Vừng đen

Giá trị dinh dưỡng

Vừng đen vừa là cây lương thực vừa là cây thuốc nam quý. Dạng cây thảo có lông mềm, cao 60-100cm. Lá mọc đối, đơn, nguyên, có cuống, hình bầu dục, thon hẹp ở hai đầu. Hoa trắng, mọc đơn độc ở nách, có cuống ngắn. Quả nang kép dài, có lông mềm, có 4 ô mở từ gốc lên. Hạt nhiều, thuôn, vàng nâu hay đen, hơi bị ép dẹp, hầu như nhẵn, có nội nhũ. Hoa tháng 5-9, quả tháng 7-9. 

Công dụng

Giữ da đẹp và tóc lâu bạc: Vừng đen 500g đem phơi khô, sao chín, tán ra bột, cho vào lọ sạch dùng dần. Khi ăn, cho 1-2 thìa bột vừng vào bát, cho thêm đường tùy theo khẩu vị (nếu có đường phèn càng tốt), đổ nước sôi vào quấy đều thành chè. Chè vừng đen thích ăn lúc nào thì làm lúc ấy, ăn liên tục nhiều ngày có tác dụng rất tốt cho da, tóc; người trẻ lâu giữ được vẻ đẹp, lại chữa khỏi ho khan và táo bón.

Chữa đầy chướng bụng: Chướng bụng do người bệnh có cảm giác ậm ạch, sau mỗi lần ăn vào lại đầy bụng, chướng hơi bí bích không tiêu). Lấy vừng đen giã nhỏ nấu cháo và cho vào 1 cái vỏ quýt khô. Khi ăn nêm một ít muối vừa miệng. Ăn vài lần sẽ khỏi.

Chữa sản phụ thiếu sữa: Lấy 30g vừng đen giã nhỏ; cùng với gạo tẻ (chừng 50-60g) cho vào nước nấu nhừ thành cháo. Món cháo này vừa có tác dụng lợi sữa, vừa nhuận tràng, thích hợp với phụ nữ sau khi sinh bị táo bón, và không đủ sữa cho con bú.

Chữa viêm mũi mãn tính: Lấy một ít dầu vừng đem đun sôi, giữ nhỏ lửa cho sôi nhẹ 15 phút. Khi nguội, đổ dầu vào lọ sạch có nút kín, dùng dần. Ngày nhỏ mũi 3 lần: mới đầu chỉ nhỏ 2-3 giọt, khi đã quen thì tăng lên 4-5 giọt. Sau khi nhỏ thuốc không cử động mạnh 2-3 phút cho dầu lan ra ngấm kỹ vào niêm mạc mũi. Dùng sau 2 tuần sẽ khỏi bệnh.

Chữa chân tay đau buốt hơi thũng: Đây là chứng do thấp nhiệt thâm nhiễm làm chân tay đau buốt và hơi thũng. Cách chữa: lấy 40g hạt vừng đen, rang có mùi thơm, tán bột, đổ vào 40g rượu, ngâm trong một đêm, chia đều uống nhiều lần, bệnh sẽ giảm dần và khỏi.

Chữa táo bón: Vừng đen 200g, hà thủ ô đỏ, kỳ tử, long nhãn, tang thầm (quả dâu), bá tử nhân (hạt trắc bá) mỗi vị 100g, mật ong vừa đủ. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 10-20 viên, có thể dùng ở dạng thuốc sắc liều thích hợp.

Cách chọn

Chọn những hạt vừng đen láy, căng tròng, bóng.

Không chọn những hạt có màu hơi ngả vàng, lép, nhăn nheo.

Nên chọn mua vừng đen của những cơ sở sản xuất có tên tuổi và đã đăng ký nhãn hiệu.

Bảo quản

Cho vừng đen vào hộp kín. Sử dụng các hộp kẹo cũ, lọ mứt hoặc bất cứ chai lọ nào bạn có, miễn là bạn có thể đóng kín, ngăn không khí lọt vào và giữ hạt tươi mới nhất. Bảo quản trong hộp kín là bước thứ nhất, tuy nhiên quan trọng hơn là hãy để chúng ở những nơi mát. Nếu bạn có kế hoạch sử dụng ngay, hãy để hộp kín vào chỗ lạnh, tối trong ngăn chứa. Nhớ rằng, ở nhiệt độ phòng, vừng đen chỉ giữ được trong vài tháng. Để bảo quản chúng lâu hơn, hãy đặt chúng vào tủ lạnh ngăn mát hoặc ngăn đá.

Lưu ý khi sử dụng

Nên dùng chung vừng với các thực phẩm khác để có một món ăn. 

Trong vừng cũng có chứa chất đạm, nhiều loại vitamin, giàu khoáng chất như canxi, phospho, magiê... Có lẽ chính vì thế mà hiện nay người ta hay dùng vừng, thậm chí lạm dụng vừng để thay thế các thực phẩm khác. 

Điều này hoàn toàn không nên và không đúng vì tác dụng chữa bệnh thì chưa được chứng minh, còn về mặt dinh dưỡng là không đảm bảo. Bởi trong vừng chứa rất ít chất bột đường, gần như không có, trong khi nhu cầu dinh dưỡng ở người bình thường hay ăn kiêng để kết hợp điều trị như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, xơ vữa... thì vẫn phải đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm cơ bản gồm: Chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin, muối khoáng, nước, chất xơ...

Hơn nữa, xét về mặt năng lượng tính trên 100g thực phẩm thì vừng giàu năng lượng gấp 2 lần cơm nhưng thành phần các chất dinh dưỡng của vừng lại phiến diện, không cân đối và đủ bốn nhóm chất như trong bữa cơm có thịt, cá, rau, dầu...

Trong khẩu phần ăn một bữa cơm thì chất bột đường phải chiếm từ 55 - 65% năng lượng, đạm là 12 - 15%, béo từ 20 - 30% mới phù hợp, còn trong vừng thì thiếu hẳn nhóm cung cấp đường và tỷ lệ chất béo quá cao. Vì vậy, trong bữa cơm, vừng chỉ có thể được xem là một thực phẩm bổ dưỡng dùng để bổ sung, cung cấp thêm dưỡng chất cũng như tăng cường nguồn năng lượng từ chất béo cho bữa ăn.

Cũng cần lưu ý, trong vừng có khoảng 5,36% axit phytic (là chất không có giá trị dinh dưỡng), làm giảm hấp thu một số chất quan trọng như canxi, magie, sắt, kẽm... Ngoài ra, nếu ăn vừng cả hạt, dù nhai kỹ đến đâu cũng không thể vỡ hết được và như vậy, vừa không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng trong vừng, vừa gây hại cho đường tiêu hóa. Vì thế, dùng quá nhiều vừng cũng không có lợi cho sức khoẻ.

BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, vừng trong Đông y có tên gọi là hắc chi ma (vừng đen), bạch tri ma (vừng trắng), có tác dụng hỗ trợ tim mạch, tiêu hóa nhất là người bị táo bón, có lợi cho huyết và dịch, bồi bổ cho cơ thể, làm sáng mắt....

Tuy nhiên, vừng thuộc hàn nếu người thể hàn dùng dễ sinh ỉa lỏng, nếu dùng nhiều lâu dần sẽ hỏng đường tiêu hóa. Hơn nữa, trong Đông y cũng không dùng vừng đơn độc mà thường phối hợp với gạo, khoai hoặc bột sắn dây, các thực phẩm thuộc nhóm bột đường, để có các món ăn, bài thuốc đơn giản bồi bổ sức khoẻ. Dùng đơn độc, vừng không có các tá dược khác để chuyển hóa thành các chất bổ, không tốt cho sức khoẻ.