi được sử dụng trong quá trình lên men và bảo quản cũng ảnh hưởng đến hương vị rượu.

Màu sắc của vang được quyết định một phần do vỏ nho. Màu của rượu nho thực chất đến trong lúc lên men, khi để nước nho tiếp xúc với vỏ. Ngay cả với nho đen, ta cũng có thể làm ra được rượu vang trắng bằng cách lọc bỏ vỏ và xác nho sau khi ép. Nếu giữ lại vỏ nho trong một thời gian ngắn sẽ cho ra được thứ rượu màu hồng (rosé). Nếu giữ lại vỏ nho lâu hơn trong thời gian lên men, ta có loại rượu vang có màu đỏ sẫm

Quy trình làm rượu vang:

1. Khi đã tách được nho ra khỏi những bộ phận khác, nho sẽ được tách vỏ để hỗ trợ việc chiết xuất tanin, các sắc tố, enzym từ nho trong quá trình lên men rượu vang. Dây chuyền thường sẽ nghiền nhẹ nho để tạo vết nứt.

2. Nho sẽ được lên men bằng cả vỏ (trừ vang trắng), cùi và hạt, quá trình này chuyển hóa đường trong nho thành rượu. Do đặc tính cân bằng hóa học tự nhiên của nho mà chúng có khả năng tự lên men mà không cần thêm nguyên liệu phụ trợ như đường, axít, enzym, nước hay bất cứ dưỡng chất nào. Quá trình kéo dài 8 ngày, ở nhiệt độ khoảng 30 độ C. Khi nhiệt độ bắt đầu đi xuống, quá trình lên men này kết thúc.

3. Sau quá trình lên men rượu vang, người ta cho nước ép tiếp xúc với phần vỏ và hạt để làm đậm màu và tăng chiết xuất tanin bằng cách cho dung dịch vào ủ trong bồn chứa có thể làm từ bê tông, gỗ hoặc inox. Trong các thùng ủ, nấm tự nhiên trên da nho hoặc các nấm trong môi trường không khí sẽ bắt đầu tấn công cho quá trình lên men bắt đầu hoạt động. Để kiểm soát chặt chẽ quá trình lên men hơn, người ta thường thêm các nấm men đặc biệt ( điển hình là nấm của các loài Saccharomyces cerevisiae).

4. Trong quá trình lên men trong thùng gỗ sồi, tất cả vỏ nho hầu hết đã nổi lên bề mặt, chúng liên kết lại với nhau và tạo thành một khối như chiếc “nắp” nổi trên bề mặt chất lỏng mà nho tiết ra trong quá trình lên men.

5. Sau đó là quá trình ép để lấy chất tanin từ vỏ nho và hạt nho. Với công đoạn này, nhà sản xuất rượu vang sẽ quyết định hàm lượng tanin (chát) có trong rượu vang bằng cách tăng hay giảm lực ép; ép nhiều thì hàm lượng tanin trong rượu sẽ tăng và ngược lại. Công đoạn này có thể thực hiện bằng thủ công hoặc bằng bơm áp lực.

6. Tiếp theo dung dịch được chiết xuất và ủ trong thùng gỗ sồi hoặc inox. thời gian ủ có thể kéo dài đến 18 tháng. Tác động của gỗ sồi làm cho vang có cấu trúc tốt hơn. Quá trình ủ vang có thể thực hiện trong bồn chứa đối với loại rượu vang mới được tiêu thụ sớm.

7. Và cuối cùng là đóng chai : Sau khi ủ vang, rượu được lọc, rồi đóng chai trong điều kiện vệ sinh tuyệt đối nghiêm ngặt. Đây là quá trình ủ rượu trong chai, vang trong chai vẫn thay đổi do tiếp xúc với một lượng nhỏ oxy xuyên qua nút chai. 

Cách uống

Khứu giác và đầu vị giác của con người cảm nhận theo những cách khác nhau, vì thế mỗi người sẽ có một trải nghiệm của riêng mình khi thưởng thức rượu vang. Và cách thưởng thức vang đúng sẽ làm tăng cảm nhận và hiểu biết của bạn về sự phức tạp tinh tế của loại đồ uống này.

Dưới đây là các bước thử rượu vang và cách đánh giá.

1. Đánh giá hình thức: Hình thức của vang thể hiện ở sắc thái (màu sắc và độ dày) và độ trong.

Rót rượu vang vào ly thích hợp cho loại vang đó. Nghiêng nhẹ ly vang từ trái qua phải để vang chuyển động quanh ly. Hướng ly vào ánh đèn hoặc để phía trước nền trắng để đánh giá màu sắc của vang ở bề mặt rượu nơi tiếp xúc với mặt trong của ly.

Đối với vang đỏ, chú ý đến sự thay đổi và độ mạnh của màu sắc. Vang đỏ có thể có các màu sắc: Màu hạt dẻ (maroon), đỏ tía, hồng lựu, ruby, đỏ, đỏ gạch và có thể có sắc nâu. Nếu màu sắc ngả màu nâu nhiều quá hay có một bề mặt phẳng (không sánh) đồng nghĩa với chai vang đó có chất lượng thấp.

Đối với vang trắng, chú ý đến độ trong, sự chuyển màu của màu vàng gold và màu vàng yellow, có thể bạn sẽ thấy một chút sắc thái của màu xanh lá, màu hổ phách và sắc nâu.

Vang trắng sẽ có màu xám dần và có xu hướng màu tối đi theo thời gian. Vang đỏ sẽ dần chuyển sang sắc thái đỏ thẫm hoặc màu đỏ tía và có nhiều sắc nâu hơn.

Tiếp tục đánh giá tính chắn sáng của vang: Trong như nước hay tối hơn, trong hay mờ đục, màu sáng hay xỉn, thể hiện ở lượng ánh sáng xuyên qua chất lỏng nhiều giống như khi xuyên qua nước hay bị giảm đi do sắc tối và mờ đục của chất lỏng.

Trong khi đánh giá hình thức của rượu vang có thể để ý thêm đến “lệ vang”, những giọt vang chảy trên thành ly. Chúng không thể hiện về chất lượng của vang, chỉ đơn giản cho biết độ cồn, glycerine và lượng đường có trong nó.

2. Đánh giá mùi: Bao gồm nose (mùi ngửi thấy đầu tiên), aroma (các mùi có trong vang), và bouquet (mùi hòa trộn của tất cả các aroma).

Lắc tròn đều ly trong khoảng 10-12 giây để vang di chuyển lên cao hơn trên thành ly và tiếp xúc nhiều với bề mặt không khí. Một lượng cồn nhất định sẽ khuếch tán và các mùi của vang sẽ thoát ra nhiều hơn. Đợi một vài phút cho vang “thở” (cho không khí hòa quện vào vang).

Trước tiên hít nhanh để đánh giá mùi nose qua luồng hương được hít vào mũi. Tiếp đó là đánh giá toàn bộ mùi hương của vang.

Cách mà khứu giác của bạn cảm nhận mùi vang sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vị giác khi bạn thưởng thức. Đưa mũi bạn vào gần ly rượu và hít thở thật sâu để cảm nhận.

Có thể bạn sẽ nhận ra một vài mùi vị của hoa quả, gia vị, mùi đất, hoặc gỗ; nhưng chớ có giới hạn bản thân mình. Có tới hàng tá tính từ cho bạn để miêu tả một mùi hương. Hãy thả hồn cho trí sáng tạo và hãy ghi nhớ cảm nhận của mình. Không có cảm nhận và đánh giá nào là sai, bởi nó tùy thuộc vào các giác quan của bạn.

3. Đánh giá vị: Bao gồm vị của rượu mà bạn nếm được ở lưỡi và vị cảm nhận được trong toàn bộ khoang miệng.

Nhấp một ngụm nhỏ, nhưng đừng nuốt vội mà hãy súc nó trong miệng một lúc để rượu ngấm tràn ngập lưỡi và toàn bộ khoang miệng.

Những người thử rượu vang nhiều kinh nghiệm thường sẽ hít thêm một chút không khí vào miệng để hòa quện và làm dậy mùi vị của rượu vang. Nâng nhẹ đầu lên xuống, chu môi lại giống như đang làm hành động huýt sáo, sau đó hít không khí vào miệng đồng thời thở ra bằng mũi.

Trong khi thử rượu hãy tìm kiếm sự cân bằng giữa nồng độ axit, nồng độ cồn, và nồng độ tannin (chiết xuất từ vỏ, hạt và cuống quả nho). Các thành tố đó phải hài hòa với nhau, không có thành tố nào lấn át hay cao hơn hẳn các thành tố còn lại.

Có thể bạn sẽ nhận thấy vị ngọt tùy theo mức độ dư của đường. Tuy nhiên độ ngọt còn được quyết định tùy thuộc vào lượng axit, cồn và tannin có trong nó. Nói chung, với chai rượu có độ cồn càng cao thì vị ngọt của nó càng nhiều. Đôi khi, một số hướng dẫn thử rượu nhầm lẫn vị ngọt với vị trái cây. Vang ngọt có thể có hoặc không nhất thiết phải có trái cây. Trong khi những loại vang có mức độ dư đường rất thấp và gần như không nhận thấy vị ngọt lại có thể có mùi vị trái cây.

Lượng axit cao sẽ khiến vị vang trở nên sắc hoặc chua. Còn nếu thiếu lượng axit thì mùi vị sẽ nhạt và không tươi mới. Độ cồn cao sẽ cho vị quá ngọt, nóng và gắt khi nuốt vào.

Quá nhiều tannin sẽ làm tăng vị chát. Vị tannin quyết định trọng lượng riêng của rượu và sẽ trở nên êm hơn khi chai rượu càng nhiều tuổi và khi nó được khuếch tán vào không khí.

4. Đánh giá vị cuối:
Vị cuối là ấn tượng và cảm giác cuối cùng còn lại sau khi đã nuốt vào ngụm rượu vang vừa nãy.

Mùi vị trên lưỡi và trong vòm miệng càng dài, còn lại càng lâu thì chai rượu đó càng hảo hạng. Vị cuối ảnh hưởng đến cảm xúc của người uống cho loại rượu đó, đến quyết định có uống thêm một ngụm nữa hay không. Vị cuối càng ấn tượng thì càng chiếm được nhiều tình yêu của người uống. Loại vang hảo hạng là loại có dư vị cuối mang đến sự hưng phấn và thăng hoa cảm xúc cho người thưởng thức.